Đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức
Hội ngành toàn quốc có vai trò hết sức quan trọng đối với Liên hiệp Hội Việt Nam, tổng số hội viên Hội ngành đã lên tới 89 Hội ngành.
TSKH Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam
Ngày 12/10/2020, tại Hải Phòng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban các Hội KH&KT ngành toàn quốc năm 2020. TSKH Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam chủ trì Hội nghị.
TS Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam
Theo báo cáo kết quả hoạt động của Hội ngành Toàn quốc 9 tháng đầu năm 2020, TS Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam đã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, xử lý các kiến nghị của các Hội.
Trong năm 2020, 12 Hội ngành toàn quốc đã được Liên hiệp Hội Việt Nam hỗ trợ và có những hoạt động tư vấn, phản biện sôi nổi, bám sát tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học của các Hội ngành thường xuyên được mời tham gia vào các Hội đồng tư vấn, phản biện, xét duyệt các công trình, dự án, chương trình, đề tài nghiên cứu các cấp và ý kiến của các chuyên gia của Hội luôn được đánh giá cao. Một số Hội ngành cũng đã được mời tham gia đoàn giám sát của MTTQ, Ủy ban KHCN&MT Quốc Hội. Các hội ngành TW đã phối hợp với các hội thành viên tại địa phương triển khai hoạt động tư vấn, phản biện nhiều dự thảo quy hoạch, chương trình, đặc biệt là tư vấn, phản biện các đề tài cấp sở, cấp tỉnh, tham gia các hội đồng thẩm định các đề tài, dự án khi được các Bộ, ngành mời, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật.
Về hoạt động khoa học và công nghệ, Với kinh phí không lớn chỉ dao động hàng năm từ 5 - 7 tỷ đồng, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chỉ đạo hỗ trợ các hội thành viên và các tổ chức KH&CN trực thuộc làm các thủ tục đăng ký các đề tài, nhiệm vụ, dự án KHCN từ nguồn kinh phí của Liên hiệp Hội Việt Nam; đồng thời đăng ký các đề tài, nhiệm vụ, dự án KHCN cấp nhà nước và các đề tài nghị định thư.
Một số Hội ngành đã phối hợp cùng với Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức truyền thông nhân dịp các ngày Môi trường Thế giới 5/6, Ngày Đa dạng sinh học 22/5, Tuần lễ nước sạch và VSMT; tham gia ban tổ chức, ban giám khảo, ban thư ký của Giải thưởng, hội thi, cuộc thi của VIFOTEC. Một số Hội ngành đã rất tích cực tham gia viết bài cho các tạp chí, kỷ yếu chuyên ngành, tham gia giảng dạy, tham gia thực hiện các Chương trình, Dự án, Đề tài Khoa học công nghệ.
Trong hoạt động thông tin và phổ biến kiến thức, năm 2020, Liên hiệp Hội Việt Nam đã hỗ trợ, hướng dẫn 20 Hội ngành triển khai nhiệm vụ phổ biến kiến thức năm 2020 theo kế hoạch được giao. Phối hợp, hỗ trợ các hội ngành toàn quốc tổ chức các kỳ thi Oympic. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, chỉ duy nhất Hội các ngành sinh học tổ chức cuộc thi Olympic Sinh học lần thứ 1. Một số cuộc thi như Olympic Toán học, Cơ học, Vật lý do các Hội Toán học, Cơ học, Vậy lý chủ trì bị hủy. Các cuộc thi Olympic Tin học, giải thưởng Loa Thành dự kiến tổ chức trong những tháng cuối năm 2020. Phối hợp với Báo Khoa học và Đời sống và các Liên hiệp Hội địa phương thực hiện 6 số bản tin điện tử phổ biến kiến thức, 02 chuyên đề Phổ biến kiến thức. Triển khai nhiệm vụ Nghiên cứu xây dựng nội dung và xuất bản sổ tay nghiệp vụ Truyền thông và PBKT dành cho cán bộ Hội.
