Đôi điều suy nghĩ về sự ra đi và trở về của người trí thức
Khi tồn tại sự chênh lệch về mức sống, trình độ văn minh giữa các quốc gia thì các nước kém phát triển hơn thường tuyển chọn và đưa những cá nhân ưu tú của họ ra nước ngoài học tập kinh nghiệm, kiến thức nhằm có ngày trở về chấn hưng đất nước. Từ trước đến nay có không ít ví dụ tiêu biểu cho sự thành công của chính sách hướng ngoại này. Nhiều quốc gia nhờ học hỏi được kinh nghiệm quý báu từ nước ngoài đã tạo ra được sự thay đổi mang tính quyết định. Bài học của Nhật Bản, các nền kinh tế mới công nghiệp hoá (NIEs) và của Trung Quốc gần đây… sẽ vẫn có giá trị cho nhiều quốc gia.
Ở Việt Nam, trong phong trào Đông Du cách đây khoảng một thế kỷ có nhiều thanh niên đã ra đi tìm đường cứu nước. Trong thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc sau năm 1954 chúng ta cũng đã tuyển chọn, đưa hàng vạn học sinh, sinh viên sang học tập tại Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây. Đội ngũ này sau khi trở về đã và đang có những đóng góp rất lớn cho đất nước.
Ngày nay, người Việt chúng ta vẫn tiếp tục ra nước ngoài học tập bằng nhiều con đường khác nhau. Xu thế hướng ngoại để tìm đến những nơi phát triển hơn, văn minh hơn là một dòng chảy thuận chiều và việc nhiều người trong số họ ra đi và ở lại sinh cơ lập nghiệp ở quê hương mới với mức sống cao hơn, điều kiện làm việc của bản thân, điều kiện học tập cho con cái tốt hơn… cũng là điều dễ hiểu. Người trí thức với tài sản là tri thức sẽ dễ dàng hoà nhịp với cuộc sống ở quê hương mới hơn những người khác và họ cũng dễ nhận được sự chấp nhận của người dân bản xứ hơn các tầng lớp nhập cư khác. Mỗi chúng ta đều vui mừng khi biết tin một người thân có cơ hội được ra nước ngoài học tập nhưng cũng cảm thấy buồn nếu biết rằng người có chuyên môn giỏi trong số họ sẽ ở lại, không trở về Việt Nam mà trở thành những trí thức Việt kiều.
Không riêng gì với Việt kiều trí thức mà với những kiều dân trí thức nói chung thì để quyết định cho cái sự ở lại hay trở về thật không hề đơn giản chút nào, bởi sự ra đi là dễ dàng, ở lại lâu dài là điều khó khăn vì vẫn còn nặng lòng với cố hương nhưng sự trở về cũng không kém khó khăn.
Như cách nói của Anhxtanh thì bài học đáng giá nhất của nền văn minh chính là con người đã nhận ra rằng giá trị lớn nhất, lớn hơn mọi giá trị là tri thức của chính bản thân con người. Chính vì vậy, trước kia cũng như ngày nay, các bậc minh quân, các ông chủ sáng suốt luôn luôn tìm kiếm nhằm sở hữu được những nhân vật tài ba, có trí tuệ để phục vụ cho sự nghiệp của mình. Trong luật nhập cư cũng như nhiều quy định khác của các nước phát triển có thể tìm thấy một số điều khoản ưu đãi dành cho người nước ngoài có trình độ cao. Nhiều nước đưa ra những chính sách ưu đãi hấp dẫn về nhiều mặt nhằm thu hút nguồn nhân lực có tri thức - lực lượng lao động quan trọng hàng đầu hiện nay.
Với các nước giàu có thì sự ưu việt về tiền lương, điều kiện sống, điều kiện làm việc chính là sức hấp dẫn khó cưỡng lại đối với nhiều người. Ngược lại, các nước nghèo với đồng lương eo hẹp, với mức sống khó khăn và lạc hậu thì chỉ có lợi thế duy nhất đó là sử dụng sợi dây ràng buộc về cội nguồn để lôi kéo các kiều dân trí thức trở về. Như vậy, để những kiều dân trí thức trở về phục vụ đất nước là điều khó, không chỉ riêng đối với Việt Nam.
