Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà
Các khuyến nghị chính bao gồm, (1) rà soát lại toàn bộ các Quy hoạch liên quan đến bán đảo đã được phê duyệt nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sơn Trà; (2) rà soát và chấn chỉnh lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Sơn Trà, đặc biệt là chuyển đổi đất rừng đặc dụng/khu BTTN sang “đất khác”; (3) tổ chức điều tra và thẩm định lại Đánh giá Môi trường Chiến lược đối với Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà; (4) xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái tự nhiên; (5) xem xét quy hoạch hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới trình UNESCO công nhận; (6) xây dựng cơ chế thống nhất giao một đơn vị chính quản lý, bảo vệ rừng, quản lý mọi hoạt động du lịch của du khách và người dân lên bán đảo Sơn Trà; (7) xây dựng mô hình du lịch sinh thái tạo ra thu nhập từ hoạt động bảo tồn hệ sinh thái và thiên nhiên hoang dã ở Sơn Trà và; (8) nghiên cứu và áp dụng mô hình tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý Khu BTTN Sơn Trà như mô hình Công viên thiên nhiên Đảo Phillip ở bang Victoria của Úc và Khu bảo tồn khỉ Tarsier ở Bohol, Philippine.
Các khuyến nghị trên được đưa ra trên cơ sở kết luận hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” do các đơn vị trên phối hợp tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 28/4/2017.
Theo thông tin tại hội thảo, là một phần của Vùng sinh thái Trường Sơn – một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu (WWF, 2010), bán đảo Sơn Trà là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo với 985 loài thực vật bậc cao có mạch, gần 380 loài thú thuộc nguồn gen quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn. Khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà còn có hệ sinh thái san hô và cỏ biển quan trọng với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 03 loài cỏ biển. Bán đảo Sơn Trà là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát Voọc chà vá chân nâu – loài đẹp nhất trong các loài linh trưởng trên thế giới do có nhiều màu sắc nhất trong các loài voọc. Đây là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương, ở Việt Nam chỉ còn lại khoảng 1.500 cá thể, trong đó, bán đảo Sơn Trà có khoảng 300 cá thể. Voọc chà vá chân nâu là loài nguy cấp (EN – Endangered Species) theo phân hạng của Tổ chức BTTN quốc tế (IUCN), đứng thứ 4/7 trong thang Danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng nhất trên thế giới được bảo vệ trên toàn thế giới và ở Việt Nam. Không chỉ có hệ động thực vật phong phú, Sơn Trà còn được ví như “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu và là bức bình phong chặn gió bão cho TP. Đà Nẵng.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của du lịch lại đang đặt áp lực và đe dọa sự bền vững của hệ sinh thái Bán đảo Sơn Trà – nguồn giá trị chính khiến cho Sơn Trà hấp dẫn khách du lịch. Từng là một trong 10 khu rừng cấm của Việt Nam từ năm 1977, và đến năm 1992 được đổi thành tên Khu BTTN Sơn Trà với tổng diện tích 4.439 ha. Tuy nhiên, đến nay diện tích rừng ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học tại Bán đảo Sơn Trà đã giảm đi gần một nửa. Đặc biệt cuối năm 2016, Bán đảo Sơn Trà được quy hoạch thành khu du lịch cấp quốc gia với diện tích ưu tiên tập rung phục vụ du lịch lên tới 1.056 ha và phát triển ở đai độ cao dưới 200m so với mực nước biển, vốn là một phần sinh cảnh sống của loài Voọc chà vá chân nâu và nhiều loài động, thực vật khác.