Về hoạt động hợp tác quốc tế, nhiều Hội ngành toàn quốc tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ với các Bộ, Ngành, các đơn vị có liên quan thuộc lĩnh vực chuyên môn, các đối tác quốc tế và là địa chỉ tin cậy của các tổ chức quốc tế. Năm nay, do đại dịch COVID 19, hầu hết các hoạt động như tham gia diễn đàn, hội nghị khoa học quốc tế, tiếp đón các đoàn khách quốc tế, tham quan học tập, tham dự hội nghị quốc tế đều bị hoãn lại. Nhìn chung, các hoạt động hợp tác quốc tế của các Hội ngành toàn quốc năm 2020 hầu hết đều thông qua hình thức trực tuyến: các hội thảo khoa học, diễn đàn, trao đổi khoa học. Một số Hội ngành vẫn thực hiện đều đặn các nghĩa vụ là thành viên của các hội chuyên ngành quốc tế và khu vực.
Hoạt động phòng chống dịch COVID 19 ,Các Hội thành viên thuộc khối ngành y tế hoạt động rất tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid 19: Tổng hội Y học và các hội thành viên của Tổng hội chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; phối hợp với các Vụ, Cục của Bộ Y tế xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (Covid-19), góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tỷ lệ lây truyền và tử vong do dịch bệnh gây ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn như một số Hội chưa chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn lực phục vụ cho công tác Hội, dẫn đến không có nhiều kinh phí để duy trì các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Đa số cán bộ của các Hội ngành toàn quốc có tuổi đời cao, cơ quan Trung ương Hội có ít nhân sự, thiếu cán bộ trẻ có đủ năng lực và tâm huyết trong công việc, cán bộ chủ yếu hoạt động kiêm nghiệm, làm việc không có thù lao, không phụ cấp, không hưởng lương của Hội nên thời gian dành cho các hoạt động Hội còn ít.
Công tác quản lý của nhiều Hội ngành toàn quốc chưa chặt chẽ, các hình thức tập hợp trí thức còn đơn điệu, thiên về tính hàn lâm, mà thiếu hoạt động liên kết doanh nghiệp và thiếu tính xã hội, nên xã hội còn ít biết đến Hội. Nội dung các hoạt động chưa hấp dẫn, đặc biệt đối với trí thức trẻ trong các trường đại học, viện nghiên cứu… Một số Hội ngành vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình kiện toàn tổ chức, triển khai công tác kết nạp hội thành viên; gặp nhiều trở ngại khi làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch tổ chức đại hội nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, do dịch bệnh COVID 19 diễn biến phức tạp, thực hiện lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ, nhiều hoạt động của các hội bị hoãn hoặc hủy tổ chức, người lao động gặp khó khăn, thất nghiệp dẫn đến các hội thành viên không có nguồn thu tài chính, nhiều đơn vị trực thuộc các Hội phải tạm thời đóng cửa để chống dịch, nợ hội phí, điều này càng gây áp lực và khó khăn về tài chính cho các Hội.
TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe về Đổi mới hoạt động của các Hội ngành toàn quốc đáp ứng yêu cầu tham gia thực hiện các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao do TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam trình bày; Một số kết quả nghiên cứu về Hoàn thiện quản lý Nhà nước về Hội và tổ chức phi chính phủ do TS Đặng Vũ Cảnh Linh – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội Việt Nam trình bày.
TS Đặng Vũ Cảnh Linh – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội Việt Nam
Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến như Đảng, Quốc hội và Chính phủ sớm thông qua Luật về Hội, hoặc trong bối cảnh phức tạp hiện nay có thể ban hành Luật về Hội nghề nghiệp tạo hành lang pháp lý cho các hội nghề nghiệp hoạt động và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các hội nghề nghiệp.
TS Dương Nguyên Bình – Phó chủ tịch thường trực, Hội Tự động hóa Việt Nam
GS.TS Đỗ Hậu – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Có cơ chế về mặt pháp lý làm cơ sở để các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp được tham gia vào các dự án lớn của nhà nước, các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, để có tiếng nói quan trọng trong việc tư vấn, thẩm định, đánh giá, phản biện, giám sát các khâu liên quan đến khoa học công nghệ và các lĩnh vực chuyên môn.
Quang cảnh buổi hội nghị
Hỗ trợ thiết thực trong việc tái tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ kỹ thuật về hoạt động ngành nghề chuyên môn. Sớm có quy định trong Luật dạy nghề, Luật Giáo dục hoặc Luật về hội nghề nghiệp: giao cho các hội nghề nghiệp thực hiện chức năng sát hạch cấp cho chứng chỉ hành nghề cho kỹ sư, kỹ thuật viên các ngành kỹ thuật và các chứng chỉ khác có liên quan.
Tin, ảnh: HT