Đủ thuốc trị sán lá gan
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Đặng Thị Cẩm Thạch, Trưởng phòng Ký sinh trùng, Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng TW để làm sáng tỏ vấn đề trên.
Bệnh do thói quen ăn tái, ăn sống
PV: Sán lá gan lớn xâm nhập vào cơ thể thế nào, thưa TS?
- Đây là bệnh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu... Người chỉ bị nhiễm tình cờ khi ăn phải trứng hay ấu trùng mà thôi. Khi con người ăn rau sống, uống nước lã thì đã trực tiếp và chủ động tham gia vào chu kỳ phát triển của sán.
Các loại rau như rau cải xoong, rau cần, rau rút, rau ngổ ở miền Nam thường nhiễm nhiều nhất.
- Với rau muống nước thì sao?
- Đây cũng là một loài rau thủy sinh nhưng chúng tôi chưa tìm thấy ấu trùng sán lá gan lớn trong loài rau này. Đối với các loài rau trên cạn, nếu được tưới bằng phân trâu bò thì cũng rất dễ bị nhiễm trứng sán.
- Đây là bệnh ở động vật ăn cỏ. Vậy nếu người ăn thịt chúng thì có thể bị nhiễm bệnh hay không?
- Không. Nhưng nếu ăn tái thịt trâu bò thì có nguy cơ mắc bệnh sán dây.
- Khi mắc bệnh sán lá gan lớn, người bệnh có những biểu hiện như thế nào?
- Mỗi người có triệu chứng khác nhau. Nhưng nhìn chung, các triệu chứng sớm là đau vùng thượng vị, đau vùng hạ sườn phải. Kèm theo, người bệnh bị sốt, nhưng sốt của sán lá gan rất thất thường. Trước những triệu chứng lâm sàng như vậy, bác sĩ sẽ cho làm siêu âm và xét nghiệm thấy bạch cầu ái toan tăng lên. Nhưng nếu để lâu thì tỷ lệ bạch cầu ái toan có thể trở về bình thường vì cơ thể phản ứng lại. Nếu không được chẩn đoán, thì bệnh có thể kéo dài vài tháng. Lúc đó, gan có thể bị vỡ hoặc sán chui đến cư trú ở các cơ quan khác như dưới da, khớp gối, có người còn nôn ra sán.
- Với sán lá gan nhỏ, đường lây truyền có khác gì không?
- Sán lá gan nhỏ thì lại khác, thường gặp ở những nơi có tập quán ăn gỏi cá. ấu trùng của sán lá gan nhỏ cũng phải có môi trường nước. Nhưng trước khi vào cơ thể con người, sán lá gan ký sinh ở ốc. Sau khi rời khỏi ốc, nó mới xâm nhập vào cá. Người ăn gỏi cá tức là ăn ấu trùng vào dạ dày. Tại đây, ấu trùng không phát triển xuyên qua dạ dày như sán lá gan lớn mà đi ngược lên và chui vào gan, cư trú ở đường mật, gây tắc mật. Khi đó các chức năng gan bị rối loạn khiến người bệnh bị vàng da, vàng mắt, xơ gan.
Thiếu thuốc: Chưa có cơ sở khẳng định
- Hiện có thông tin rằng chúng ta đang thiếu thuốc điều trị bệnh sán lá gan? Xin TS cho biết thực hư về vấn đề này.
- Thuốc điều trị sán lá gan lớn là Triclabendazon. Đây là loại thuốc nằm trong danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức y tế thế giới, nhưng chưa có trên thị trường dược phẩm của ta. Cho đến nay, chúng ta vẫn nhận thuốc qua con đường của WHO cấp, tức là điều trị miễn phí hoàn toàn. Hiện tôi vẫn chưa nhận được các con số thống kê chính xác của các tỉnh, nên chưa có cơ sở để khẳng định chúng ta đang thiếu thuốc. Năm ngoái thay vì xin 2000 viên thì chúng tôi đã xin lên tới 10 ngàn viên để dành cho năm nay. Số thuốc này có thể điều trị cho 5000 bệnh nhân.
- Chẳng nhẽ chúng ta không thể tự chủ động đặt hàng với các công ty sản xuất thuốc, mà bắt buộc phải phụ thuộc vào WHO, kể cả trong trường hợp thiếu thuốc?
- Hiện Bộ Y tế đã nghĩ đến tình huống này, và Bộ trưởng đang chỉ đạo đưa thuốc vào danh mục các loại thuốc thiết yếu. Sở dĩ trước đây chúng ta phụ thuộc vào WHO bởi thuốc được WHO tài trợ trong khuôn khổ một dự án. Nếu tình hình bệnh tật nghiêm trọng lên, không có lý do gì mà chúng ta không chủ động đặt mua thuốc.
- Xin cảm ơn TS.
Sán lá gan có hai loại: sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Sán lá gan lớn được phát hiện từ năm 1997 và đến bây giờ đã xuất hiện ở 45 tỉnh thành. Sán lá gan nhỏ cũng có tỷ lệ nhiễm rất cao. Nhưng sán lá gan lớn thì triệu chứng rầm rộ hơn, biểu hiện sớm hơn. Còn sán lá gan nhỏ thì âm ỉ trong thời gian dài.
Những cơ sở có thể điều trị bệnh: Bệnh viện tỉnh Quảng Nam, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam, Bệnh viện đa khoa Tỉnh Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Viện sốt rét Quy Nhơn, Bệnh viện nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Viện sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng TW.
Nguồn: KH&ĐS Số 82 Thứ Sáu 13/10/2006