Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 08/09/2006 21:09 (GMT+7)

Đừng quá sợ đánh mất bản sắc dân tộc

Nhà báo Kim Hạnh: Cùng với xu thế hội nhập ngày càng gia tăng, mối lo ngại về sự đánh mất dần bản sắc dân tộc cũng gia tăng. Giáo sư nghĩ thế nào?

Giáo sư - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: Mối lo ngại ấy là tự nhiên thôi. Ông cha mình canh cánh muôn thuở về điều ấy. Rốt cuộc ta vẫn là ta.

Chẳng nói xa gì. Nửa đầu thế kỷ XX, văn hoá và lối sống Pháp, theo đó là Âu châu, xâm nhập vào ta nhanh và mạnh, tưởng như ngự trị, trong khi văn hoá dân tộc có dấu hiệu suy yếu. Thế mà những năm 20-30 và đầu 40, dưới sự tác động của làn sóng ấy (bước một của sự hội nhập thời mới) và cùng với vốn liếng văn hoá giàu bản sắc có sẵn, đã nảy nở rộn rã cả một nền văn học - nghệ thuật Việt Nam mới (hầu như chỉ tầng lớp tiểu tư sản mới hình thành tạo ra), với văn xuôi và thi ca, âm nhạc, hội hoạ, sân khấu, phê bình văn học… còn âm vang đến tận nay. Cuộc hội hoạ đầu của thời mới bị đứt quãng ấy đã làm cho văn hoá Việt, con người Việt phong phú hơn, bổ túc những nét mới cho bản sắc. Ta chối bỏ những cái gì đó, ta tiếp thu và sản sinh ra những cái gì đó mới hơn, phù hợp hơn, có sức nâng cao ta lên.

Cuộc hội nhập thời nay mạnh mẽ hơn, toàn diện và toàn cục, sức chi phối, sức tác động của nó không thể so sánh với trước được. Song ta sở hữu cả một vốn liếng gien, vốn liếng bản sắc của ta vô cùng sâu lắng, vô cùng dai bền, không việc gì phải e ngại! Thử xem, mình bắt chước ăn cá sống với mù tạt theo kiểu Nhật, nhưng thêm vào đấy là rau diếp cá, lá cải xanh, củ cải sống. Mình cũng dùng ximăng, kính và kim loại, song cái nhà mình vẫn xây theo cách nghĩ và cách nhìn của mình, chẳng giống ai. Mình hát nhạc pop, nhạc rock, song giai điệu và cách thể hiện thì chẳng giống ai. Thậm chí, ở những sân bay quốc tế này nọ, cứ gặp dăm ba đồng bào mình túm tụm, là nhận ra ngay. Ấy là trong cuộc sống thường nhật, chứ ở những phạm trù lớn lao như cách nghĩ, cách sống, cách phấn đấu… mình chẳng giống ai hết.

Cái đáng lo nhất là lo đuổi kịp, lo sánh vai với nhân loại!

Trong hội nhập, giáo sư có những lo ngại gì?

Tôi xin nói lại, tôi không lo mất bản sắc dân tộc từ bên ngoài, tôi lo cho sự đánh rơi vãi mình, sự tự đánh mất mình, nếu có thể nói như vậy, từ bên trong, từ chính ta.

Mấy chục năm nay, trong những cuộc thử thách vượt sức người mà dân tộc mình trải qua, đã rèn đúc ở người Việt chúng ta những phẩm chất quý giá, có thể trở thành hành trang tinh thần cho mãi mãi. Chẳng hạn, đó là sức sống mà người ta gọi là vitalism, sức sống Việt, là số cộng của sức chịu đựng sự bền bỉ và sự áp đảo của lý trí. Sức sống Việt trở thành hiện tượng. Chẳng hạn, đó là lòng tự hào dân tộc. Điều này phải nhận thức cho đúng, bởi trong quá khứ ta đã là nô lệ không chỉ trăm năm, bởi nay có người vẫn tư duy kiểu "nô lệ" trước những gì của nước ngoài. Còn nhiều phẩm chất quý giá khác đã góp phần bồi bổ cho bản sắc dân tộc Việt đương đại.

