ĐBSCL: Hiệu quả đào tạo và sử dụng nhân lực thấp
Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Phát triển bền vững giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long” do Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức mới đây.
GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, cho biết thêm, dù đây là nơi đóng góp chủ lực vào lượng lúa gạo xuất khẩu cũng như dự trữ lương thực quốc gia nhưng tài sản trung bình của người dân trong vùng lại thuộc hàng thấp nhất nước, so sánh được với vùng Tây Bắc. Nhiều trường hợp “trải thảm” thu hút cán bộ khoa học về nhưng lại không có việc để sử dụng. Ngay cả sinh viên, trong đó có con em lãnh đạo địa phương học xong cũng trụ lại làm việc tại các thành phố lớn mà không về tỉnh, một phần do không có công việc phù hợp, một phần vì chính sách đãi ngộ. Trong khi đó, mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp không hợp lý, tỉnh nào cũng muốn có trường đại học riêng mà không chú ý đến lực lượng con người, cơ sở vật chất lẫn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo chưa cao, không có kế hoạch phát triển ngắn hạn và dài hạn dựa trên đặc điểm từng địa phương; có nơi, lãnh đạo còn quan cách với cán bộ cấp dưới của mình, chỉ lắng nghe ý kiến cấp trên hoặc cán bộ nơi khác; thiếu tầm nhìn bao quát, chiến lược chưa thấy hết vai trò khoa học công nghệ. Trong chính sách đãi ngộ thì chỉ chú trọng phần vật chất (bao nhiêu là đủ ?) mà quên đi môi trường làm việc, ...
Trong những năm đổi mới, đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển vượt bậc và đạt những thành tựu to lớn. Người dân vùng đất này đang từng bước khẳng định được sức mạnh nội tại, góp phần đưa vùng đất giàu truyền thống cách mạng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, như nhận xét của PGS.TS. Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho đến nay, đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn là vùng "trũng" về học vấn và mức sống. Đây là một thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của vùng.
PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Trưởng bộ môn Chính trị học, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM,chỉ ra nghịch lý:ĐBSCL là "vựa lúa lớn nhất, vựa thủy sản nhiều nhất, vựa trái cây phong phú nhất, đồng thời là nơi có kết cấu hạ tầng yếu nhất, trình độ học vấn thấp nhất, điều kiện ăn ở sinh hoạt tồi nhất, an sinh xã hội kém nhất..." so với cả nước. Riêng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, ĐBSCLđã bộc lộ sự tụt hậu khá xa so với mức bình quân cả nước. Cụ thể là, tỷ lệ phổ cập giáo dục phổ thông của lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên: số chưa đến trường chiếm 7,8% (cả nước là 6%), không có bằng cấp chiếm 26,6% (cả nước là 12,3%), tốt nghiệp tiểu học chiếm 32,1% (cả nước là 22,7%), tốt nghiệp THCS chiếm 17% (cả nước là 27,1%), tốt nghiệp THPT chiếm 7,9% (cả nước là 14%). Những số liệu trên cho thấy,ĐBSCL không chỉ tụt hậu về tri thức so với mức bình quân của cả nước, mà còn thể hiện rõ sự phát triển thiếu đồng bộ và chưa bền vững trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của toàn vùng.
ThS. Hà Thị Thùy Dương (giảng viên Học viện Chính trị khu vực IV) chỉ ra sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo nhân lực tại ĐBSCL. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, chỉ khoảng 10% sinh viên vùng ĐBSCL theo học ĐH các ngành nông nghiệp, thủy sản và trên 5% bậc CĐ. Trong khi đó, có đến 30% sinh viên theo học các ngành kinh tế, 20% các ngành kỹ thuật công nghệ. “Trong khi số lượng sinh viên của vùng còn ít, việc đào tạo mất cân đối như vậy dẫn đến không đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực thực tế. Chưa kể sinh viên các ngành khác lại thất nghiệp” - ThS. Hà Thị Thùy Dương đánh giá.
Gắn đào tạo với thực tiễn
Để khắc phục tình trạng trên, GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao đề nghị, nên xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng, với mũi nhọn là nông nghiệp và thủy hải sản. Phối hợp giữa các tỉnh trong vùng, khai thác thế mạnh từng tỉnh, không nên mọi thứ tỉnh nào cũng phải có. Tập hợp khai thác lực lượng sẵn có và thu hút từ nơi khác đến (kể cả Việt kiều) trong những lĩnh vực địa phương cần, nhưng không tràn lan, chạy theo phong trào, không chạy theo bằng cấp cao. Nhân lực có thể sử dụng chung, không nên giới hạn trong từng tỉnh. Đào tạo cán bộ trẻ trong và ngoài nước, dự kiến trước công việc làm khi tốt nghiệp, hướng nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các đơn vị khoa học theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhập thiết bị khoa học có chọn lọc, đồng thời huấn luyện cán bộ khai thác thiết bị (tránh nhập theo phong trào các thiết bị "tiên tiến nhất" rồi để trùm mền)
Về khai thác, sử dụng nhân lực, các địa phương cần có chính sách đãi ngộ cụ thể như vấn đề lương, thưởng (công chức và tư nhân), môi trường làm việc thuận lợi (tạo tự do tối đa và hạn chế thấp nhất các thủ tục hành chính) . Vấn đề đối xử, lắng nghe của lãnh đạo, đồng nghiệp, xã hội . . . cũng rất quan trọng. Bởi cách đối xử đối với những người đương nhiệm tại địa phương ảnh hưởng lớn đến việc thu hút nhân tài từ nơi khác đến, cũng như quyết định sự trở về của lực lượng cán bộ trẻ đang được đào tạo trong và ngoài nước.