Đinh Nhiêu – Một cán bộ có nhiều sáng kiến phục vụ nông dân
Xã Ia Yeng thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh và chủ yếu người dân tộc Gia Rai sinh sống, độc nhất ông Đinh Nhiêu là người Ba-na về ở rể bên gia đình vợ. Trong hơn 20 năm được tăng cường về làm Bí thư Đảng uỷ xã Ia Yeng, ông đã vận động nhân dân làm thuỷ lợi dẫn nước tưới cho cánh đồng. Từ trồng lúa cạn chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ đạt năng suất 10 tấn/ha, góp phần xoá đói, giảm nghèo trong xã, được nhân dân tin tưởng và khen ngợi.
Từ việc làm có ý nghĩa trên, ông Nhiêu có uy tín cao nên ông nói gì dân cũng nghe theo. Lo được cái đói, ông tiếp tục nghĩ cách, phải bỏ ngay hủ tục chôn chung mất vệ sinh. Nhiều đêm ông trăn trở, tiếp tục bàn với lãnh đạo xã quy hoạch một khu nhà Mả riêng theo nếp sống văn minh. Thế là khu nhà Mả ra đời xa khu dân cư, chia cho từng hộ, quy định người trong nhà khi chết chôn cách nhau, không được chôn chung. Từ đó đồng bào dân tộc Gia Rai ở xã Ia Yeng đã bỏ hẳn hủ tục lạc hậu (người chết sau chôn chung cùng một mộ với người chết trước mất vệ sinh) mà từ trước đến nay chưa ai làm được.
Xã Ia Yeng lớn mạnh, thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, ông Đinh Nhiêu lại được điều trở lại huyện Ayun Pa nay tách ra huyện Phú Thiện và huyện Ia Pa làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Với cương vị của mình, ôngluôn đau đáu nỗi niềm phải đi tìm lại những giá trị vật chất, tinh thần gắn bó bao đời với đồng bào dân tộcGia Raiquê hương của vợ ôngđang bị mai một dần.
Khôi phục lại giống lúa địa phương
Vàomột ngày năm 2008, ngồi đối diện với nồi cơm dẻo thơm của giống lúa mới Q5, Tám Thơm, ông nhớ bát cơm thơm, dẻo từ hạt gạo Gor quay quắt.Lúa Gorlà giống địa phươngcho hạt gạo to, cơm mềm dẻo thơm nuôi bao thế hệ trai gái làng lớn lên, trong đó có ông.Trongmộtlần về thămquê,xã Pờ Tó, huyện Ia Pa,nghe tin chị ông- bà Đinh Tek còn giữ một ít giống lúa Gor,ông xin bà 5 kg mang về và bắt đầu hành trình khôi phục lại giống lúa này. Vụ thu hoạch đầu tiên, ông thu được 2 gùi lúa giống; vụ tiếp theo thu được 200 kg và đến vụ mùa năm 2010 là 4 tấn lúa. Ba năm âm thầm nhân giống, ông theo dõi diễn biến sự sinh trưởng, phát triển cây lúa từng ngày, nhổ bỏ những cây lúa tạp.Ông nhận ra ưu thế giống lúa Gor có sức kháng bệnh cao, lại chịu hạn,chu kỳ sinh trưởng của giống lúa này chỉ bón 1 lần phân, thay vì 3 lần như giống lúa mới, nhưng năng suất lúa vẫn đạt từ 5 tấn/ha.
Hạt lúa Gor to, chắc, tỷ lệ thành gạo đạt 75%, tăng từ 5% đến 10% so với giống lúa mới nông dân đang sử dụng; hạt cơm lại dẻo mềm, thơm là lợi thế để tư thương tìm ông đặt giá 8.000 đồng/kg lúa Gor, nhưng ông từ chối. Hàng chục gia đình trong xã Ia Yeng tìm gặp ông đổi giống lúa Gor gieo sạ, ông gật đầu và không quên gửi vào đó niềm tin tương lai không xa nữa, giống lúa Gor sẽ lại xuất hiện trên đồng ruộng Phú Thiện.
Khôi phục lại men rượu cần và sáng chế máy giã vật liệu làm men
Không chỉ cứu lại giống lúa địa phương, ông Đinh Nhiêu còn khôi phục lại men rượu cần và còn sáng chế ramáy giã vật liệu làm men.
Rượu cần ngonkhông phải nhờ những giọt nước chứa trong ghè có hương vị không trùng lẫn với bất kỳ hương rượu nào mà là nhờ men rượu được làm từ chất liệu rất riêng của đồng bào thiểu sốGia Rai. Tiếc là những năm gần đây, người làm rượu cần quê ông dùng men bày bán trên thị trường làm rượu thay men truyền thống, hương rượu cũng dần mất đi cội rễ. Chứng kiến hiện thực trên, lại lo một ngày không xa, công thức làm men rượu cần truyền thống của đồng bào bị thất truyền, ông lại cất công tìm đến bà Ksor H’Yơn, ở thôn Sô Ama Hang B, xã Ia Peng,huyện Phú Thiện-người nắm giữ công thức chế biến men rượu cần truyền thống nhờ bà giúp giữ cái gốc hương rượu cần. Bà H’Yơn tuổi đã cao, không còn sức giúp, nhưng cô cháu Ksor H’Tek đã học được công thức làm men từ bà H’Yơn. Thế là tổ hợp tác làm men rượu hình thành do Tek làm tổ trưởng.
Tổ hợp tác bắt tay sản xuất mẻ men đầu tiên vào tháng 3/2010. Nhìn những đôi tay thiếu phụGia Raibỏng rát theo nhịp chày giã thuốc, giã gạo, ôngĐinh Nhiêu thấychạnh lòng. Cái dáng đứng của những con người trong tổ hợp tác làm men lúc cúi, lúc ngửa, những đôi tay chai sần theo nhịp chày gỗ thôi thúc ông tìm đến các xưởng cơ khí thị xã Ayun Pa đặt làm máy làm thay con người, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Bao đêm trăn trở, ông quyết tâm làm ra chiếc máy và đặt tên là “máy giã vật liệu làm men rượu cần”.Quá trình chế tạo máytừ tháng 6/2010, đến cuối tháng 11/2010 thì hoàn thành. Suốt thời gian ấy, cứ sau giờ hành chính,ông lại lôi vật liệu ra đo, cắt, hàn, chạy thử không được; rồi phá bỏ để đo, cắt, hàn lại không biết bao nhiêu lần. Cứ thế đến ngày cái máy hoàn thành ông mới biết mình đã tiêu hết 40 triệu đồng, mặc dù tổng số tiền vật liệu của cái máy hiện tại chỉ tốn 7 triệu đồng. Tiêu tốn là vậy, nhưng được cái ông luôn nhận được lời động viên, chia sẻ của vợ ông- bà Siu H’Bo, nên ông vững lòng.Máy ra đời, Tek hồ hởi nói tiến độ làm men sẽ nhanh hơn để cung cấp cho khách hàng huyện Ia Pa, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nhiêu nói: Những việctôilàm không phải để mình nổi tiếng, mà đơn giản chỉ là gìn giữ giá trị vật chất, tinh thần gắn với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số bao đời cho thế hệ sau.Dự định sắp tớicủa tôisẽ nghiên cứu máy bẻ củ mì gắn vào máy cày tay giúp nông dân đỡ vất vả. Bởi lẽ ấy, ông mong muốn có thêm nhiều người chung tay góp sức với ông để đi tiếp hành trình này. Cán bộ và nhân dân trong xã cũng như trong huyện đều khen ngợi và nêu gương sáng về ông. Với những cống hiến của mình cho quê hương, ông Đinh Nhiêu xứng đáng được bà con tôn vinh là "Người anh hùng của xã".