Đưa khoa học công nghệ là động lực để phát triển
Trong những năm qua, hoạt động khoa học công nghệ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng đã có sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực; công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được quan tâm.
Hiện Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng có 32 hội thành viên và 5 trung tâm trực thuộc, với gần 160.000 hội viên. Trong 5 năm qua, mỗi hội thành viên trực thuộc Hội đã chú trọng mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Song song với các hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật, Liên hiệp Hội tập trung chuyển giao khoa học công nghệ vào đời sống, tiêu biểu là những dự án xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang như: chuyển giao hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo công nghệ Dewatt; tư vấn hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống chè dây cho nông dân; tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ con giống gà Đông Tảo; tư vấn hướng dẫn kỹ thuật ươm trồng cây keo Tai tượng; chuyển giao công nghệ “Sấy bánh tráng tận dụng không khí nóng từ lò tráng bánh”; chuyển giao hệ thống điện mặt trời áp mái cho Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, ông Huỳnh Phước - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội Đà Nẵng cho biết.
Trong lĩnh vực y tế, Hội Y học thành phố đã phối hợp với các hội thành viên tại Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện 277 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 3 đề tài cấp thành phố, 4 đề tài đăng tạp chí quốc tế. Đến nay, Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu như kỹ thuật ghép thận, kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc, các kỹ thuật trong lĩnh vực hồi sức, hạ thân nhiệt chỉ huy... Hội viên của Hội Y học tại Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai hầu hết các kỹ thuật cao như: kỹ thuật thay động mạch chủ, can thiệp bằng stent graft… Cùng với đó, Hội Dược liệu thành phố cũng đã phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền và Viện Dược liệu Trung ương thực hiện các đề tài bảo tồn, phát triển dược liệu và xây dựng Bộ tài liệu về nguồn tài nguyên dược liệu thành phố.
Với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và sản xuất và đời sống, các hội đã lựa chọn các mô hình hoạt động mới phù hợp với đặc điểm của hội và yêu cầu của cuộc sống nhằm thu hút, khuyến khích đội ngũ trí thức khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước tham gia. Tiêu biểu như Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet) với hỗ trợ của Quỹ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và sự tham gia của các sinh viên trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn đã triển khai nhiều dự án Bảo tồn loài Chà vá chân xám tại Sơn Trà (Đà Nẵng), bảo tồn loài Chà vá chân xám tại huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum); tăng cường vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn khu vực Trung Trường Sơn tại tỉnh Quảng Nam... Qua đó, truyền tải thông điệp "người Việt Nam tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam".
Theo thống kê của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng, có 72 cán bộ khoa Khoa học và kỹ thuật công tác tại các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp có công trình tham gia Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ, 59 cán bộ tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc có công trình đoạt giải được vinh danh... Song song với đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và mở rộng lực lượng tham gia vào các hoạt động khoa học công nghệ của thành phố, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố còn đóng vai trò kết nối, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, triển khai ứng dụng các giải pháp đạt giải cao từ những Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và thành phố, Giải thưởng WIPO, Giải thưởng Cúp vàng sở hữu trí tuệ, Cuộc thi sáng tạo robot dành cho học sinh THPT Đà Nẵng mở rộng...
Ngoài ra, phong trào “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống được tích cực triển khai, không chỉ thu hút đông đảo các nhà khoa học kỹ thuật tham gia mà còn có sức hấp dẫn, lan tỏa trong đời sống sinh viên, học sinh; cổ vũ, thôi thúc và hiệu triệu đông đảo hội viên tham gia, đã triển khai nhiều dự án và chương trình giúp Hòa Vang xây dựng nông thôn mới, như: Chuyển giao hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo công nghệ Dewatt; tư vấn hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống chè dây cho nông dân; tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ con giống Gà Đông tảo; tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật ươm trồng cây Keo Tai tượng; chuyển giao công nghệ “Sấy bánh tráng tận dụng không khí nóng từ lò tráng bánh”; chuyển giao hệ thống Điện mặt trời áp mái cho Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang...
HT