Động vật có vú chứa tới 320.000 loại virus mới
Một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế ước tính các loài động vật có vú trên thế giới chứa ít nhất khoảng 320.000 loại virus mới, chưa hề được biết đến. Con số này xuất phát từ nghiên cứu của họ đối với loài dơi quạ Ấn Độ.
Nhà nghiên cứu Simon Anthony thuộc ĐH Columbia ở New York, tác giả quan trọng của công trình nghiên cứu, nói, "cách tiếp cận của chúng tôi trong quá khứ nói chung mang quá nhiều tính ngẫu nhiên. Những gì chúng ta biết về virus dựa chủ yếu vào những loại virus lây lan từ động vật sang con người và gây bệnh. Tuy nhiên vùng cư trú của virus trong tự nhiên và mối đe dọa tiềm ẩn của chúng đối với con người thực chất sâu xa hơn nhiều."
Để ước lượng được con số này, các nhà khoa học đã nghiên cứu loài dơi quạ khổng lồ Ấn Độ (Pteropus giganteus) sinh sống ở vùng rừng rậm Bangladesh. Dơi quạ Ấn Độ có sải cánh rộng tới 1,50 mét và là một trong những loài động vật có vú có khả năng bay lớn nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu đã phân tích gần 1.900 mẫu mô và xác định ở các mẫu này gần 60 loại virus thuộc chín họ khác nhau, trong số đó họ chỉ mới biết về năm loại. Trên thế giới có khoảng 5.500 loài động vật có vú, bởi vậy nhóm nghiên cứu ước đoán chúng có thể chứa tới 320.000 loại virus mới.
Peter Daszak, đồng tác giả công trình nghiên cứu, thuộc tổ chức công ích EcoHealth Alliance, nói "không có tới hàng triệu mà chỉ có khoảng vài trăm ngàn loại virus. Với các công nghệ hiện có, chúng ta có thể nhận biết mọi loại virus hiện có trên trái đất."
Các nhà nghiên cứu ước đoán chi phí cho công việc này tốn khoảng 6,3 tỷ USD. Đối với 85% virus thuộc diện phổ biến nhất thì con số này chỉ khoảng 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chỉ là một phần rất nhỏ so với phí tổn khi dịch bệnh xảy ra. Riêng việc bùng nổ bệnh SARS đã gây tổn thất khoảng 16 tỷ USD.
Tác giả Anthony nói, "chúng tôi không khẳng định công việc này sẽ ngăn ngừa không để xảy ra một vụ dịch SARS tiếp theo. Nhưng việc nghiên cứu về sự đa dạng của các loại virus sẽ giúp chúng ta giám sát tốt hơn và phát hiện sớm hơn từ đó có thể giảm nhẹ sự bùng nổ dịch bệnh."