Trong nhiều thế kỷ, châu Âu được coi là phần đất văn minh bậc nhất thế giới, là miền đất hứa đối với tầng lớp trí thức của mọi nơi. Nhưng sau chiến tranh thế giới lần thứ II thì châu Âu, chính xác hơn là Tây Âu đã nhường lại vị trí này cho nước Mỹ. Ngày nay, EU vẫn là một điểm thu hút nguồn chất xám song chính họ cũng bị nước Mỹ chia sẻ mất một phần nguồn lực trí tuệ của mình.
Một nhà nghiên cứu của Đại học Cambrigde (Anh) cho biết, hàng năm nhóm nghiên cứu của ông được bổ sung một số nhà nghiên cứu trẻ tuổi đến từ Đông Âu và các nước đang phát triển, nhưng cũng có khoảng từng ấy nhà nghiên cứu rời bỏ nhóm để sang làm việc cho các nhóm nghiên cứu ở Mỹ.
Chúng ta hãy xem các nước làm gì để hạn chế sự ra đi của tầng lớp trí thức và mời gọi được những người còn đang có khả năng làm việc tích cực trở về phục vụ đất nước. Tại Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô trước đây, sau những biến động lớn về chính trị - xã hội vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, bức tường ngăn cách Đông - Tây tồn tại hơn 40 năm bị phá bỏ đã tạo điều kiện cho hàng ngàn, hàng vạn chuyên gia giỏi ra đi, họ sang làm việc cho các trường đại học, viện nghiên cứu ở Tây Âu, Mỹ, Israel… Nhà sinh học người gốc Hungary Ivics Zoltan, hiện đang làm việc tại Trung tâm Y học phân tử Max Delbruck, Berlin (Cộng hoà Liên bang Đức) cho rằng, tại Hungary cũng như các nước Đông Âu trước đây, nghiên cứu khoa học luôn được coi như một sự giải trí sang trọng. Muốn khoa học phát triển chính phủ của các nước cần phải coi tri thức và quyền lực là một, phải coi đầu tư cho khoa học cũng quyết liệt, sống còn như đầu tư ở thị trường chứng khoán. Từ kinh nghiệm bản thân, Ivics Zoltan khẳng định: Một người làm nghiên cứu chỉ có thể đạt được kết quả tốt như ở Tây Âu, Mỹ nếu điều kiện làm việc về cơ bản được đảm bảo và nhận được đồng lương tương xứng với lao động sáng tạo của họ.
Việc tìm kiếm nguồn tài trợ quá khó khăn, phức tạp cũng là trở ngại làm kìm hãm sự phát triển của khoa học vì các nhà khoa học thường chỉ giỏi chuyên môn mà không thật rành về những thủ tục hành chính. Một kiều dân Hungary khác là Losonczi Arian, người phát minh ra bê tông trong suốt nổi tiếng thế giới cho biết: Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Buđapest, anh sang làm nghiên cứu sinh tại Stôckhôm (Thụy Điển) trong thời gian từ năm 2001 đến 2003. Ý tưởng nghiên cứu về bê tông trong suốt của anh đã giành được sự ủng hộ rất lớn về kinh phí từ cả nguồn của chính phủ cũng như tư nhân ở Thụy Điển, cho dù lúc đó anh chỉ là một nghiên cứu sinh người nước ngoài.
Theo ý kiến của nhiều kiều dân trí thức Đông Âu thì quy mô các nhóm nghiên cứu quá nhỏ cũng là trở ngại cho sự trở về của họ. Các con số thống kê cho thấy, một nhóm nghiên cứu ở Đông Âu thông thường chỉ có dăm ba nhà khoa học làm việc và sự thay đổi chỗ làm việc từ nhóm này sang nhóm khác cũng rất hạn chế. Chính điều này gây khó khăn cho việc tham gia của những người mới đến. Một nhóm nghiên cứu ở EU hay Mỹ có khoảng 30-40 thành viên, đôi khi lên tới hàng trăm thành viên và như vậy sẽ dễ tiếp nhận thêm một vài người mới hơn là nhóm chỉ có dăm ba người cố định. Chưa nói đến những quy chế về biên chế thì quy mô nhỏ của các nhóm nghiên cứu hiện nay ở nước ta cũng là rào cản cho sự trở về của các trí thức người Việt ở nước ngoài.
Mặc dù sự trở về là rất khó khăn như vậy, song trong thực tế bên cạnh dòng chảy thuận chiều là sự ra đi thì vẫn có những kiều dân trí thức trở về. Các nước phát triển có chiến lược mời chào họ ra đi thì ngược lại ở quê hương mình họ cũng được chào đón và tạo điều kiện ở mức độ nào đó khi trở về.
Hiện nay, EU có dự án mang tên “Retour Project” nhằm thu hút kiều dân trí thức trở về. Hai mạng thông tin ERA-net và ERA-more được lập ra để chuyên cung cấp thông tin thiết thực cho kiều dân trí thức EU quan tâm và có ý định hồi hương.
Một số quốc gia thành viên EU còn đưa ra nhiều chính sách thông thoáng nhằm lôi kéo các kiều dân trí thức của họ vào hoạt động khoa học ở quê nhà ngay cả khi họ chưa về nước. Kiều dân trí thức có thể nhận được sự hỗ trợ từ trong nước về trang thiết bị nghiên cứu, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ngoài, được mời tham gia các hội đồng tư vấn về KH&CN, tham gia giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh ở trong nước... Một số kiều dân trí thức xuất sắc ở nước ngoài cũng được bầu là viện sỹ của Viện Hàn lâm trong nước…
Tất cả những chính sách đó nhằm tạo điều kiện để những kiều dân trí thức tham gia được nhiều hơn vào đời sống khoa học và công nghệ ở trong nước. Nhà nước tuy phải bỏ ra một khoản kinh phí nhưng đổi lại sẽ tận dụng được phần nào tri thức của họ và quan trọng hơn là thông qua họ lực lượng các nhà khoa học trong nước có thể tiếp cận tốt hơn với nền khoa học tiên tiến ở nước ngoài.
Không chỉ có chính sách chào mời đối với những người đã ra đi, EU còn có chính sách để giữ lại những người sắp ra đi hoặc có ý định sẽ ra đi. Một số nước thành viên EU đưa ra chế độ phụ cấp hàng tháng đặc biệt cho các nhà khoa học xuất sắc. Phụ cấp này được nhận thêm cùng với lương trong một khoảng thời gian có thể kéo dài tới vài ba năm, sau mỗi năm có thể lập hội đồng xem xét đánh giá để quyết định việc nhà khoa học đó có xứng đáng được nhận tiếp phụ cấp hay không. Trong thực tế, chỉ những nhà khoa học thực sự có khả năng và đang hoạt động tích cực mới có khả năng ra đi. Vì thế, để phụ cấp đặc biệt được cấp cho đúng người, thông thường các nước đưa ra giới hạn chỉ cấp cho những nhà khoa học dưới 45 tuổi hay dưới 50 tuổi. Việc đặt ra giới hạn tuổi như vậy để tránh hiện tượng phụ cấp đặc biệt lại được trao cho những “cây đa, cây đề” thường đã lớn tuổi và không còn ở giai đoạn có khả năng hoạt động sáng tạo đỉnh cao.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, theo tiếng gọi của đất nước mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ có sức thu hút lớn lao, có trí tuệ và nhân cách đặc biệt, nhiều Việt kiều trí thức đã về nước tham gia kháng chiến. Họ từ bỏ nhung lụa để trở về đồng cam cộng khổ cùng cả nước và đã có những đóng góp rất đáng tự hào. Đấy có thể coi là một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và chính sợi dây ràng buộc với cội nguồn đã giúp họ vượt qua mọi trở ngại để trở về.
Ngày nay, có những trí thức người Việt ở nước ngoài trở về sau hàng chục năm bôn ba nơi xứ người. Có người trong số họ trở về khi tuổi đã xế chiều và họ muốn tìm được sự tĩnh lặng, gần gũi ở quê hương trong những tháng năm cuối của cuộc đời; có người tuổi còn trẻ trở về vì quá nặng lòng với gia đình, quê hương bản quán... Có thể nói, đa phần những trí thức người Việt ở nước ngoài đã từng có những năm tháng gắn bó với mảnh đất Việt thì dù hiện đang sống và làm việc ở bất cứ nơi nào cũng đều mong có ngày trở về hay ít nhất cũng có đóng góp gì đó cho quê hương.
Học tập kinh nghiệm tận dụng nguồn lực của tầng lớp ngoại kiều trí thức ở các nước khác, với chính sách ngày càng cởi mở hơn, hy vọng chúng ta sẽ khai thác được một cách hiệu quả hơn nguồn lực về tri thức của tầng lớp trí thức người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài.
Nguồn: Tạp chí Hoạt động Khoa học số 5/2006