Diệt côn trùng ký sinh trên da gia súc
Các loại côn trùng như ruồi, chấy rận, bọ chét, ve, ghẻ, trong số đó có nhiều loài ký sinh trên da trâu bò ở nước ta, gây tác hại lớn nhất là ve, ghẻ, rận, ruồi trâu và mòng.
Rận
Là côn trùng không có cánh, ký sinh trên da của trâu bò gồm nhiều loài như: Rận mũi ngắn (Hacmatopilus spp) mầu vàng hay màu xám; rận mũi dài (Linognathus spp) màu đen hơi xanh; rận đốt (Damalinia spp) màu nâu hơi đỏ. Các loại rận trên không những ký sinh ở trâu bò mà còn ký sinh trên một số gia súc khác như: ngựa, cừu, dê, chó.
Rận có chiều dài trung bình từ 1,5-5mm, dễ phát hiện khi vạch lông gia súc thấy chúng bò quanh trên da. Trứng giống như hạt bột thô bám dầy vào lông gia súc. Sống hoàn toàn ký sinh, nếu rời khỏi vật chủ chúng chết ngay sau 24 giờ. Chúng di chuyển từ gia súc này sang gia súc khác thông qua tiếp xúc trực tiếp.
Rận trưởng thành chỉ sống khoảng một tháng, đẻ trên 300 trứng, trứng nở thành nhộng, giống như rận và phát triển thành rận trưởng thành sau 3 lần lột xác với thời gian khoảng 3 tuần. Bệnh rận phát triển mạnh vào mùa đông, nếu mật độ rận đông, hút nhiều máu, có thể làm trâu bò thiếu máu, gày yếu.
Ve
Đây là một nhóm ký sinh trùng ngoài da rất quan trọng gồm nhiều loài ve đốt, nhưng phổ biến nhất ở nước ta là ve Boophilus, gồm các chủng B.microplus, B.decoloratus và B.annulatus. Chúng hút máu trâu bò, thỉnh thoảng ở loài nhại lại khác.
Là loài ve một vật chủ. Ve trưởng thành hút no máu, rơi xuống đất, đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng bám vào vật chủ phát triển thành nhộng và thành ve trưởng thành mất khoảng 2-3 tuần kể từ khi ấu trùng bám vào vật chủ.
Ve hút máu làm cho gia súc gày sút, giảm sản lượng sữa và có thể truyền bệnh lê dạng trùng và biên trùng cho bò, chúng phát triển mạnh vào giữa mùa xuân đến mùa thu. Khi nhiệt độ xuống thấp, ve, trứng ve trên đồng cỏ ngừng hoạt động cho đến mùa xuân năm sau.
Ghẻ
Bệnh ghẻ ngoài da do con ghẻ Sarcoptes scabici gồm nhiều chủng khác nhau, ký sinh trên các vật chủ khác nhau như: trâu, bò, lợn, cừu, chó…Ghẻ đào hang chui vào trong da gây ngứa mạnh và làm da dày lên ở vị trí ưa ký sinh của ghẻ (bò ở cổ và đuôi trâu, cổ, yếm, hai bên sườn) từ đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể vật chủ.
Khác với ve, tất cả các giai đoạn của vòng đời (trứng, ấu trùng- nhộng- ghẻ trưởng thành) đều phát triển trên vật chủ và truyền lây qua tiếp xúc giữa các vật chủ.
Triệu chứng chính: Ngứa rụng lông, vẩy vàng nhạt như bột ngô, da nhăn lại và dày lên, nứt, chảy máu. Con vật mất ăn, mất ngủ, gày còm, kiệt sức và chết trong những đợt rét đậm, nhất là đối với bê nghé vùng trung du miền núi đã mắc bệnh giun đũa lại thêm bệnh ghẻ.
Ruồi trâu, mòng
Ruồi trâu có nhiều ở miền núi; vùng đồng bằng ít hơn. Ruồi phát triển mạnh về mùa mưa ở nước ta với hàng chục loài ruồi trâu khác nhau, nhưng phổ biến nhất là những loài thuộc giống Tabanids. Ruồi to, đốt sâu, đau, có khả năng bay xa vài kilomét từ nơi sinh sản. Chúng hút máu gia súc, làm gia súc mệt mỏi, gầy yếu. Khi hút máu có thể truyền bệnh cho trâu bò. Trứng được đẻ vào cây cỏ mục nát hoặc vùng ngập nước.
Mòng Stomoxys calcitrans thường ở chuồng gia súc, hình dạng giống ruồi nhà, nhưng có vòi cứng chọc thủng da để hút máu. Mòng đẻ trứng ở phân trâu bò, các đống rác. Chúng đốt, hút máu làm trâu bò kiệt sức, giảm tăng trọng 15-20%, giảm tiết sữa đến 40% và có thể còn truyền bệnh trùng roi cho ngựa, trâu bò; bệnh xoắn trùng và lở mồm long móng ở gia súc.
Biện pháp phòng trừ
Trị bệnh:
- Thuốc bôi, tắm, phun…:
Có thể dùng một trong các loại thuốc sau để tiêu diệt các động vật chân đốt ký sinh ngoài da gia súc như: Pyrethroids tổng hợp; Permethrin; Cypermethrin; Spinosad; Anitraz…
(Cách sử dụng các loại thuốc trên theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
- Thuốc tiêm:
- Dùng Ivermectin tiêm dưới da với liều 0,2 mg/kg thể trọng diệt nội, ngoại ký sinh trùng gia súc.
- Dùng thuốc Nam
Các loại hạt có chất độc để diệt ghẻ như: Hạt thàn mát, hạt máu chó, hạt củ đậu, giã nhỏ hoà với dầu ăn bôi lên chỗ ghẻ của gia súc. Sau 9 ngày bôi lại lần 2 diệt những con ghẻ mới nở.
Dùng lá cây thuốc lá diệt rận: 50g giã nhỏ cho 1 lít nước, cắt gọt lông gia súc, sát thuốc ngâm lá thuốc lá lên trên gia súc mắc bệnh.
Phòng chống
- Tăng cường nuôi dưỡng, chăm sóc trâu, bò, bê, nghé. Tắm cọ thường xuyên, nhốt riêng gia súc bị rận, ghẻ, ve.
- Phát quang đồng cỏ quá rậm rạp, thực hiện việc đốt đồng cỏ trước mùa mưa, luân phiên canh tác có tác dụng diệt ve; tiêu nước để trừ ruồi trâu; các chất độn chuồng đem đốt, phân đem ủ diệt ghẻ và ấu trùng muỗi mòng.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 82 (1800)