- Năm 2005 có thêm 2 cơ sở đào tạo ThS và 4 cơ sở đào tạo TS được mở. Hiện nay, tổng số cơ sở đào tạo sau đại học trong cả nước là 155, bao gồm 85 trường đại học và học viện, 70 viện nghiên cứu, trong đó có 127 cơ sở đào tạo TS. - Từ năm 1977 đến 2005, các cơ sở đào tạo sau đại học đã đào tạo và cấp bằng phó TS, TS cho 8.383 NCS. Trong đó, khối khoa học xã hội (cả kinh tế) chiếm 43%, khối khoa học tự nhiên 18%, khối khoa học kỹ thuật 11%, y dược 16%, nông - lâm - ngư 9%, khoa học quân sự 3%. Nguồn: Bộ GDĐT Nhiều đề tài vô bổ Ngay từ khâu đầu tiên - xác định đề tài nghiên cứu của NCS - đã có vấn đề: "Còn bất cập, chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển của ngành khoa học". Rất nhiều đề tài NCS quá rộng, quá chung chung hoặc còn nhỏ hẹp cả về không gian, thời gian, mức độ khái quát của vấn đề đến nhiệm vụ đặt ra. Nhiều đề tài không hợp lý, không cụ thể làm cho kết quả nghiên cứu cần đạt được không rõ ràng. Những điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như tầm cỡ của một luận án TS. PGS-TS Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia HN - đã phải kêu lên: "Mọi người cứ hay nói là nhiều đề tài hàn lâm quá, không mang tính thực tiễn. Nhưng thực tế, phải nói là nhiều đề tài vô bổ quá, chứ được là hàn lâm thì đã tốt". Đa số luận án thuộc lĩnh vực kinh tế, quản lý, chính trị, tâm lý - giáo dục có những kết luận, giải pháp chung chung, không bao giờ sai nhưng cũng không có gì mới.
Tuyển theo "lượng" Năm 2003, Nhà nước giao chỉ tiêu đào tạo TS cho cả nước là 1.400 người (tăng gần 17% so với năm 2002), tuy nhiên cuối cùng các trường chỉ tuyển được 1.215 NCS, đạt 81% chỉ tiêu được giao. Năm 2004 chỉ tiêu đào tạo TS lại tiếp tục được tăng lên 1.500 (tăng 7,14% so với năm 2003). Năm 2005, rốt cuộc các cơ sở đào tạo cũng chỉ tuyển được 1.385 NCS. Trong chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010, quy mô đào tạo sau đại học tăng dần do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, có thể thấy rằng Bộ GDĐT đã quá "lạc quan" đề ra những chỉ tiêu đó, và qua mỗi năm, dường như các chỉ tiêu này đang tiến gần tới sự "bất khả thi". Bộ GDĐT lại phải công nhận: "Một số cơ sở đào tạo trong tuyển sinh còn chạy theo số lượng, chưa chú trọng tới chất lượng tuyển chọn; tổ chức thi tuyển sinh chưa nghiêm, chưa ngăn chặn được các hiện tượng vi phạm trong thi cử; các điều kiện dự tuyển được xử lý mang tính chất đối phó với quy chế để tuyển đủ chỉ tiêu, mà chưa hướng tới chất lượng thực sự, đặc biệt trong việc đánh giá các công trình đã công bố và đề cương nghiên cứu của thí sinh NCS". Hạn chế "đồng bộ" Một loạt hạn chế từ quá trình tuyển sinh, chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo đến đội ngũ giảng viên và công tác quản lý đào tạo đã được Bộ GDĐT thừa nhận. Nội dung các chuyên đề TS chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra, chưa đạt được hiệu quả trong việc nâng cao kiến thức chuyên ngành hẹp, cập nhật cho NCS cũng như giúp NCS giải quyết các vấn đề của đề tài nghiên cứu. Nguyên nhân chính của tình trạng này là vai trò và hoạt động chuyên môn của hội đồng khoa học trường, khoa và đặc biệt là bộ môn chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa có kế hoạch thường xuyên đổi mới nội dung và cập nhật kiến thức mới trong đào tạo TS, ThS... Do đó mà nội dung giảng dạy, nghiên cứu đang ngày càng trở nên lạc hậu, không đáp ứng nổi yêu cầu trong nước, chứ chưa nói đến việc hội nhập quốc tế.
