Doanh nghiệp khoa học - công nghệ: Lối ra cho tình trạng "nghiên cứu - lưu kho"
Ông Phan Thanh Tịnh, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết: Một số nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra trong thời gian qua chưa sát với thực tiễn, mới dựa theo ý muốn chủ quan của các nhà khoa học. Điều này dẫn đến một bộ phận không nhỏ các đề tài được nghiệm thu loại xuất sắc nhưng “số phận” chúng được “ưu ái”... cất vào kho thay vì đem ra ứng dụng. Lỗi ấy bắt nguồn ngay từ khi xác định nhiệm vụ KHCN.
Chúng ta loay hoay tìm xem ai làm cái đóchứ không đặt vấn đề ai là người sau này sẽ ứng dụng sản phẩm đó. Nhà khoa học ít nghiên cứu vấn đề các doanh nghiệp - địa chỉ ứng dụng hầu hết các tiến bộ khoa học, kỹ thuật - quan tâm. Doanh nghiệp (DN) trong nước ít có tính cầu thị, thay vì dùng thiết bị trong nước lại sẵn sàng nhập ngoại vì coi sản phẩm khoa học của ta “không bảo đảm”.
Vòng luẩn quẩn ấy khiến Nhà nước lãng phí tiền đầu tư, nhà khoa học mất dần khả năng sáng tạo và nền sản xuất cơ bản vẫn dựa trên công nghệ, thiết bị nước ngoài với giá mua “cắt cổ”.
Theo ông Vũ Văn Tiễu, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Chi nhánh phía Nam), ở châu Âu và ngay cả nước ta, xu hướng hiện nay không phải là chuyển giao công nghệ vào sản xuất, mà chính cơ sở nghiên cứu sẽ lập ra trung tâm sản xuất để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của mình. Ngược lại, các cơ sở sản xuất cũng mở ra các phòng thí nghiệm để nghiên cứu, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.
Ở ta, việc thành lập DN KHCN dường như chỉ bắt đầu sau khi có Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 1998 về việc cho phép thí điểm thành lập DN Nhà nước trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Tính đến thời điểm này, số DN KHCN không thật nhiều, chủ yếu được thành lập từ một bộ phận của viện và trường (hoạt động độc lập hoặc trực thuộc), chưa có DN nào hình thành từ nỗ lực cá nhân nhà khoa học.
Hình thành chưa lâu nhưng DN KHCN cũng thể hiện rất nhiều ưu điểm. Sự phát triển của Công ty cổ phần phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) trên cơ sở tách từ Trung tâm Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ thuộc Viện Hóa học công nghiệp là minh chứng rõ nhất.
- Hiện nay cả nước có hơn 1,8 triệu người có trình độ đại học, cao đẳng; 16.000 thạc sĩ; 14.000 tiến sĩ. - Đến hết tháng 12 - 2004, Việt Nam có 1.267 tổ chức KHCN, trong đó khu vực Nhà nước có 682 đơn vị, chiếm trên 53%. |
Từ một đơn vị hầu như 100% vốn lưu động và vốn đầu tư phải đi vay, đến nay, sau 8 năm phát triển, APP phát triển nhanh chóng. Doanh thu từ năm 2000 đến 2004 luôn ở mức trên 100 tỷ đồng/năm...
Ông Lê Bạch Chúc, Giám đốc APP cho biết, sự lớn mạnh trên là do công ty được phát huy tối đa quyền tự quyết trong hoạt động của mình để thích ứng với thị trường. Cụ thể: hướng đầu tư sản phẩm, công nghệ mới... đều xuất phát từ yêu cầu sống còn là sự tồn tại - phát triển của DN. Đây là động lực quan trọng nhất để cấu trúc lại một phần cơ quan nghiên cứu khỏi hiện trạng “ăn bám” vào ngân sách Nhà nước nhưng hoạt động chưa hiệu quả.
Như vậy, việc chuyển đổi một số tổ chức nghiên cứu - phát triển (NCPT) công nghệ của Nhà nước thành DN đã có cơ sở để rút kinh nghiệm và triển khai trên diện rộng. DN KHCN là phương thức cấu trúc lại hệ thống tổ chức NCPT theo mô hình xã hội hóa, trong đó tập trung đưa hầu hết nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ ứng dụng mới cho cộng đồng DN... Thực hiện mục tiêu này, ngày 5-9-2005, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2005/QĐ-CP “ Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập”. Nghị định được cho là một trong những sự kiện KHCN lớn của nước ta trong năm 2005.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến cho biết: Theo Nghị định 115, những đơn vị nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và dịch vụ KHCN tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên được lựa chọn việc chuyển đổi theo một trong hai hình thức: tổ chức KHCN tự trang trải kinh phí hoặc DN KHCN. Những tổ chức trên mà chưa tự bảo đảm kinh phí hoạt động cũng phải chuyển đổi theo một trong hai hình thức đó. Việc này phải hoàn thành chậm nhất đến tháng 12-2009 hoặc sáp nhập, giải thể. Năm 2006, Bộ KHCN sẽ phối hợp với 15 Bộ, ngành, thành phố trực thuộc trung ương có nhiều cơ quan KHCN để chọn 15 đơn vị làm điểm. Từ năm 2006, các tổ chức này sẽ hoạt động theo Nghị định 115. Hết năm 2007, Bộ KHCN sẽ rút kinh nghiệm để áp dụng đại trà trong năm 2008.
Nghị định 115 được coi như là “khoán 10” đối với các tổ chức KHCN, tạo sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, việc thành lập DN KHCN thời gian qua xuất hiện mâu thuẫn về quyền lợi giữa viện “mẹ” và DN “con”. Cụ thể là quyền sở hữu trí tuệ đối với bí quyết, công nghệ được tạo ra ở viện “mẹ” nhưng lại được thương mại hóa trên cơ sở tổ chức sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ đó ở DN con. Viện “mẹ” đang gặp phải khó khăn do nguy cơ mất dần năng lực nghiên cứu do đội ngũ cán bộ sau khi DN KHCN được hình thành và tách khỏi viện “mẹ”. Có thể thấy thực trạng này tại Trung tâm Công nghệ laser thuộc Viện ứng dụng công nghệ. Hoặc với DN KHCN chuyển đổi tiếp sang mô hình cổ phần hóa, với các ngành nghề không cần thiết phải nắm cổ phần chi phối, Nhà nước cần đưa ra tỷ lệ thích hợp. Điều này tạo cơ chế “mở” thực sự, giúp thu hút các nhà đầu tư có công nghệ, kinh nghiệm quản trị DN sẽ đưa lại hiệu quả hoạt động cao hơn.
Ngoài ra, việc thừa nhiều biên chế khi chuyển đổi sang DN KHCN cũng là vấn đề hiện hữu. Nếu không sắp xếp lao động dôi dư thì các DN này sẽ hoạt động kém hiệu quả. Đây chính là vấn đề cần được Bộ KHCN quan tâm trong thời gian tới.
Nguồn: Hà Nội mới