Giải pháp xây dựng diễn đàn khoa học và công nghệ quy mô quốc gia
Ngày 2/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Giải pháp xây dựng diễn đàn khoa học và công nghệ quy mô quốc gia. TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS Lê Bộ Lĩnh – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội đồng chủ trì hội thảo.
TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, tại Việt Nam đã có rất nhiều các diễn đàn về khoa học và công nghệ được tổ chức, tuy nhiên các diễn đàn hiện nay chủ yếu manh mún nhỏ lẻ, chỉ đáp ứng được những vấn đề của ngành, lĩnh vực mà không thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế cũng như dư luận xã hội. Chính vì vậy, mong các nhà khoa học, các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến nhằm đánh giá việc thực hiện các diễn đàn khoa học và công nghệ thời gian qua và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới.
TS Lê Bộ Lĩnh – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội
TS Lê Bộ Lĩnh – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội cho biết, muốn nâng cao chất lượng về diễn đàn khoa học cho thời gian tới, cần tập hợp đội ngũ nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau, các nhà quản lý và doanh nghiệp để bàn thảo những vấn đề liên quan đến sự phát triển đất nước đòi hỏi cách tiếp cận khoa học liên ngành, liên lĩnh vực.
Giới thiệu, tôn vinh những thành tựu khoa học công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam; Phổ biến, quảng bá những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất trên thế giới; Kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và quản lý với doanh nghiệp và công chúng nhằm thúc đẩy việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tư vấn, phản biện và giám sát việc thực hiện chính sách khoa học công nghệ quốc gia.
Thúc đẩy sự hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa cộng đồng khoa học Việt Nam và cộng đồng khoa học thế giới góp phần đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế, TS Lĩnh cho hay.
TS Trần Duy Khanh – Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC
Theo ý kiến của TS Trần Duy Khanh – Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC cho rằng, hiện nay các bộ, ngành, đoàn thể, viện trường đại học… đang tổ chức nhiều diễn đàn, nhưng chất lượng diễn đàn chưa cao, chưa có sức lan tỏa, chưa thu hút các chuyên gia giỏi tham gia và chưa tác động mạnh tới chính sách xã hội cũng như giá trị khoa học, lý luận, tổng kết.
Một số diễn đàn mang nặng tính “hình thức”, tổ chức sơ sài, chủ đề không rõ ràng, diễn giả thiếu “tầm”… tổ chức chỉ để cho xong, cho qua và có chứng từ thành toán, gây lãng phí cả tiền của và thời gian của mọi người. Một số diễn đàn mang nặng tính “mặc định” của ban tổ chức, thiếu tính tranh luận, sáng tạo, xây dựng và phát triển.
Nhiều cuộc hội thảo mang danh diễn đàn, nhưng bản chất chỉ là hội nghị “chỉ đạo”, “độc diễn” của một vài vị chuyên gia và lãnh đạo, mà không hề có tính diễn đàn đúng nghĩa.
“Vì thế, tôi cho rằng, tổ chức các diễn đàn khoa học và công nghệ cấp quốc gia là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam để tập hợp đội ngũ trí thức và khoa học công nghệ Việt Nam đóng góp xây dựng và phát triển đất nước”, TS Khanh cho biết.
Vậy vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam là gì trong các diễn đàn khoa học công nghệ? Theo tôi Liên hiệp Hội Việt có nhiệm vụ: Tổ chức – Tập hợp và Phản ánh, TS Khanh cho hay. Và Liên hiệp Hội Việt Nam cần phải tổ chức Diễn đàn khoa học và công nghệ quốc gia thường niên hàng năm.
Các nhà khoa học và các chuyên gia phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các nhà khoa học và các chuyên gia đã thảo luận và đưa ra nhiều ý như trước hết cần chẩn đoán chủ thể của các Diễn đàn khoa học công nghệ hiện nay “khỏe yếu” như thế nào về số lượng có lẽ không thiếu – khá đông tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia ngày càng phát triển.
Thứ hai là tháo gỡ từ hàng lang pháp lý – tạo môi trường dân chủ tự do sáng tạo, bình đẳng đối thoại.
Thứ ba là Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã quy định cụ thể, bổ sung các nội dung về định hướng phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam còn rất nhiều nút thắt, rào cản, khó khăn cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các khung pháp lý về mặt thể chế cũng như định hướng phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Hiện tại, Việt Nam chưa có các sàn giao dịch công nghệ quốc gia một cách đúng đắn, các hoạt động của sàn còn chưa hiệu quả như kỳ vọng, sàn giao dịch công nghệ là một chủ đề của định chế quan trọng của thị trường khoa học và công nghệ.
Hiện trạng chồng chéo không thống nhất, không đồng bộ trong các luật nội dung không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Khoa học & Công nghệ. Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các tổ chức khoa học và công nghệ quy định khoản 3 Điều 31 Luật Đầu tư 2014: “ Dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản , báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài”, Tuy nhiên, Luật Khoa học và công nghệ quy định việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học & Công nghệ và Sở Khoa học công nghệ.
Các nhà khoa học và các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến cho hội thảo
Ngoài ra, theo ý của các nhà khoa học và các chuyên gia, cần đổi mới phương thức quản lý nhà nước với các tổ chức khoa học công nghệ; Đổi mới nhận thức của cộng đồng về vai trò của khoa học công nghệ.
Tin, ảnh: HT