Dùng mướp đắng rừng và tầm bóp trong phòng và điều trị bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa đa nguyên nhân, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu mạn tính và các rối loạn chuyển hóa carbohydrat, lipid, protein do thiếu insulin, đề kháng insulin hoặc cả hai. Thực tế cho thấy số người mắc bệnh đái tháo đường trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng ngày càng gia tăng. Các thuốc insulin, biguanid, sulfonylurea... dùng trong điều trị bệnh đái tháo đường thường gây ra một số tác dụng phụ như béo phì, vàng da, suy đường huyết, ngộ độc gan.... Vì vậy, nghiên cứu phát triển các thuốc hạ đường huyết có nguồn gốc từ dược liệu với ưu điểm rẻ tiền, an toàn khi sử dụng lâu dài trong điều trị các bệnh mạn tính là một trong những định hướng của ngành dược Việt Nam và trên thế giới.
Mướp đắng rừng thuộc họ bầu bí ( Cucurbitaceae) và tầm bóp thuộc họ cà ( Solanaceae) là những món ăn, vị thuốc rẻ tiền khá phổ biến và đã được sử dụng trong dân gian để hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường. Đến nay, Việt Nam có rất ít nghiên cứu về tác dụng hạ đường huyết của các bộ phận từ hai dược liệu này.
Kết quả đề tài cho thấy cao cồn 50% từ các bộ phận của mướp đắng rừng và tầm bóp đều có khả năng ức chế α-amylase; cao chiết từ thân và lá mướp đắng rừng và rễ tầm bóp còn có hoạt tính ức chế α-glucosidase. Kết quả này là cơ sở để khảo sát tác dụng hạ đường huyết in vivo trên chuột nhắt trắng, làm tiền đề phát triển sản xuất các thuốc từ mướp đắng rừng, tầm bóp, ứng dụng trong phòng và điều trị bệnh đái tháo đường.