Song cũng đã nảy sinh những phẩm chất "nghịch", không thể không bám kết vào bản sắc Việt theo cách hiểu rộng. Chẳng hạn, cùng với khả năng ứng biến nhanh, tính linh hoạt (đã trở thành lợi thế của người Việt), mà trong những hoàn cảnh bất thường kéo dài đã nảy sinh và trở thành cố hữu thói quen và nếp nghĩ linh động. Linh động đối với việc chấp hành luật. Linh động trong mọi trường hợp cuộc sống (liều mạng vượt đèn đỏ, để sau đó đàm tiếu ở quán cà phê cả tiếng đồng hồ). Chẳng hạn, hoàn cảnh lịch sử và kinh tế buộc ta phải làm mọi thứ theo kiểu "nhanh - nhiều - tốt - rẻ", thành ra trong mọi việc, dù đòi hỏi phải rất kỹ càng, ta vẫn làm cẩu thả, làm qua loa. Chẳng hạn, bởi cái bệnh thành tích do kế hoạch và chỉ tiêu đặt trước mà ta cứ làm cho được, cho có, sinh ra chứng hình thức chủ nghĩa. Chẳng hạn, do của cải và tài nguyên trở thành sở hữu chung, trong khi nhận thức chưa thay đổi kịp, nảy sinh thói phung phí. Phung phí vật chất, tiền của và thời gian. Một mối lo day dứt nữa - sự rạn nứt trong luân lý ứng xử giữa con người với con người, giữa các thế hệ trong gia đình và dòng tộc. Những khoảng trống đã hình thành chủ nghĩa thực dụng trần trụi đang há miệng, nhe răng, đe doạ! Chúng ta đang có những nỗ lực to lớn để hồi phục và bồi bổ sức dân, cải thiện giống nòi. Cùng với đó, ta cần chăm lo đến việc lành mạnh hoá và bồi đắp tâm trí, trật tự luân lý và củng cố tinh thần cho con người đương đại. Có vậy, mới giữ gìn và cải tiến bản sắc cho dân tộc.

Giáo sư có nói đến các đòi hỏi "đuổi kịp" và "sánh vai" trong hội nhập. Muốn vậy, ta cần ưu tiên điều gì?

Câu hỏi quá lớn. Khó ai có thể trả lời được. Tôi thử vậy. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học - công nghệ và mức sống, tôi cho rằng chúng ta phải vươn lên những chuẩn mực quốc tế về mọi phương diện. Hiện nay chúng ta còn đứng hầu như ngoài những chuẩn mực ấy. Sự đứng ngoài làm cho ta khó bề hội nhập ngang bằng và bình đẳng. Muốn vậy, cần lưu ý đến những vấn đề xem chừng đơn giản, song rất quyết định, đó là: tính cơ bản và tính chuyên nghiệp. Tôi có thể nhìn chưa thấu, song trong mọi lĩnh vực kinh tế, sản xuất, khoa học và nghệ thuật ta thiếu nhất là hai cái đó.

Tôi cũng cho rằng, muốn đuổi kịp, ta đặc biệt cần chú trọng vun đắp và nhân lên những tinh hoa, tinh hoa trong doanh nghiệp, trong khoa học - công nghệ, trong văn học - nghệ thuật… Không có được những tinh hoa, chúng ta không thể thúc đẩy tiến bộ, không thể được thế giới biết đến, không thể có những chuẩn mực mà căn cứ vào đó vươn lên. Cứ xếp hàng ngang, đánh trống cà rình, không đi nhanh đi tới được. Phía trước là chặng đường xa.

Thưa nhà báo, tôi không phải là nhà nghiên cứu chính trị, nhà xã hội học, nhà tâm lý học. Tôi chỉ là một kiến trúc sư. Song, thú thực với chị, đeo đuổi tôi không chỉ những suy ngẫm về những ngôi nhà, mà cả về ngôi nhà Việt Nam. Suy ngẫm, thì hay vươn quá sức quá tâm.

Âu, cũng là sự chia sẻ. Mong chị thông cảm.

Nguồn: chungta.com 29/6/06

Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Hà Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm
Ngày 13/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hộivà các chuyên gia TVPB.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tin mới

Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.