Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 01/07/2005 14:51 (GMT+7)

Dùng chế phẩm sinh học biến phân chuồng thành phân vi sinh

Từ năm 2003,  TS Võ Thị Hạnh, Phó phòng Vi sinh ứng dụng, cùng cộng sự đã tự mày mò sản xuất chế phẩm dạng lỏng có chứa tập đoàn vi sinh vật hữu ích (VEM) như vi khuẩn Lactie, Bacillus, nấm men, và vi khuẩn quang dưỡng. Tất cả những vi sinh vật trên đều do nhóm nghiên cứu phân lập và chọn lọc, chịu được điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam , do vậy không phải phụ thuộc vào nguồn giống vi sinh của nước ngoài.

Sau khi cho ra đời VEM vào cuối năm 2004, nhóm nghiên cứu đã pha loãng chế phẩm này với nước ở tỷ lệ 1/1.000 (1lít VEM với 1.000 lít nước) rồi cho 4.000 con gà tại trang trại Trung Hậu, Bình Dương, uống hàng ngày. Ngoài ra, 200 con lợn cũng được uống VEM pha loãng với tỷ lệ 1/500. Thời gian thử nghiệm kéo dài một tháng. Kết quả cho thấy do tập đoàn vi sinh vật đi vào hệ tiêu hoá nên chúng ức chế các vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kích thích tiêu hoá tốt và giảm mùi hôi của phân thải ra. Hơn thế nữa, các chủng vi sinh còn giúp giảm lượng thức ăn tiêu tốn, chẳng hạn những con gà được uống VEM hàng ngày có tỷ lệ tiêu tốn thức ăn là 1,80 so với những con không được uống VEM (1,88).

Không dừng lại ở thành công trên, nhóm nghiên cứu tiếp tục xử lý nguồn phân chuồng, biến thứ chất thải này thành phân bón hữu cơ vi sinh. Ở công đoạn này, TS Hạnh đã sử dụng BIO-F, chế phẩm chứa các vi sinh vật do nhóm phân lập và tuyển chọn: xạ khuẩn Streptomyces sp., nấm mốc Trichoderma sp. và vi khuẩn Bacillussp. Những vi sinh vật trên có tác dụng phân huỷ nhanh các hợp chất hữu cơ trong phân lợn, gà và bò (protein và cellulose), gây mất mùi hôi. Trước đó, chế phẩm BIO-F đã được sử dụng để sản xuất thành công phân bón hữu cơ vi sinh từ bùn đáy ao, vỏ cà phê và xử lý rác thải sinh hoạt.

Phân lợn, gà sau khi được thải ra sẽ được xử lý ẩm độ, sau đó ủ với chế phẩm BIO-F. Sau ba ngày, các vi sinh vật hữu ích nói trên bắt đầu phát triển mạnh, phân giải và làm mất mùi phân. Nhiệt độ trong khối ủ cũng tăng lên tới 60-70 độ C, tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh và trứng giun trong phân. Sau 7-10 ngày, giai đoạn kết thúc và sản phẩm thu được là phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng cao, có tác dụng phòng chống nấm hại cây trồng. Cho tới nay, các chuyên gia đã sản xuất thử được vài mẻ phân bón như vậy ở Trung Hậu.

Từ trước tới nay, phần đông các cơ sở chăn nuôi thường bán phân tươi cho các trang trại trồng trọt với giá khoảng 5.000 đồng/bao 40kg. Nguồn phân này thường được bón trực tiếp hoặc xử lý không đúng cách nên làm rau màu nhiễm trứng giun và vi sinh vật có hại, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng. Phương pháp xử lý nói trên giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thêm nguồn thu nhập cho doanh nghiệp và hộ chăn nuôi. Ngoài ra, lợi ích lớn nhất mà nó đem lại là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường thường thấy ở các cơ sở chăn nuôi cũng như khu vực dân cư xung quanh.

Theo TS Hạnh, loại phân bón hữu cơ vi sinh nói trên có giá thành chưa tới 1.000 đồng/kg. Quy trình đơn giản và rẻ tiền trên có thể áp dụng đại trà cho các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp với đàn lợn từ 10.000 tới 100.000 con hoặc các hộ chăn nuôi quy mô gia đình từ 500-2.000 con. Ngoài ra, các trại chăn nuôi gà, bò cũng có thể áp dụng giải pháp này. Trong năm nay, được sự hỗ trợ từ Ngân hàng thế giới, Viện Sinh học Nhiệt đới sẽ hợp tác với  Công ty Kim Long, Bình Dương, để tiếp tục thử nghiệm các chế phẩm vi sinh nói trên và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với quy mô 5 tấn/mẻ. Được biết mỗi ngày đàn lợn 30.000 con ở Kim Long thải ra 10 tấn phân và nước thải.

Nguồn: vnn.vn 28/6/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.
Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam
Ca khúc: “Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam”. Nhạc: Doãn Nguyên. Lời thơ Lê Cảnh Nhạc. Tập thể cán bộ, phóng viên Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cùng Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển biểu diễn tại Hội thảo khoa học: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”, ngày 26/12/2024, tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.