Điện Biên Phủ: “Nghĩa trang” người sống của quân viễn chinh Pháp
Bị giam hãm suốt gần 2 tháng trong “đáy nồi” Điện Biên Phủ, quân Pháp không chỉ phải đối mặt với cái chết từ bom đạn, mà điều kiện vệ sinh tồi tệ khiến họ trở thành nạn nhân của nhiều thứ bệnh dịch như thương hàn, dịch tả. Một “nghĩa trang” người sống mọc lên ngay trong “Con nhím” Điện Biên Phủ khi hàng ngàn thương binh bị ứ đọng và rên la đau đớn trên máu mủ, bông băng...
Cứ điểm Điện Biên Phủ dưới sức ép bao vây của bộ đội Việt Nam
Quân viễn chinh Pháp trong cứ điểm Điện Biên Phủ
Tù binh quân viễn chinh Pháp bị dẫn giải sau thất bại tại Điện Biên Phủ
Giọng đứt quãng vì tuổi cao, người cựu binh chiến trường Điên Biên Phủ, ông Lê Văn Hùng (88 tuổi) ở thôn Ngọc Quyết, xã Ngọc Liên, Cẩm Giàng, Hải Dương hồi tưởng: “Khi giải phóng Điện Biên Phủ, chúng tôi vào áp giải tù binh thì chứng kiến điều kiện vệ sinh kinh hãi của quân Pháp. Những thương binh kiệt sức vì bị thương, nhiều người lở loét loang lổ, băng gạc quanh đầu...Trong các trạm quân y, ròi bọ trên tường, dưới đất chỗ nào cũng có. Xung quanh các cứ điểm phòng ngự, lính phóng uế bừa bãi. Rất nhiều lính Pháp mắc bệnh thương hàn”.
Theo nhiều nhân chứng, quân Pháp gần như kiệt quệ về thể xác và tinh thần bởi quân đội Việt Nam siết chặt vòng vây. Cuộc bao vây đã khiến cho quân Pháp không nhận được sự tiếp tế cần thiết về khí tài, lương thực mà còn và đặc biệt là thuốc men y tế. “Đường không bị khống chế thì thương binh không thể di tản về Hà Nội. Các trạm quân y đều quá tải. Xung quanh những trạm này, mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc”, ông Hùng cho biết thêm.
Khi không gian chiến đấu của quân Pháp bị thu hẹp (quân đội Việt Nam sử dụng lối đánh vây lấn) thì lượng thương binh lại ngày càng phình ra, những người lính khốn khổ của quân đội viễn chinh vốn đã bị giam trong “nhà tù” lớn Điện Biên nay lại phải giam mình trên những chiếc băng ga hôi hám, bẩn thỉu. “Trong tháng 3 và tháng 4, quân Pháp không chỉ bị bộ đội siết chặt vòng vây mà còn bị 'trời hành' khi những cơn mưa rừng xối xả biến những đường hào của Pháp thành những cái ao tù nhầy nhụa bùn đất. Không khí ẩm thấp càng làm cho dịch bệnh phát triển”, ông Hùng cho biết thêm. Cùng chịu đựng những cơn mưa rừng và những đường hào ngập nước song không gian trận địa của quân đội Việt Nam là không gian mở với công tác hậu cần kế tiếp ngay phía sau nên thương binh, sức khỏe của bộ đội không bị ảnh hưởng nghiêm trọng như của Pháp.
Trong hồi ký “Tôi là bác sĩ ở Điện Biên Phủ”, viên thiếu tá, phụ trách quân y của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ là Paul Grauwin đã tả lại chân thực cảnh khốn khổ của thương binh Pháp: “Những nóc nhà, những nắp hầm sũng nước (mưa) trở nên rất nặng, đè lên những thành vách đã bị yếu đi vì ngấm nước. Hàng loạt gian hầm xây dựng vội vã đã đổ ụp, đè cả lên đám người bên trong. Đến tháng 5, bùn ngập lên đến đầu gối, việc đi lại càng trở nên khó khăn”.
Khi những cơn mưu rừng vừa ngớt thì nắng nóng của miền Tây Bắc lại bùng lên. Trong thời điểm thời tiết đang giao mùa, quân Pháp và thương binh Pháp ở Điên Biên Phủ vật vã trong “cơn sốt” dịch bệnh. Trong tình trạng rác y tế ngập ngụa, máu mủ khắp nơi, hố chôn binh lính tử thương ngay sát trại lính...khiến cho quân Pháp như sống trong địa ngục. Trong cuốn “Điện Biên Phủ: Cuộc đối đầu lịch sử mà nước Mỹ muốn quên đi” của Howard R.Simpson có đoạn: “Mùi tanh của máu, nước tiểu và mùi chua của ói mửa nồng nặc trong căn hầm chật chội dưới lòng đất. Nhiều người bị thương sọ não và mắc chứng hoại thư. Máu mủ của những người nằm bên trên chảy xuống những người nằm bên dưới. Những cẳng tay, cẳng chân, những ống tiêm chôn ngay trong đường hầm, khi trời mưa, nước bên ngoài chảy vào, tất cả lại lềnh bềnh nổi lên...”.
Trong điều kiện tồi tệ về vệ sinh, quân Pháp tiếp tục phải hứng chịu sự “tấn công” của hàng triệu con ruồi và giòi bọ. Sống trong “địa ngục” Điện Biên ấy, thiếu tá Paul Grauwin tiếp tục ghi lại những ngày đáng sợ của đời mình khi ông viết: “Khí nóng, hơi ẩm và những vật thối rữa đẻ ra một tai họa mới: ruồi! Nguồn ruồi đầu tiên ở bãi để xác lính chết. Nhưng dần dà, nó tràn vào cả trạm quân y và những gian hầm lân cận. Ruồi đẻ trứng khắp nơi: trên vách đất, trong chiến hào, trong lớp bông băng đẫm máu vứt bừa bãi chung quanh, trên giường, trong vải băng và lớp bột bao bọc vết thương...Trứng ruồi vỡ ra giòi. Giòi bọ lúc nhúc trong chăn bẩn, trên đệm, trên vải băng vết thương, chui cả vào những vết thương bó bột, những chỗ cứ tưởng không gì lọt vào nổi… Đêm đến, thật là một cảnh tượng kinh khủng khi nhìn những con giòi màu trắng, kinh tởm, bò nhởn nhơ trên bàn tay, trên mặt, trên tai binh lính bị thương đang ngủ”.
Khi xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Navarre và bộ tham mưu của ông ta không ngờ “Con nhím” có thế mạnh phòng thủ bất khả xâm phạm này lại phải “phơi mình” cho đối phương nã đạn. Và từ “cái xảy nảy cái ung” khi trong chiến dịch, Điện Biên Phủ dần trở thành “nghĩa trang” khủng khiếp cho chính những binh lính đang sống của viên tổng chỉ huy Pháp.