Điều trị vô sinh ở nam giới
Nam giới bị chứng vô sinh chủ yếu là do một hoặc nhiều lý do sau: tỷ lệ tinh trùng trong tinh dịch quá thấp, tinh trùng quá yếu không đủ sức di chuyển về phía trứng của người phụ nữ, tinh trùng dị dạng, rối loạn về tình dục và phóng tinh, dị tật bẩm sinh, bệnh lý toàn thân, giãn tĩnh mạch thừng tinh, không có tinh trùng do tắc nghẽn, nhiễm trùng tuyến sinh dục phụ... Khác với nữ, việc xác định chính xác tần suất vô sinh ở nam tương đối khó. Hiện nay, cách chẩn đoán vô sinh nam dựa trên kết quả của tinh dịch đồ theo tiêu chuẩn của WHO gồm các chỉ số về thể tích dịch, mật độ tinh trùng, tỷ lệ tinh trùng... Theo các bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, hơn 70% người chồng đến khám có tinh dịch đồ dưới mức bình thường. Vấn đề này đang trở thành mối lo ngại lớn đối với nam giới.
Các yếu tố dẫn đến chứng vô sinh ở nam
Uống rượu bia hoặc dùng ma túy (nồng độ cồn trong rượu làm giảm lượng hormon sinh dục testosterone ở tinh hoàn), hút thuốc lá, bị béo phì, bị các bệnh lây truyền qua đường sinh dục, sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan không theo chỉ định của bác sĩ là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh nam.
Một số thói quen sinh hoạt làm tăng nhiệt độ tinh hoàn dẫn đến việc giảm khả năng sản xuất tinh trùng như: mặc quần áo, đồ lót quá chật làm đôi tinh hoàn bị bó vào người, ngồi nhiều (trên xe hơi, làm việc trong văn phòng), tắm hoặc ngâm người trong nước nóng quá lâu...
Các công việc đòi hỏi phải tiếp xúc quá lâu với các kim loại như: chì, kẽm, sắt, tia X; làm việc trong môi trường bị ô nhiễm bởi các khí thải công nghiệp, thuốc trừ sâu, khói xe; sử dụng các chất bôi trơn có nguồn gốc từ dầu mỏ làm tinh trùng bị tê liệt và chết; bị stress trong đời sống hiện tại...
Phương pháp điều trị vô sinh nam
Trước hết, các ông chồng cần nhận thức một cách đầy đủ và nghiêm túc vấn đề này để từ đó thay đổi thói quen trong cuộc sống bên cạnh sự hỗ trợ của y học.
Điều trị vô sinh nam phổ biến nhất là áp dụng điều trị nội khoa và điều trị bằng phẫu thuật. Với điều trị nội khoa, bác sĩ giới thiệu cho bệnh nhân một số loại thuốc điều trị thiểu năng tinh trùng như: androgens, antiestrogen, aromatase inhibito, hCG, GnRH agonist, FSH, GH....
Điều trị bằng phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chỉ định phẫu thuật, các trang thiết bị, tay nghề của phẫu thuật viên. Trường hợp phẫu thuật thành công nhưng việc thụ tinh được hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi và khả năng sinh sản của vợ.
Sau phẫu thuật, nếu vẫn không cho kết quả, bệnh nhân có thể dùng đến các giải pháp: bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm hay tiêm tinh trùng vào bào tương noãn. Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện phụ sản Từ Dũ cho biết: hầu như không có trường hợp nào có thai nếu số lượng tinh trùng di chuyển vào buồng tử cung dưới 2 triệu con và tổng số tinh trùng di động tối thiểu trong mẫu tinh dịch ban đầu không đạt trên 10 triệu con. Còn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đòi hỏi phải có từ 50.000 - 100.000 tinh trùng di động để có thể thực hiện thụ tinh một noãn trong môi trường nhân tạo. Phương pháp được áp dụng nhiều nhất hiện nay tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ là tiêm tinh trùng vào bào tương noãn. Phương pháp này có thể thực hiện đối với tinh trùng từ tinh dịch, tinh trùng hút từ mào tinh hay tinh trùng sinh thiết từ tinh hoàn. Chi phí điều trị khoảng 30 triệu đồng cho một ca hỗ trợ sinh sản, kỹ thuật điều trị này có thể áp dụng cho tất cả các nguyên nhân vô sinh ở nam.
Theo thanhnien.com.vn 16/7/2005