Đề phòng sốt xuất huyết - biện pháp đơn giản và hiệu quả
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do một loại vi-rút thuộc họ Flaviviridae. Vi-rút lây qua vết đốt từ loại muỗi vằn (có tên khoa học là Aedes aegypti). Loại muỗi này sống trong và xung quanh nhà, thích đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, nước mưa.
Theo Phó Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện Trưởng Viện Pasteur TP. HCM nhận định, bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, văc-xin ngừa bệnh mới đang được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng. Phòng bệnh chủ yếu vẫn là giải quyết véc-tơ truyền bệnh như phun hóa chất diệt muỗi và lăng quăng.
Dưới đây là 20 điều mà bạn có thể thực hiện ngay để phòng bệnh cho gia đình và ngăn chăn muỗi sinh sản:
1. Thay nước trong các chum vại và bể chứa hai ngày một lần
2. Đổ hết nước khỏi các đĩa lót dưới đáy chậu hoa cây cảnh hai ngày một lần (hoặc không sử dụng đĩa lót)
3. Cọ rửa sạch đĩa lót dưới đáy chậu hoa cây cảnh để loại bỏ trứng muỗi
4. Lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước
5. Bọc kín đầu các cọc tre khi không sử dụng
6. Đậy kín các máng xối hoặc lắp van chống muỗi
7. Đậy kín mọi dụng cụ chứa nước
8. Hằng tháng cần khơi thông những chỗ tắc và đặt thuốc diệt muỗi ở ống máng thoát nước
9. Hằng tháng tiến hành đổ cát hoặc thuốc diệt muỗi vào những nơi nước đọng không thể tránh được
10. Quét sạch lá rụng ở mương rãnh thoát nước hoặc trong vườn hằng tuần.
11. Loại bỏ nước ứ đọng trên lá cây, các nhánh cây và cống rãnh hằng tuần
12. Tháo bỏ các khay của điều hòa không khí
13. Lắp đặt ống nối để dẫn nước từ máy điều hòa vào nhà tắm
14.Cọ sạch bên trong các chum vại chứa nước để loại bỏ trứng muỗi hai ngày một lần
15. Phun thuốc diệt muỗi vào các hốc tường, gầm bàn ghế, gầm giường, nhà tắm, các bụi rậm, hốc cây lớn xung quanh nhà
16. Bỏ các loại cốc chén và chai lọ không dùng đến, có thể chứa nước mưa và khiến muỗi sinh sôi, vào thùng rác đậy kín
17. Nếu sống ở các chung cư, cần kiểm tra xem nước có bị ứ đọng dọc theo đường thoát nước hay không, cũng như cần đảm bảo là đường thoát nước không bị các chậu cây cảnh hoặc những vật dụng khác gây cản trở
18. Những gia đình có điều kiện nên làm lưới chắn muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ, cửa thông gió
19. Ở công sở, nên đi giày có bít tất và mặc quần dài ống để tránh hở da vùng chân
20. Nếu bạn sắp đi du lịch, nên mang theo kem chống muỗi để thoa lên da và mặc trang phục quần dài, áo dài tay để chống muỗi khi tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời hoặc bãi biển, nhất là vào buổi tối.
Phân biệt sốt xuất huyết
Trong giai đoạn hiện nay, sốt trong bệnh sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với sốt do bệnh tay chân miệng, thủy dậu, sởi. Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột và hạ thân nhiệt cũng đột ngột kèm theo tụt huyết áp. Ngoài sốt cao đột ngột thì có thể có rét run, nhức đầu nhiều, đau nhức, mỏi toàn thân (cơ, khớp), vã mồ hôi, có khi buồn nôn hoặc nôn.
Người bệnh trở nên mệt mỏi, chán ăn do nhiễm độc, do mất nước và chất điện giải do sốt hoặc nôn. Sau khi sốt hoặc thân nhiệt bắt đầu giảm là xuất hiện hội chứng xuất huyết. Tuy vậy, các dấu hiệu xuất huyết có thể xảy ra ngay khi người bệnh đang sốt cao. Xuất huyết có nhiều dạng khác nhau như chảy máu cam, chảy máu chân răng, ở da có dạng ban đỏ, chấm, mảng bầm tím hoặc mảng sung huyết.
Để sơ bộ xác định có phải xuất huyết hay không thì có thể dùng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay làm căng vùng da sung huyết nếu thấy vẫn đỏ là xuất huyết, nếu thấy mất đi là không phải xuất huyết.
Trong những trường hợp nặng có thể đái ra máu, đi ngoài phân đen, ho ra máu hoặc rối loạn kinh nguyệt (phụ nữ), nặng nhất là xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, gây sốc. Sốc, thể hiện vật vã (hoặc li bì), đau bụng (có khi rất dữ dội) rất dễ nhầm lẫn với các bệnh về tiêu hóa kèm theo chân tay lạnh, đặc biệt là ở các đầu ngón tay, ngón chân. Xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu giảm, hematocrit tăng cao.
Vì vậy, khi thấy người bệnh bị số cao, kèm theo những biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, người thân cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.