Điều trị ung thư: Hiệp hai mới quan trọng
Nếu so với thập niên trước đây thì ngành ung bướu rõ ràng đã có nhiều bước tiến bộ đáng kể. Bên cạnh kỹ thuật y khoa cho phép phát hiện sớm ung thư, những phương pháp trị liệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị được cải tiến liên tục khiến hiện nay nhiều loại ung thư không còn là bệnh nan y. Tuy vậy, bất chấp điều này, tỷ lệ tử vong do hậu quả của u bướu ác tính nói chung vẫn còn cao. Vì sao như thế?
Rõ ràng hiệu quả của liệu pháp điều trị ung thư còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nằm ngoài tầm tay của người thầy thuốc, từ tính cảm ứng của mỗi cá nhân cho đến khả năng tài chính của người bệnh. Trong trường hợp thuận lợi, hy vọng sống sót của người bệnh cũng còn tùy thuộc vào mức độ di căn của ung thư.
Cọp dữ trong cũi sắt khác chi mèo nhà!
Với người bệnh ung thư đã phải điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị thì hầu như không còn phải thắc mắc về xác suất di căn khi tế bào ung thư trong hầu hết trường hợp đã nằm sẵn đâu đó chực chờ để phát triển. Vấn đề đặt ra ở đây chính là làm sao để tế bào ung thư tuy có đó nhưng không thể tập trung đủ lực lượng để hình thành u bướu thứ cấp, để tế bào ung thư tuy hiện diện nhưng phải chấp nhận an phận dưới sự kiểm soát của lực lượng kháng bệnh thường là đủ mạnh trong cơ thể của người đã một lần mang bệnh.
Dù theo bất kỳ trường phái nào, người thầy thuốc ung bướu có kinh nghiệm đều nằm lòng một việc: mọi phương án nhằm phục hồi thể trạng, cải thiện sức đề kháng và tăng cường khả năng miễn dịch của người bệnh sau mỗi đợt điều trị chính là cơ sở giúp đẩy lùi mối nguy di căn của ung thư, giảm thiểu xác suất tái phát, nghĩa là gián tiếp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Cũng trong nhận thức đó, nhiều nhà điều trị coi trọng quan điểm sinh học từ lâu đã cổ động cho biện pháp ứng dụng hoạt chất từ dược liệu thiên nhiên trong phác đồ điều trị hậu ung thư để qua đó nhanh chóng xây dựng tác dụng chống thiếu máu, tăng số lượng tiểu cầu, ổn định kháng thể, bảo vệ cấu trúc tế bào, tăng nhanh tiến trình phục hồi và cải thiện tổng trạng. Mặc dầu có khác biệt về cơ chế tác dụng, nhưng dù là sinh tố, khoáng tố, nội tiết tố, hay hoạt chất trong cây thuốc, tất cả đều được ứng dụng với cùng một mục tiêu hỗ trợ sức đề kháng để cô lập tế bào ung thư. Cọp đói có hung dữ cách mấy nhưng nhốt trong cũi sắt thì có khác chi mèo nhà!
Điều trị hậu ung thư mới là phần quyết định
Trên cơ sở vừa phân tích, thật sự không cường điệu hay phiến diện khi đánh giá liệu pháp trong giai đoạn hậu ung thư thậm chí có giá trị quyết định không kém biện pháp ngoại khoa, hóa trị hay xạ trị trong thời điểm cấp tính. Đúng là phải cắt bỏ, đốt cháy, tiêu diệt khối u thật nhanh trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, nhưng nếu chỉ thế thôi thì liệu có ích gì khi người bệnh sau đó phải trả giá đắt hơn vì hậu quả di căn?! Liệu pháp điều trị ung thư chỉ tròn nghĩa toàn diện khi được kết hợp hài hòa có trước, có sau, khi tấn công, lúc phòng thủ.
