Đồng Nai: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ
Thực tế cho thấy trong những năm qua hoạt động KH&CN của tỉnh đã có bước phát triển mạnh, đổi mới có kết quả công tác quản lý, ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ, góp phần thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Từ năm 2006 đến nay, khi tỉnh Đồng Nai mạnh dạn xây dựng chính sách tài chính đối ứng 50/50 giữa tỉnh và huyện trong NCKH theo cơ chế 50% kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh, 50% kinh phí sự nghiệp khoa học của huyện/thị/thành phố tự cân đối được ban hành và đổi mới hàng hoạt cơ chế quản lý trong đó có công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng triệt để xóa bỏ cơ chế xin cho, mời các nhà khoa học đầu ngành, lãnh đạo của địa phương tham gia Hội đồng tư vấn KH&CN xác định danh mục đề tài/dự án cấp cơ sở, cụ thể hóa hơn kết quả nghiên cứu và đơn vị ứng dụng, từ đó đã thu hút được nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia thực hiện.
Đáp ứng những nhu cầu thực tiễn của các Hội thành viên và thực hiện những nhiệm vụ được giao, Liên hiệp Hội đã chủ động đề xuất xây dựng đề án phát triển Nghiên cứu khoa học ứng dụng theo cơ chế 50/50 cho các hội thành viên. Đề tài nghiên cứu ứng dụng theo cơ chế 50/50 đã được UBND tỉnh chấp thuận cho Liên hiệp Hội phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai cho hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội với mức hỗ trợ kinh phí nghiên cứu tối đa là hai trăm triệu đồng, trong đó 50% kinh phí được cấp từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh, 50% kinh phí là vốn đối ứng của chủ nhiệm đề tài hoặc đơn vị thực hiện đề tài.
Bắt đầu từ năm 2011, Liên hiệp Hội là đơn vị đầu tiên trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu ứng dụng theo cơ chế 50/50. Nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc cần có sự tác động của KH&CN thúc đẩy sản xuất, gắn với thực tiễn và có tính khả thi cao, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, giúp người dân tiếp cận với công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề sản xuất mới, khuyến khích đổi mới công nghệ, góp phần tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội và vùng dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Xuất phát từ nhu cầu giải quyết các vấn đề bức xúc cần có sự tác động của KH&CN đến từng khu vực mà hội thành viên đăng ký hoạt động và do nhu cầu của hội thành viên là khác nhau nên nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động NCKH của Hội cũng khác nhau. Từ năm 2011 đến nay, Hội thành viên quan tâm nhiều nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học là Hội Khoa học Giáo dục Tâm lý, Hội Y tế, Hội Điều dưỡng, Hội Y tế Công cộng, Hội Kế hoạch hóa Gia đình, Hội Kiến trúc sư, Hội Khí Sinh học, Hội Hóa học, Hội Làm vườn.
Việc triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng theo cơ chế 50/50 trong hệ thống Liên Hiệp Hội luôn thực hiện đúng theo các quy trình quản lý của tỉnh ban hành. Các đề tài, dự án tiếp tục được quản lý theo đúng quy trình đã được phê duyệt, được xét chọn một cách minh bạch, công khai, huy động nguồn lực các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham gia phản biện đề tài dự án nghiên cứu qua đó đã gắn kết nghiên cứu với thực tế sản xuất và đời sống.
Kết quả qua 05 năm thực hiện đã triển khai 20 đề tài/dự án cấp cơ sở trên tổng số 57 phiếu đề xuất đăng ký thực hiện. Tính đến nay, đã có 7 đề tài/dự án đã tổ chức tổng kết nghiệm thu, các đề tài/dự án còn lại đang trong quá trình thực hiện.
Đề tài/dự án đăng ký thực hiện nghiên cứu ứng dụng theo cơ chế 50/50 của Liên hiệp Hội giai đoạn 2011-2015 đăng ký trên các lĩnh vực, tập trung chủ yếu trên lĩnh vực y tế, giáo dục – tâm lý ứng dụng, nông nghiệp - nông thôn, bảo vệ môi trường, nghiên cứu cơ bản. Cụ thể lĩnh vực Y tế các hội tham gia nghiên cứu : Hội Kế hoạch hóa gia đình, Hội Điều dưỡng, Hội Y học, Hội Dược học, Hội Y tế Công cộng có 19 đề tài/dự án chiếm 33%, lĩnh vực Giáo dục – tâm lý ứng dụng có 16 đề tài/dự án của Hội Khoa học tâm lý giáo dục, Hội Sử học đăng ký tham gia chiếm 28%, lĩnh vực bảo vệ môi trường, nông nghiệp nông thôn do Hội Khí Sinh học, Hội Hóa học, Hội Kiến Trúc sư, Hội Làm vườn có 06 đề tài/dự án chiếm 10%. Ngoài ra, đối với lĩnh vực khác có khoảng 5 đề tài/dự án chiếm 8,7%.
Việc mạnh dạn xây dựng đề án nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng theo cơ chế 50/50 trong hệ thống Liên hiệp Hội không chỉ phục vụ yêu cầu đổi mới KHCN của tỉnh trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa mà còn tạo ra một “sân chơi mới” cho đội ngũ tri thức đam mê nghiên cứu khoa học, đồng thời là kênh kết nối giữa Liên hiệp Hội với các Hội thành viên trong việc phối hợp các nhiệm vụ nhà nước cũng như phối hợp nghiên cứu đưa thành tựu khoa học vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Với những kết quả đạt được bước đầu còn khiêm tốn, hoạt động khoa học công nghệ trong thời gian qua đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc như hoạt động của các hội thành viên là hoạt động không vì lợi nhuận, nguồn kinh phí chi cho hoạt động hội hầu như là chưa có nhiều, do đó khi tham gia nghiên cứu đề tài 50/50 với 50% nguồn kinh phí đối ứng để thực hiện đề tài rất là khó khăn, chủ yếu là các cá nhân chủ nhiệm đề tài đam mê nghiên cứu bổ sung nguồn kinh phí này.
Các chủ nhiệm đề tài xây dựng thuyết minh đề cương cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm và kỹ năng viết đề tài dự án khi đã được Hội đồng khoa học công nghệ chuyên ngành của Liên hiệp Hội thông qua cho phép triển khai thực hiện.
Qua thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện đề tài, hầu hết các chủ nhiệm đề tài lại phụ trách rất nhiều công việc chuyên môn khác nhau, về tài chính kế toán một số chủ nhiệm đề tài còn gặp vướng mắc trong các thủ tục thanh quyết toán cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu của đề tài.
Có thể nói, trong những năm qua, Liên hiệp Hội Đồng Nai đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan để tập hợp, phát huy vai trò sáng tạo của trí thức khoa học công nghệ trong tỉnh hăng hái tiến quân vào khoa học, hướng khoa học kỹ thuật về cơ sở, hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, Trí thức Đồng Nai đã tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm, đề xuất được nhiều sáng kiến khoa học, xác đáng đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai.