Dùng cát biển xây dựng công trình ven biển
Đó là bờ kè chắn sóng dọc và ngang dài 260m tại bờ biển ấp Đông Hòa xã Long Hòa huyện Cần Giờ. Mới đây, một đoạn mỏ hàn tại xã Long Hòa cũng đã được bê tông hóa bằng hỗn hợp xi măng, cát biển và chất phụ gia từ kinh phí của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố.
Theo TS. Nguyễn Hồng Bỉnh, Trưởng nhóm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ mới, công nghệ này giúp giảm 15%-20% lượng xi măng, giá thành thấp hơn 25%-30% so với vật liệu truyền thống. PGS.TS. Huỳnh Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng TP. Hồ Chí Minh nhận xét: Công trình nghiên cứu sử dụng cát biển tại chỗ để xây dựng của TS. Nguyễn Hồng Bỉnh mở ra khả năng xây dựng đường nông thôn, nền nhà, sân phơi… vùng ven biển, hải đảo. Dù cần có thời gian để đánh giá đúng mức độ bền của các công trình này so với bê tông cát thường (nước ngọt), nhưng có thể khuyến khích ứng dụng cho các công trình nhỏ, phục vụ dân sinh.
Vừa trở về sau chuyến khảo sát kè biển và mỏ hàn vừa mới xây dựng, TS. Huỳnh Văn Phát cho biết, hiện bên trong kè biển xây dựng theo đơn đặt hàng của Công ty 27/7 (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh) nhiều hồ tắm nước biển, nước ngọt... và các công trình phụ trợ khác đã được xây dựng. Điều nhóm nghiên cứu còn lấn cấn hiện nay là chưa thể đăng ký bằng sáng chế quốc gia, vì để được cấp bằng sáng chế độc quyền buộc phải công bố các thành phần, trong đó có chất phụ gia (viết phản ứng hóa học, viết công thức), nhưng nếu tác giả công bố thì không có ai đảm bảo rằng bí mật của công trình mất nhiều năm nghiên cứu này sẽ không bị lộ.Đây là điều khiến cho tác giả từ 4-5 năm nay vẫn chưa thể tiến hành đăng ký bằng sáng chế độc quyền. Theo TS. Huỳnh Văn Phát, chính vì không đăng ký được sáng chế độc quyền nên nhóm nghiên cứu không được Bộ Xây dựng cấp giấy phép thi công những công trình lớn. Do vậy, đến nay nghiên cứu này vẫn chỉ loay hoay ứng dụng ở những công trình dân dụng.
Hiện nay, TS. Nguyễn Hồng Bỉnh đang phối hợp với Xí nghiệp Công trình công ích huyện Cần Giờ sử dụng chất phụ gia này làm đường giao thông nông thôn ở các xã. Một doanh nghiệp tư nhân khác đang thảo luận việc sử dụng hỗn hợp xi măng cát và nước biển này để xây bờ kè và các khu nhà nghỉ có sử dụng bê tông cốt thép. Hỗn hợp vật liệu mới này còn được thử nghiệm xây dựng nhà nghỉ tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ năm 1999 - 2000.
Nguồn: Sài Gòn Giải phóng, 11/08/2005