Dấu tích căn cứ địa Vạn Kiếp trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên
Với nhãn quan chính trị sâu sắc, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đã sớm nhận thấy Vạn Kiếp là trận đồ chiến lược “tiền công, hậu thủ vững chắc”. Việc giấu quân, mai phục và đánh úp đều tiện lợi, vì thế khu vực Vạn Kiếp đã trở thành một quân doanh cực kỳ quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288). Tại đây, Trần Hưng Đạo đã cho xây dựng hệ thống các công trình với nhiều phân khu và chức năng khác nhau như: trung tâm chỉ huy, hệ thống kho tàng, hậu cần, khu vực hành chính, khu vực sản xuất… Những dấu tích hiện tồn ở Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã chứng minh điều đó.
Trung tâm chỉ huy
Thung Trong (Từ Cũ) nằm trong thung lũng sau dãy núi Trán Rồng. Đây là trung tâm đại bản doanh của phòng tuyến Vạn Kiếp, nơi Trần Hưng Đạo và bộ chỉ huy quân sự nhà Trần từng đồn trú. Những hiện vật phát hiện trong cuộc khai quật năm 2000 tại đây đã chứng minh: “Việc phát hiện ra bờ kè, dấu tích nền bếp và đường ống thoát nước ở nền giữa di tích Từ Cũ, chứng tỏ sự tồn tại của lớp kiến trúc và cư trú cổ mà theo truyền thuyết còn lưu truyền trong nhân dân là phủ đệ của Trần Hưng Đạo thời kỳ đầu, sống và lãnh đạo kháng chiến chống quân Nguyên tại đây” (1).
Hành Cung nằm trên cánh đồng Vạn Yên, phía bắc là ngòi Mô; phía nam là núi Quy (núi Cây Sống); phía tây giáp với sông Vang, Xưởng Thuyền, xóm Hống; phía nam là sông Vang và Sinh Từ. Đây là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Trần Hưng Đạo và các vương hầu quý tộc triều Trần mỗi khi về thăm Vạn Kiếp. Kết quả khảo cổ học cho thấy, khu vực Hành Cung còn nhiều dấu tích kiến trúc từ thế kỷ XIII, XIV như: hệ thống nền móng các công trình, hệ thống ống thoát nước bằng đất nung cỡ lớn cùng gạch ngói, đồ gốm sứ cao cấp…
Hệ thống kho tàng, binh xưởng
Hang Tiền nằm dưới chân núi Bắc Đẩu, cách đền Kiếp Bạc 500m về phía Bắc. Tương truyền, Hang Tiền là nơi để ngân khố của phủ đệ Vạn Kiếp. Tại đây còn dấu tích các vòm hầm đào vào núi cao 1,5m, rộng 1,3m. Hiện vật thu được ở đây qua việc đào thám sát khảo cổ là tiền đồng có niên hiệu Nguyên Phong thông bảo và khuôn đúc thời Trần.
Hố Thóc thuộc địa phận xã Lê Lợi (thị xã Chí Linh), cách đền Kiếp Bạc 2km về phía đông nam. Tương truyền, đây là nơi cất giấu lương thực của đại bản doanh Vạn Kiếp trong thời kỳ kháng chiến chống Mông Nguyên. Lương thực tại các vùng lân cận được vận chuyển theo ngòi Mô về Hố Thóc cất giấu và dự trữ. Kết quả khai quật khảo cổ học ở Hố Thóc “đã xác định rõ dấu vết thóc cháy kết dính thành tảng lớn, nhỏ. Qua địa tầng ổn định, tầng văn hoá dày từ 15-85cm với dấu tích bếp đun là than, tro bếp lửa cùng một số ít hiện vật gốm, sứ, công cụ sắt… đã chứng minh sự tồn tại của một kho chứa quân lương được dân gian lưu truyền. Thóc tìm thấy trong hố thám sát đều là thóc cháy, hiện tượng này có thể phản ánh kế hoạch “vườn không nhà trống” nên kho thóc được tiêu hủy toàn bộ” (2).