Để đối phó với bệnh ung thư, vấn đề hóc búa rõ ràng không hề chấm dứt sau lần giải phẫu, sau đợt xạ trị hay hóa trị. Trái lại là khác, giải quyết được khối u không đồng nghĩa với phủi tay trút sạch gánh lo. Chưa ra khỏi cửa bệnh viện ung bướu thì người bệnh phải bước ngay vào một trận chiến mới không kém phần nhiêu khê. Khi đó, chương trình điều trị hậu ung thư mới là phần quyết định. Như một trận cầu gay cấn, không ai có thể tiên đoán kết quả khi mới chấm dứt hiệp đầu, cho dù đội khách có thể tạm thời nắm phần ưu thế. Thắng hay bại còn tùy diễn tiến ở hiệp sau. Bại trước một đối thủ quá mạnh là điều khó tránh, nhưng khó chấp nhận thái độ thua quá dễ, quá sớm ngay trên sân nhà. Ai biết cách ra sân đầy tự tin và với chiến thuật đổi mới trong hiệp hai, người đó có nhiều hy vọng lật ngược thế cờ.
Đông y góp phần không nhỏ Việc sử dụng dược liệu làm thuốc trong điều trị ung thư có thể tóm tắt theo hai hướng: 1. Sử dụng một dược liệu làm thuốc thông qua chiết xuất thành phần hợp chất trên một loại cây cỏ nào đó có tác dụng chống khối u: Khuynh hướng này đang được các nhà khoa học nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Những cây cỏ dùng làm thuốc theo dạng này hoặc đã được dùng trên lâm sàng như Vinblastin và Vincristin từ lá dừa cạn dùng trị bệnh bạch cầu ở trẻ em, hay Taxol từ cây thông đỏ dùng trị ung thư vú, hay Acetogenin chiết từ hạt của trái mãng cầu bình bát trị ung thư hạch...; hoặc có tác dụng trên mô hình dược lý thực nghiệm ung thư như nga truật, hà thủ ô trắng, tam lăng, bán hạ... có tác dụng ức chế hoạt tính của tế bào ung thư; hay bạch hoa xà thiệt thảo, bạch cập, khổ hạnh nhân... có tác dụng kháng ung thư... 2. Sử dụng các bài thuốc cổ phương: Mỗi bài thuốc được cấu tạo trên cơ sở dược lý Đông y có vị chủ dược đóng vai trò chính trong điều trị ung thư, các vị khác để hỗ trợ cho vị thuốc chính, hoặc điều trị các triệu chứng kèm theo của bệnh chính hoặc các tác dụng phụ do thuốc gây ra, nhằm tái lập quân bình trên mỗi cơ địa khác nhau. Một số công trình nghiên cứu mở, không đối chứng, trên các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối (giai đoạn mà các nhà lâm sàng y học phương Tây kết luận không còn khả năng can thiệp) của Học viện Trung y Quảng Châu, Bệnh viện Long Hoa thuộc Trường Trung y Thượng Hải cho thấy việc dùng các bài thuốc như Tiên ngư thang trên 95 bệnh nhân ung thư phổi cho thấy có thể giúp 31 ca sống trên 1 năm, 7 ca sống trên 2 năm, 5 ca sống trên 3 năm, 1 ca sống trên 5 năm; hoặc bài thuốc Dưỡng âm tiêu tích thang, điều trị 147 bệnh nhân ung thư phổi theo biện chứng gia giảm, giúp 42,86% sống trên 1 năm, 12,4% sống trên 2 năm, 5,15% sống trên 3 năm, 1,67% sống trên 5 năm, và thậm chí có 1 bệnh nhân sống trên 10 năm! Kết quả này đã chứng minh cơ sở lý luận của y học cổ truyền thông qua cơ chế tái lập quân bình theo kiểu “Đông y” góp phần không nhỏ trong hỗ trợ điều trị ung thư. PGS-TSNguyễn Thị Bay |
Nguồn: nhandan.com.vn 27/10/2005