Để Quỹ phát triển khoa học và công nghệ hoạt động hiệu quả
GS.TSKH Lê Minh Triết*
Ở nhiều nước có các loại quỹ khác nhau phục vụ cho sự phát triển khoa học và công nghệ; mỗi quỹ có tính chất và đối tượng phục vụ riêng. Chẳng hạn, ở Trung Quốc có trên 20 loại quỹ, như quỹ phát triển khoa học tự nhiên, quỹ phát triển chế tạo máy, quỹ tài trợ các nhà khoa học trẻ… Hunggari, một nước nhỏ cũng có 2 loại quỹ riêng: quỹ nghiên cứu khoa học và quỹ phát triển công nghệ. Quỹ phát triển khoa học công nghệ ở nước ta là quỹ đa mục tiêu, cho nên việc xác định rõ tính chất, phương thức hoạt động là điều kiện tiên quyết cho hiệu quả hoạt động của Quỹ. Về vấn đề này hiện có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng theo tôi, trước hết phải định rõ quỹ phát triển khoa học và công nghệ là quỹ tín dụng và đầu tư, một tổ chức tài chính đặc thù hoạt động như một doanh nghiệp công ích,chứ không nên coi quỹ này là đơn vị sự nghiệp có thu. Chỉ khi định rõ như vậy chúng ta mới không biến hoạt động của Quỹ thành kiểu phân bổ kinh phí (dù được cải tiến) và không hạn chế khả năng huy động vốn của Quỹ từ các nguồn khác nhau.
Có vốn, huy động được vốn là điều kiện tiên quyết nhưng hiệu quả hoạt động của Quỹ có tầm quan trọng cao hơn. Muốn đảm bảo hiệu quả Quỹ phải xác định đúng đối tượng phục vụ.
Chức năng chủ yếu của Quỹ là thúc đẩy quá trình đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất - kinh doanh và đời sống, góp phần đổi mới công nghệ ở các đơn vị sản xuất và tăng cường năng lực công nghệ trong nước. Do đó, trong quá trình hoạt động Quỹ phải có sự phối hợp chặt chẽ với các chương trình, kế hoạch đổi mới công nghệ của các ngành, với chương trình phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, theo dõi sát các thành tựu khoa học và công nghệ đã được khẳng định có thể áp dụng trong sản xuất và đời sống. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, các loại quỹ tín dụng và đầu tư phát triển công nghệ chủ yếu đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì các doanh nghiệp lớn thường tự bỏ vốn hoặc vay ngân hàng. ở nước ta tình hình cũng sẽ diễn ra như vậy. Do đó, đối tượng phục vụ đầu tiên của Quỹ là các xí nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu đổi mới công nghệ hoặc đưa tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Đối tượng khác rất quan trọng là các Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ, nơi có nhu cầu tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ gần với hướng chuyên môn (các đơn vị 35, các doanh nghiệp 68...).
Quỹ cũng phải coi trọng đối tượng là cá nhân nhà khoa học hay nhóm các nhà khoa học và công nghệ thuộc các hội khoa học và kỹ thuật có nhu cầu vốn để triển khai sản xuất sản phẩm trên cơ sở công nghệ do họ tìm ra hay cải tiến hoặc tiếp nhận từ nước ngoài qua các kênh khác nhau. Quỹ cũng có thể dành một phần vốn tín dụng cho các cá nhân vay với mục đích tự bồi dưỡng trình độ công nghệ với sự bảo lãnh của tổ chức sử dụng họ.
Một đối tượng thường xuyên, đông đảo của Quỹ là các tổ chức, cá nhân chủ trì các đề tài, đề án trong khuôn khổ các chương trình nhà nước, khi quỹ được giao trách nhiệm cấp vốn ủy thác. Chắc chắn cấp phát kinh phí của nhà nước thông qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sẽ tạo điều kiện chủ động linh hoạt và kịp thời cho các đề tài, đề án đã được xét duyệt, tránh được nhiều thủ tục hành chính phiền hà và không phụ thuộc năm tài chính.
Từ các phân tích trên chúng ta có thể nêu ra bốn loại hoạt động thường xuyên của quỹ phát triển khoa học và công nghệ:
1. Loại đầu tư cho các doanh nghiệp quan tâm và có điều kiện thực hiện các dự án đổi mới hoặc chuyển giao công nghệ mới có hiệu quả cao.
Đối với loại đầu tư này, Quỹ vừa thu hồi phần vốn đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư, thu hồi các chi phí tư vấn, đồng thời thu một tỷ lệ lợi nhuận định mức thỏa thuận giữa Quỹ và đối tác nhằm duy trì và phát triển Quỹ.
2. Loại đầu tư cho các tổ chức sản xuất và khoa học công nghệ quan tâm và có điều kiện thực hiện các dự án sản xuất thử những sản phẩm mới hoặc đưa vào sản xuất các công nghệ mới lần đầu tiên được tiến hành trong nước. Đối với loại đầu tư này, Quỹ chỉ thu hồi phần vốn đầu tư, thu hồi chi phí tư vấn nhằm bảo toàn vốn.
3. Loại đầu tư cho các nhà khoa học, các tập thể hoặc tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện hoặc phối hợp thực hiện những đề án nghiên cứu triển khai, đầu tư cho các tài năng trẻ, tham gia các hoạt động công ích nhằm góp phần phát triển tiềm lực khoa học – công nghệ. Đối với loại đầu tư này, Quỹ thu hồi một phần hoặc không thu hồi vốn đã cấp.
4. Thực hiện ủy thác đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các đề tài, đề án được các cấp có thẩm quyền xét duyệt. Hàng năm Quỹ quyết toán với Bộ (Sở) khoa học và công nghệ và Bộ (Sở) tài chính phần vốn đã cấp từ Quỹ.
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ không phải là nguồn tài chính duy nhất cho hoạt động khoa học và công nghệ, nhưng chắc chắn là nguồn rất quan trọng, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Để phát huy vai trò của Quỹ cần phải có quy chế (điều lệ) hoạt động rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao, và điều đầu tiên là phải có bộ máy đủ mạnh có năng lực và trình độ về hoạt động tài chính và hiểu rõ đặc trưng của hoạt động khoa học và công nghệ.
Nguồn: Khoa học&Tổ quốc 20/3/2005
-----
* Chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành tại TP Hồ Chí Minh (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội Vật lý TP Hồ Chí Minh.