Sông Vang- Xưởng Thuyền nằm trên cánh đồng Vạn Yên cách đền Kiếp Bạc 1.000m về phía Bắc. Sông Vang là đường giao thông thuỷ quan trọng nối trung tâm Đại bản doanh (Thung Trong) với Lục Đầu Giang và ngòi Mô. Trần Hưng Đạo đã cho xây dựng Xưởng Thuyền để đóng, sửa chữa và cất giấu thuyền chiến. Ngoài ra, một sóc hạng mục công trình quân sự khác cũng được xây dựng hai bên bờ sông, như: Trại lính, Cửa Khẩu, Ao vải, Lò gốm…
Khu vực sản xuất
Di tích xóm Hống - Trạm Điền nằm trên cánh đồng Vạn Yên, cách đền Kiếp Bạc 500m về phía bắc. Thông qua kết quả khai quật khảo cổ học đã đánh giá, khu sản xuất gốm sứ này tồn tại trong một thời gian dài (từ thế kỷ XII, XIV đến thế kỷ XVI) mà trung tâm là xóm Hống - Trạm Điền.
Vườn thuốc Dược Sơn nằm ở phía nam đền Kiếp Bạc. Trước khi cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ hai (1285) diễn ra, Trần Hưng Đạo đã sai Phạm Ngũ Lão trồng vườn thuốc nam trên núi Nam Tào để chữa bệnh trị thương cho quân sĩ (nên gọi là Dược Sơn, tức núi thuốc). Sách Lịch sử Việt Nam viết: “Từ thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn và Thái y viện nhà Trần đã coi trọng việc sử dụng các cây thuốc trong nước để chữa bệnh cho nhân dân và vết thương cho quân lính. Tại Vạn Kiếp, Quốc Tuấn gây dựng được một khu vực trồng cây thuốc khá rộng (ngọn núi đó đến nay vẫn mang tên là Dược Sơn)” (3).
Ao Cháo nằm cách đền Kiếp Bạch 500m về phía đông. Tương truyền Trần Hưng Đạo đã cho khơi nguồn đón nước từ hố Máng Nước về nấu cháo dưỡng thương cho binh lính nên có tên là Ao Cháo. Hiện nay, sát chân núi Trán Rồng, Ao Cháo 20m về phía đông bắc còn một giếng cổ được kè bằng đá hình tròn, đường kính 1,3m, sâu khoảng 2,5m nước rất trong, không bao giờ cạn, đây chính là nguồn nước dẫn ra Ao Cháo.
Khu vực hậu cần
Khu vực hậu cần Trung Quê thuộc địa phận xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, cách khu di tích Kiếp Bạc 3km về phía Tây. Đây là căn cứ hậu cần đặc biệt quan trọng của phòng tuyến quân sự Vạn Kiếp do Trần Hưng Đạo và phu nhân là Thiên Thành công chúa xây dựng. Trung Quê và các làng xóm quanh vùng như: Lương Quan, Thanh Tảo, An Mô, Chi Ngái... được xây dựng thành căn cứ hậu cần lớn, vừa sản xuất vừa dự trữ lương thực cho đại bản doanh Vạn Kiếp. Hiện nay, tại khu vực này còn tồn tại nhiều dấu tích, như Bãi Thảo, Hố Lợn, Nghè Dím, Vườn Chuối, làng Gạo...
Đền Trung Quê thuộc làng Trung Quê, xã Lê Lợi. Đền thờ Đức Quốc mẫu Thiên Thành công chúa và con trai là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn. Trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, Thiên Thành công chúa được giao phụ trach lương thảo phục vụ kháng chiến. Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn được cử về Trung Quê để giúp thân mẫu đắp đập ngăn nước, khai phá rừng mở rộng sản xuất. Sau khi mất, nhân dân đã lập đền thờ để phụng thờ hai mẹ con bà.
