Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005: Phương ngữ học tiếng Việt
Từ trước đến nay, các sách ngôn ngữ học thường giới thiệu tiếng Việt như một thực thể nhất dạng. Trong thực tế, tiếng Việt rất đa dạng và luôn luôn biến đổi với những sắc thái địa phương khác nhau. Những sắc thái đó thông thường chỉ được cảm nhận, mà không được phân tích, lý giải tường tận. Công trình nói trên thông qua cuốn sách phương ngữ học tiếng Việt, dựa vào những phương pháp của ngôn ngữ học và phương pháp học để miêu tả, phân tích, để giới thiệu những biến thể địa phương của tiếng Việt, lý giải các nguyên nhân xã hội và các quy luật biến đổi ngữ âm đã tạo ra sự đa dạng đó. Những biến thể của tiếng Việt trên các miền đất nước, đồng thời cũng là những chặng đường biến đổi của tiếng Việt. Tác giả đã vận dụng những tư liệu về lịch sử ngôn ngữ có được để xác định niên đại cho những mốc biến đổi. Do đó, các vấn đề trong sách vừa thuộc về lĩnh vực ngôn ngữ học địa lý, vừa thuộc ngôn ngữ lịch sử, vừa là đồng đại và là lịch đại.
Trong sách có những phát hiện chưa hề được công bố trước đó. Chẳng hạn như nét khác biệt của tiếng miền nam, thường được giải thích do ảnh hưởng tiếng Khmer, tiếng Chăm. Nhưng, ảnh hưởng của tiếng Hán do những người Hoa di cư sang Việt Nam cả đường thủy và đường bộ, suốt ba thế kỷ gần đây thì lại bị giới nghiên cứu lãng quên. Tác giả đã chứng minh một nét khác biệt về ngữ âm của tiếng miền nam ở phần vần là do ảnh hưởng của cách phát âm tiếng Hán Triều châu, quê hương của phần lớn người Hoa di cư bằng đường biển sang nước ta.
Sách phương ngữ học tiếng Việt là kết quả sưu tầm và nghiên cứu của tác giả trong nhiều năm giảng dạy. Công trình đã phân vùng phương ngữ tiếng Việt và chỉ rõ, lý giải những đặc điểm của ngôn ngữ từng vùng. Ðồng thời, đã tìm ra được các quy luật biến đổi và phát triển của ngôn ngữ để từ đó hướng tới việc chuẩn hóa ngôn ngữ toàn dân. Ðây là công trình chuyên khảo, đồng thời là giáo trình đầu tiên về phương ngữ học tiếng Việt ở bậc đại học và trên đại học trong nước cũng như nước ngoài; đóng góp cả về lý luận và thực tiễn cho công tác chuẩn hóa tiếng Việt; giúp các nhà nghiên cứu như dân tộc học, sử học, văn hóa học... có thêm nhiều tư liệu cho viện nghiên cứu chuyên ngành; giúp các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ hơn về ngôn ngữ của mình để từ đó hướng về cách nói đúng, viết đúng tiếng Việt toàn dân, góp phần trực tiếp gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt; công trình đã tạo nền móng để xây dựng ngành phương ngữ học ở nước ta.
Hội đồng Giải thưởng quốc gia đánh giá công trình: Phương ngữ học tiếng Việt của giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thị Châu là giáo trình chuyên khảo đầu tiên ở Việt Nam và nước ngoài, nghiên cứu một cách cơ bản về lý luận và thực tiễn của các phương ngữ tiếng Việt. Công trình có giá trị khoa học cao và có những đóng góp xuất sắc, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển ngành phương ngữ học ở nước ta.
Nguồn: nhandan.com.vn 29/10/2005