"Tiếp tay" cho việc ra đời những "tiến sĩ giấy" lại là những người có nhiệm vụ "gác cửa" - hội đồng đánh giá luận án. Bộ có biết, mà chẳng làm gì được: "Việc thành lập hội đồng chưa thật chú trọng tới chất lượng chuyên môn của thành viên hội đồng như chuyên môn sâu, sự am hiểu sâu sắc vấn đề nghiên cứu, tính thời sự và khả năng hoạt động nghiên cứu hiện tại. Một số hội đồng thường tập trung vào một số người quen thuộc, ôn hoà, mềm mỏng, tránh các thầy có "góc cạnh" hay "nhiều ý kiến", khiến cho buổi bảo vệ luận văn, luận án trở nên hình thức, không đánh giá đúng thực chất của luận văn, luận án". Lê Hạnh
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bành Tiến Long:Có những luận án phải yêu cầu viết lại về những kết luận mới của đề tài, nhưng viết tới 4-5 lần mà vẫn không có gì khác bởi nội dung của luận án không có gì mới. Khá nhiều NCS hầu như không có mặt tại cơ sở đào tạo, không tham gia các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, sinh hoạt chuyên môn học thuật của bộ môn; không có sự kiểm soát, đánh giá thường xuyên về tiến độ thực hiện đề tài, khả năng thực thi luận án, kế hoạch nghiên cứu và triển vọng của đề tài để có cơ sở phân loại và sàng lọc NCS trong quá trình đào tạo, do đó việc hoàn thành luận án, bảo vệ luận án mang nặng tính hành chính, mất đi tính học thuật cần thiết. Đây là khâu quan trọng nhất quyết định chất lượng của một luận án tiến sĩ, nhưng hầu như bị thả nổi".
GS-TS Phạm Thế Long - Học viện Kỹ thuật quân sự:Hiện nay, các cơ sở đào tạo rất lúng túng trong việc đánh giá NCS. Các cơ sở đào tạo có thể đình chỉ việc học của NCS, nhưng hầu như chưa có nơi nào thực hiện vì có nhiều yếu tố xã hội. Vì thế, không thể hành chính hoá việc đánh giá NCS, mà phải đề ra một quy trình thích hợp. Học viện đã 20 năm đào tạo NCS, tuy nhiên không ít băn khoăn về chất lượng đào tạo. Việc chấp hành quy chế khá nghiêm túc, nhưng chưa hẳn đã đem lại chất lượng mong muốn. Học viện đã đào tạo hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng có thể thấy số người được điểm 7 bảo vệ luận án chỉ đếm trên đầu ngón tay.
PGS-TS Lê Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ:Có lần, tôi dự định mời những cán bộ trong trường có bằng tiến sĩ xuất sắc để khen thưởng. Cán bộ trình lên, tôi ngạc nhiên khi danh sách lên đến hơn 40 người. Hỏi ra mới biết, những người bảo vệ luận án tiến sĩ ở VN hiếm khi dưới điểm 9. Trong khi đó, tại một số nước Châu Âu, điểm bảo vệ luận án phần nhiều là 7, 8, những NCS đạt trên 8 được cấp bằng tiến sĩ danh dự rất hiếm. Chúng ta cần quy định khung đánh giá luận án. Ví dụ, có khung đánh giá những luận án từ 6-8 điểm, đối với những luận án đạt từ 9 điểm trở lên có thể thành lập hội đồng thẩm định để xem xét luận án có thực sự xuất sắc hay không. Tôi đề nghị phải thành lập hội đồng phản biện kín, gồm 4-5 người, để đảm bảo độ khách quan. H.Ng ghi |
Nguồn: laodong.com.vn |