Bên cạnh đó là các dấu tích: Nghè Hổ nằm ở làng Trung Quê, thờ nữ danh nhân (không rõ danh tính), có công giúp Quốc mẫu cai quản khu đồng Mả Măng, Thấp Vun, Bãi Tàn, Bãi Quạt. Am Chúa Bà (thờ người phụ nữ có công trông giữ kho lương của Trần Hưng Đạo, dân gian gọi là Bà Lan) và Nghè Lẫm (thờ quan giữ kho quân lương của nhà Trần) đều được dựng vào thế kỷ XIII. Bãi Thảo thuộc xã Bắc An (thị xã Chí Linh) là nơi tập kết lương thảo từ Hố Thóc chuyển về khu vực luyện quân ở Suối Mỡ (Bắc Giang) theo đường sông Vang. Hố Lợn là nơi Đức Quốc mẫu thả lợn. Đền Dím nằm ở sườn núi Nghè, thuộc làng Thanh Tảo (xã Lê Lợi), là nơi thờ đức vua Bà - người phụ nữ trông coi lương thực trong căn cứ Vạn Kiếp. Làng Gạo thuộc xã Lê Lợi, là nơi có những cánh đồng lúa xanh tươi màu mỡ. Sau khi thu hoạch, thóc lúa từ các vùng lân cận đều tập trung về đây để xay, giã trước khi chuyển đến các khu vực khác, tạo thành kho gạo rất lớn nên có tên gọi là làng Gạo.
Ngoài ra, xung quanh còn dấu tích của trại nuôi trâu ở làng Mo, nuôi bò ở làng Ngái, trồng chuối ở xã Lê Lợi...
Khu vực luyện quân
Địa điểm luyện quân của Trần Hưng Đạo nằm ở khu vực núi Huyền Đinh, xã Nghĩa Phương (Lục Nam , Bắc Giang) và xã Hoa Thám, xã Bắc An (thị xã Chí Linh). Hiện nay, địa điểm đóng quân của Trần Hưng Đạo còn được phản ánh qua: Đền Trần, tương truyền là nơi đóng quân của Trần Hưng Đạo và ngày nay là đền thờ Đức Thánh Trần rất linh thiêng. Suối Mỡ thuộc xã Nghĩa Phương (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hố Chuối chảy quanh co trong thung lũng núi Huyền Đinh – Yên Tử, rồi xuôi dòng lòng suối lớn dần. Thượng nguồn suối Mỡ từng nổi tiếng là một khu chiến ải trong lịch sử chống quân Mông Nguyên. Theo con đường này, có khu Ba Dinh Bẩy Nền, Đền Trần, bãi Quần Ngựa, Đấu Đong quân, Suối Đá mài gươm, Thao Trường luyện kiếm... đều là những dấu tích liên quan đến việc Trần Hưng Đạo luyện quân đánh giặc. Đấu Đong quân, tương truyền, sau mỗi trận đánh, Trần Hưng Đạo cho dồn quân xuống một hố rộng để nắm được số lượng quân sĩ đã hy sinh, nên nhân dân trong vùng gọi địa danh này là Đấu Đong quân. Bãi Quần Ngựa, theo người dân thì đó là nơi tập ngựa của quân sĩ nhà Trần. Hồ Bến Tắm là hồ nước tự nhiên rộngchừng 900ha, thuộc xã Hoa Thám và phường Bến Tắm (thị xã Chí Linh). Tương truyền sau khi luyện tập xong, quân lính nhà Trần thường ra hồ để tắm nên gọi là Hồ Bến Tắm.
Qua những dấu tích của vật chất trên, chúng ta có thể hình dung về không gian của căn cứ Vạn Kiếp: Trục ngang Tây bắc – đông nam kéo dài từ ngã ba Nhãn qua Phả lại đến cửa bến Đại Than. Trục dọc đông bắc – tây nam kéo dài từ Lê Lợi, Bắc An (thị xã Chí Linh) đến dãy núi Huyền Đinh (Bắc Giang) hiện nay. Căn cứ địa Vạn Kiếp đã góp một phần quan trọng vào chiến thắng oanh liệt của quân và dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược thế kỷ XIII:
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh
Dịch là:
Ngọn núi nào ở Vạn Kiếp cũng âm vang tiếng hò reo giết giặc
Không có giọt nước nào ở sông Lục Đầu không rên rỉ tiếng kêu than (của quân giặc bị chết trận).
Chú thích:
(1). Nguyễn Tuấn Lâm, Nguyễn Quốc Hữu , Đào thám sát di tích Từ Cũ(xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), tài liệu Viện Khảo cổ học, tr.345.
(2). Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Quốc Hữu, Nguyễn Tuấn Lâm, Nguyễn Hồng Quang, Báo cáo điều tra thám sát khảo cổ học khu di tích Kiếp Bạctháng 7-2000, Tài liệu Viện khảo cổ học, tr.34.
(3). Lịch sử Việt Nam, T.1, Nxb. Khoa học Xã hội, hn, 1971, tr.218