Đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản
Ngày 27/10, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số tổ chức Hội thảo Thúc đấy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản với chủ đề "Công nghệ số cho hoạt động báo chí, truyền thông và xuất bản trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0".
Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam), Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam – Nguyễn Quyết Chiến, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam – Lê Công Lương, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam – Lê Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số - Nguyễn Thị Bích Lan, đại diện các đơn vị của Liên hiệp Hội Việt Nam và nhiều đơn vị báo chí, xuất bản và truyền thông.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam nhận định: Chuyển đổi số được coi là xu thế tất yếu của báo chí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trên thế giới, sự tiên phong và thành công trong việc thực hiện chuyển đổi số, đưa mô hình tin truyền thống sang nhiều định dạng mới bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số, và không những giữ chân được độc giả cũ mà còn thu hút được nhiều độc giả mới trong bối cảnh bùng nổ thông tin, nhiều thách thức cạnh tranh từ các mạng xã hội.
Tại Việt Nam, nhờ việc thích ứng và có những bước chuyển mình trong bối cảnh chuyển đổi số, không ít báo mạng điện tử tại Việt Nam đã nhanh chóng tạo được sức hút với bạn đọc, đồng thời cho thấy khả năng truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và đa dạng. Nhiều tác phẩm báo chí ứng dụng công nghệ số và dữ liệu tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, lôi cuốn và tạo cảm giác gần gũi với bạn đọc. Việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí cũng hỗ trợ rất nhiều cho các nhà báo, phóng viên, thuận lợi hơn trong việc thu thập thông tin, tiến hành phân tích dữ liệu, sản xuất nội dung… Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nhiều cơ quan báo chí, xuất bản còn bộc lộ những hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số hiện nay.
Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Nhằm thực hiện hiện thực hóa Quyết định 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản được tổ chức nhằm mục đích nhìn nhận các chuyển biến trong xu hướng chuyển đổi số báo chí, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số và đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản.
Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Lê Công Lương phát biểu tại Hội thảo
Phần tham luận chính của các chuyên gia tại hội thảo cũng đã đề cập đa dạng các vấn đề từ thách thức và cơ hội của chuyển đổi số báo chí, các xu hướng phát triển của báo chí và xuất bản số, mô hình tòa soạn hội tụ trong xu thế mới, cho đến những hoạt động tạo ra mô hình kinh doanh mới với sự phát triển báo chí và xuất bản sử dụng công nghệ số và phân tích dữ liệu, cũng như những tiến bộ về công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất và sáng tạo nội dụng cho báo chí và xuất bản…
Các chuyên gia mang đến những thông tin quan trọng về các xu hướng phát triển của báo chí và xuất bản số
Các báo cáo, tham luận cũng như tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo cũng đã phản ánh các góc nhìn khác nhau về điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện chuyển đổi số cơ quan báo chí. Đồng thời, đưa ra giải pháp nền tảng hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản. Theo các đại biểu, việc Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản đã đáp ứng được nhu cầu thiết thực của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều các đơn vị báo chí, truyền thông, xuất bản vẫn còn đang loay hoay với tiến trình chuyển đổi số, nhiều đơn vị chưa biết bắt đầu từ đâu, nhất là các đơn vị báo chí có quy mô nhỏ.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh, chuyển đổi số ảnh hưởng đến sự sống còn của các cơ quan báo chí. Thực tế chuyển đổi số góp phần chuyển đổi nguồn thu, nhu cầu thực tại của các cơ quan báo chí, xuất bản. Chuyển đổi số cần bắt đầu từ hai điểm mấu chốt: Xác định đối tượng độc giả hướng đến và sản phẩm phục vụ đối tượng độc giả đó, từ đó xác định được tiến trình chuyển đổi số phù hợp.
Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh phát biểu kết luận Hội thảo
Về cách tiếp cận chuyển đổi số, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Ngọc Linh cho rằng về thể chế, có rất nhiều nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động của Đảng, nhà nước về chuyển đổi số. Liên hiệp Hội Việt Nam cũng sẽ xây dựng một kế hoạch về chuyển đổi số trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian tới. Từ những thuận lợi này, các đơn vị báo chí cần định vị lại thực trạng của đơn vị báo chí và tìm ra loại hình phù hợp để tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là chú trọng về hạ tầng số và nhân lực số - thách thức của nhiều đơn vị báo chí hiện nay.
Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản cũng đã tạo ra sự kết nối giữa cơ quan báo chí và các đơn vị cung cấp các dịch vụ về chuyển đổi số như Học viện Bưu chính viễn thông, Viện Sáng tạo và chuyển đổi số (VIDTI), Smart Pro … Hội thảo đã cung cấp nền tảng để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người làm trong ngành báo chí cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm thành công và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để hội tụ và bảo vệ thông tin trong bối cảnh cách mạng số. Qua đó, chúng ta hy vọng tạo ra những đóng góp tích cực vào việc định hình tương lai sáng của ngành báo chí, xuất bản trong thời đại kỹ thuật số.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm