Đông y trị chứng da sần sùi, sạm đen
Có khi do tiêu hóa kém, chất dinh dưỡng không được hấp thu đầy đủ, cũng có thể khiến da dẻ đen sạm không tươi sáng, như các bệnh của đường tiêu hóa: viêm dạ dày, ruột...
Nếu thường hay bị táo bón, thì chất thải sẽ tích tụ trong ruột, sản sinh ra chất độc, tế bào cơ thể người hấp thu phải các chất độc đó cũng sẽ làm cho da dẻ sần sùi. Ít uống nước cũng làm cho da dẻ không được nhuận, sần sùi.
Một số phương thuốc chữa da dẻ sần sùi
Bài 1: Ma hoàng 9g, hạnh nhân 9g, ý dĩ 30g, chích cam thảo 3g, sắc uống trước bữa ăn, 3 lần một ngày. Thích hợp cho người da dẻ sần sùi, đồng thời gàu nhiều, thể chất tương đối khá, rêu lưỡi mỏng hoặc trắng nhẵn. Hiệu quả làm đẹp là do có tác dụng sơ tán phong hàn, tuyên phế lợi tiểu hợp thành. Trong bài thuốc, ma hoàng có công năng sơ tán phong hàn, tuyên phế lợi tiểu, làm cho lỗ chân lông được thông suốt không bị tắc nghẽn, tác dụng tuyên phế lợi tiểu của nó, có thể đẩy mạnh sự thay thế của nước dịch trong cơ thể, có lợi cho bài trừ phần nước thừa trong cơ thể. Hạnh nhân, ý dĩ hợp dùng có thể lợi khí khử thấp, trong đó hạnh nhân có thể chữa được nhiều bệnh ngoài da, đẩy mạnh đại tiện thông suốt. 4 vị thuốc này hợp lại có công hiệu khu phong trừ thấp, lợi tiểu.
Bài 2: Đại hoàng 12g, cam thảo 3g, sắc lấy nước uống. Bài thuốc này thích hợp với những người da dẻ sần sùi, đồng thời có táo bón, hay bị chướng bụng, thể chất mạnh, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Đông y cho rằng, trường vị tích nhiệt, phủ khí không thể đi xuống thì sẽ bị táo bón. Đại hoàng trong bài thuốc có tác dụng thông phủ khí, tả tích nhiệt, thanh trừ táo nhiệt trong trường vị. Camthảo có thể hòa hoãn tính mãnh liệt của đại hoàng, đồng thời có thể hộ vệ phò trợ chính khí, khiến công hạ mà không tổn thương chính khí. Chú ý bài thuốc này không nên sắc lâu, sau khi sôi chỉ đun tiếp khoảng 3-4 phút là được. Đối với những người cơ thể hư nhược, phụ nữ có thai, đang thời kỳ kinh nguyệt và cho con bú không nên dùng.
Bài 3:Túc mễ (gạo kê) 100g, muối ăn 60g, hạnh nhân 60g, cam thảo 60g. Túc mễ, muối ăn, cam thảo, từng vị một lần lượt sao qua lửa. Hạnh nhân bỏ vỏ, sao cám, tiếp đó đem 4 vị thuốc trên cùng nghiền thành bột mịn là được. Mỗi lần dùng 3g bột thuốc hòa với nước sôi nguội để uống, dùng thường xuyên.
Bài thuốc lấy bổ tỳ chủ, thuộc tính bình mà không ôn táo. Túc mễ, cam thảo trong bài đều bổ tỳ ích khí. Túc mễ dưỡng thận khí, trừ nhiệt phong tỳ vị, ích khí lại lợi tiểu nên ích tỳ vị và còn có công năng bổ hư tổn, khai trường vị. Hạnh nhân có tác dụng nhuận trường, thông tiện. Đông y cho rằng có nhiều bệnh ngoài da liên quan đến đại tiện không thông. Đại tiện không thông khiến trường vị sản sinh tích nhiệt, nhiệt tà uất kết ở da dẻ sẽ dẫn đến mụn nhọt và da dẻ sần sùi.
Bài 4:Thuốc rửa mặt bằng đông qua
Đông qua (bí đao) 1 trái, dùng dao bằng tre gọt bỏ vỏ xanh, xắt miếng mỏng. Dùng 1.500g rượu và 1.000g nước nấu đông qua đến chín nhừ. Tiếp đó dùng vải lọc bỏ bã, nấu cô tiếp thành dạng cao, rồi cho vào 600g mật ong. Lại nấu cô tiếp đến độ đặc sệt vừa phải, lại dùng vải lọc qua, cho vào chum sành đậy kín lại.
Lúc dùng lấy độ khoảng như hạt dẻ, dùng tân dịch (tức nước bọt) hòa đều, thoa lên mặt, rồi dùng tay chà mặt.
Đông qua còn gọi là bạch đông qua vì trên vỏ ngoài có một lớp áo phấn trắng mịn và hạt của nó cũng trắng. Đông qua vị ngọt, tính hơi hàn, đông qua từ vỏ đến hạt đều có tác dụng làm đẹp. Vỏ đông qua lợi tiểu tiêu thũng, cũng có thể làm kem thoa mặt, ruột đông qua xắt miếng dùng chà lên da chữa sảy, hiệu quả rất tốt.
Nguồn: suckhoedoisong.vn (12/03/08)