Đào tạo theo CDIO: từ thí điểm đến đại trà
Qua 5 năm triển khai, ĐHQG-HCM đã tổ chức trên 50 khóa tập huấn về CDIO và phát triển chương trình do chuyên gia từ Hiệp hội CDIO Thế giới, Hiệp hội CDIO khu vực Châu Á, và chuyên gia của ĐHQG-HCM thực hiện. Có trên 2.400 lượt giảng viên, cán bộ được bồi dưỡng về kỹ năng CDIO, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thiết kế và phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra, cung cấp trải nghiệm học tích hợp kỹ năng với kiến thức, áp dụng phương pháp học chủ động và học trải nghiệm, đặc biệt là đánh giá sinh viên dựa trên chuẩn đầu ra. Không gian thực hành CDIO, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên được tăng cường đầu tư tại tất cả các trường tham gia triển khai chương trình.Quy mô sinh viên được thụ hưởng các chương trình CDIO cũng tăng dần theo từng năm. Đến năm 2014, ĐHQG-HCM có trên 8.000 sinh viên được học chương trình CDIO, trên 36.000 lượt sinh viên được học các môn học CDIO.
ĐHQG-HCM đã chủ trì, tham gia nhiều hội thảo, hội nghị về CDIO trong nước và quốc tế trong suốt các năm qua với 15 báo cáo khoa học tham gia hội nghị quốc tế, trên 50 báo cáo tham gia các hội nghị, hội thảo CDIO toàn quốc. Đã có 5 quyển sách hướng dẫn áp dụng CDIO, hướng dẫn thiết kế và phát triển chương trình đáp ứng chuẩn đầu ra được ĐHQG-HCM xuất bản, thu hút sự quan tâm của nhiều trường ĐH trên cả nước.
Từ thực tiễn áp dụng CDIO ở hơn 100 trường ĐH trên thế giới và các trường ĐH ở Việt Nam, Ban chủ nhiệm Đề án CDIO ĐHQG-HCM cho biết, phương pháp tiếp cận CDIO cung cấp các giải pháp thiết kế và phát triển chương trình giáo dục một cách toàn diện, theo cách thức có hệ thống và không bắt buộc, nên các trường ĐH hoàn toàn có thể tiếp nhận và áp dụng thích ứng theo nhu cầu và điều kiện riêng của mình. Là khung chuẩn cấu trúc mở, phương pháp tiếp cận CDIO không chỉ có thể áp dụng cho các ngành kỹ thuật mà đã được áp dụng thích ứng cho nhiều ngành đào tạo khác nhau.
Tại đại học bách khoa, khoa cơ khí là đơn vịđầu tiên của trường áp dụng phương pháp giảng dạy theo mô hình CDIO từ năm 2009 và đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác đào tạo. Bắt đầu từ năm học học 2014 – 2015, mô hình CDIO đã được áp dụng trong toàn Trường đại học bách khoa. Ngày hội kỹ thuật là một phần trong các hoạt động của CDIO, được tổ chức hàng năm,từ 2011. Đây vừa là sân chơi, vừa là môi trường học tập giúp sinh viên tiếp cận với những phương pháp chủ động, tích cực, tải nghiệm và sáng tạo. Năm nay, ngày hội đã thu hút hơn 700 sinh viên của khoa dự thi 134 đề tài, mô hình thiết kế dựa trên các kiến thức từ các môn học: nhập môn kỹ thuật, đồ án chi tiết máy, kỹ thuật chế tạo.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc, trưởng khoa cơ khí: “Sinh viên vẫn học kiến thức tổng quát về ngành nghề kỹ thuật, nhưngthay vì làm các đồ án theo đề bài truyền thống, sinh viên phải thực hiện một số đồ án theo nhóm với mục tiêu hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện ra các thành phẩm đưa vào vận hành trong cuộc sống. Sau 4 năm theo học, sinh viên sẽ có kinh nghiệm trong việc chế tạo ra các sản phẩm, khi ra trường nhanh chóng hòa nhập và sẵn sàng làm việc tại các doanh nghiệp”.