Để kết quả nghiên cứu khoa học không còn nằm trong phòng thí nghiệm
Mỗi khi nhắc đến việc các kết quả nghiên cứu ở phòng thí nghiệm không triển khai được vào sản xuất, người ta thường nói nhiều đến sự lãng phí ngân sách nhà nước. Song thực chất nguyên nhân không chỉ bắt nguồn từ các nhà nghiên cứu mà còn từ nhà sản xuất và quản lý.
Về phía nhà nghiên cứu, có thể nội dung nghiên cứu chưa thật phù hợp với thực tiễn sản xuất hoặc công nghệ đề xuất vượt quá khả năng của sản xuất. Một ví dụ là: Nhiều nghiên cứu (từ nhiều năm nay) về cắt mạch nhựa cao su và thực hiện một số phản ứng hoá học để có những sản phẩm có giá trị sử dụng cao hơn (cao su clo hoá, cao su epoxi hoá…) vẫn chưa đưa được vào sản xuất công nghiệp. Tương tự, nhiều nghiên cứu về các cây thuốc được thực hiện ở các trường đại học, viện nghiên cứu và được đăng trên các tạp chí khoa học, trình bày ở các hội nghị khoa học trong và ngoài nước, nhưng rất ít cây thuốc được khai thác thật sự ở quy mô công nghiệp. Không ít nghiên cứu nhằm vào mục tiêu đăng báo, dự hội nghị để có điều kiện được phong chức vụ khoa học.
Về phía nhà sản xuất, xu hướng ngại cải tiến, đổi mới quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ hoặc xu hướng nhập công nghệ từ nước ngoài để giải quyết bài toán hiện đại hoá, tăng trưởng nhanh đều ít nhiều gây cản trở cho việc đưa kết quả nghiên cứu trong nước vào sản xuất. Thực ra, cũng có những đơn vị sản xuất muốn sử dụng công nghệ trong nước nghiên cứu nhưng phần nào còn e ngại về chất lượng, hiệu quả khi áp dụng. Mặt khác, những thông tin thường xuyên đáng phải có về các công nghệ mới trong nước lại chưa được phổ biến rộng rãi.
Về phía Nhà nước, vẫn còn tỷ lệ không nhỏ kinh phí dành cho những nội dung nghiên cứu đáng lý phải có sự đóng góp tích cực của nhà sản xuất. Đó là quan điểm "kích cung" nhằm tạo trước sản phẩm cho bên "cầu". Thực chất, do còn quá ôm đồm, dàn trải trong khi ngân sách dành cho nghiên cứu triển khai còn hạn hẹp nên thường đầu tư không "đến ngưỡng" trong việc tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới thật sự hoàn chỉnh cho sản xuất. Đó là chưa kể đến những áp lực đòi hỏi đề tài phải được nghiệm thu trong thời gian thật ngắn, những cách thanh quyết toán đề tài quá chi li, cứng nhắc và nhiều vấn đề khác làm nản lòng các nhà nghiên cứu.
Đối với sản xuất kinh doanh, Nhà nước vẫn chưa có những biện pháp chế định thật sự "kích cầu" thúc đẩy sản xuất tiếp cận với nghiên cứu. Chẳng hạn, nhà sản xuất rất mong được miễn mọi loại thuế đối với các khoản đầu tư cho nghiên cứu phát triển.
Tuy nhiên, phải thấy rằng trong những năm gần đây, đã có những thay đổi đúng hướng trong nhận thức của nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Tại thành phố Hồ Chí Minh, mô hình tam giác liên kết "doanh nghiệp - nhà nước - cơ sở khoa học" đã hình thành và phát triển. Những chương trình như: hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hoá với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ thiết kế, chế tạo thiết bị có trình độ công nghệ tiên tiến với chi phí thấp thay thế nhập khẩu đã bước đầu phát huy tác dụng. Để tăng hiệu quả đầu tư, các hội đồng xét duyệt đề tài đăng ký rất chú trọng đến địa chỉ sử dụng. Theo số liệu của Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh năm 2005, tỷ lệ đề tài được ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70%. Tất nhiên từ việc hứa đến thực sự tiếp thu sử dụng, chắc chắn vẫn còn những rào cản hành chính, kinh tế nhiêu khê từ cả các bên nghiên cứu, sản xuất và quản lý. Rất mừng là việc xác lập thị trường công nghệ đã bước đầu hình thành, các giải pháp nhằm kết hợp chặt chẽ nghiên cứu với sản xuất kinh doanh, tạo môi trường pháp lý cho thị trường công nghệ, kích cầu công nghệ, xây dựng quỹ quốc gia hỗ trợ cho việc áp dụng công nghệ mới trong nước đang được hình thành. Các chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) cấp quốc gia, khu vực và địa phương được tổ chức định kỳ và lưu động đã giới thiệu tốt các giải pháp, các sản phẩm công nghệ mới, tạo cầu nối giữa nhà nghiên cứu và nhà doanh nghiệp. Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ nhằm trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN cho thấy mong muốn trong việc huy động tối đa tiềm lực, tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ KH&CN của Nhà nước. Nghị định này được nhiều nhà khoa học xem như khoán 10 trong khoa học.
Rõ ràng là hoạt động KH&CN sẽ không bao giờ đạt hiệu quả cao nếu không được doanh nghiệp sử dụng, không tạo được bệ phóng cho phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề then chốt ở đây là cơ quan quản lý nhà nước cần có đầy đủ thông tin hơn, vạch ra được những hướng đi, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp đào tạo từng bước nguồn nhân lực có trình độ. Theo thiển ý của chúng tôi, những mũi nhọn nhất thời của chúng ta không nhất thiết đều phải giống những mũi nhọn hiện nay của các nước tiên tiến do những hạn chế về cơ sở hạ tầng, vốn và nhất là nguồn nhân lực. Những mũi nhọn mà chúng ta tập trung phải là một sự kết hợp hợp lý giữa công nghệ cao, công nghệ bậc trung và công nghệ thấp. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành chức năng trước mắt phải dành thời gian và một phần kinh phí thỏa đáng cho việc nghiên cứu, hoạch định phương án hoạt động KH&CN, kế hoạch triển khai, tính toán kinh phí cho từng giai đoạn phát triển để thông qua Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia trước khi trình Chính phủ quyết định.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là, Nhà nước hiện nay dường như vẫn còn chú trọng vào "kích cung" nhiều hơn "kích cầu", nhưng theo tôi, "kích cầu" cũng cực kỳ quan trọng để thúc đẩy cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp thu công nghệ trong nước. Thực chất "kích cung" và "kích cầu" không thể tách rời nhau vì cái này tạo điều kiện cho cái kia phát triển, cái kia từng bước nâng cái này lên ở mức độ cao hơn, phong phú hơn. Muốn đẩy mạnh "cầu" cần giải phóng gấp và triệt để những rào cản đang có để các doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh, chuẩn bị cho việc gia nhập WTO. Cạnh tranh luôn luôn đi đôi với sáng tạo, lúc đó, sản xuất kinh doanh bắt buộc phải liên kết với nghiên cứu. Các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ có đất dụng võ.
Các tổ chức KH&CN phải đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải tham gia ngay từ đầu vào triển khai nghiên cứu, có như thế thì mới yểm trợ đắc lực cho nghiên cứu, sớm đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng. Lúc đó, chuyển giao công nghệ mới có thể được thực hiện trực tiếp giữa nhà nghiên cứu và nhà doanh nghiệp, đạt hiệu quả cao, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tính pháp lý.
Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tự túc để nghiên cứu quy trình chế tạo nước tương không chứa chất độc 3-cloro-1,2-propandiol (3-MCPD) và đã sớm chuyển giao quy trình này cho một xí nghiệp sản xuất nước tương tại thành phố Hồ Chí Minh để cùng nhau hợp tác ngay từ giai đoạn sản xuất thử. Một số công ty khác cũng đã tiếp cận chúng tôi để nhờ giải quyết giúp những bài toán về chất lượng hàng xuất khẩu. Một công ty sẵn sàng đầu tư cho chúng tôi một thiết bị nghiên cứu khoảng hai tỷ đồng để thực hiện các yêu cầu cụ thể của công ty. Điều đáng mừng nữa là đã có cơ sở sản xuất đề nghị với chúng tôi về phương thức nghiên cứu. Đó là những tín hiệu lạc quan rất đáng trân trọng từ phía các nhà sản xuất kinh doanh.
Tin rằng với cơ chế, chính sách đúng, giải phóng được những rào cản còn bất hợp lý trong đào tạo, nghiên cứu, sản xuất kinh doanh, KH&CN sẽ ngày càng đóng góp nhiều hơn vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.
Nguồn: tchdkh.org.vn