Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 02/03/2012 22:38 (GMT+7)

Đào tạo nâng cao năng lực quản lý đô thị để kiểm soát sự phát triển

Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính sách đổi mới của Nhà nước, quá trình thay đổi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đã tạo điều kiện cho các đô thị ở Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các đô thị Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn như:

- Sự tăng trưởng về dân số dẫn đến sự quá tải, xuống cấp của hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị.

- Tình trạng xây dựng lộn xộn không có giấy phép, khai thác và sử dụng đất đô thị kém hiệu quả, không theo quy hoạch đang diễn ra tại nhiều đô thị.

- Môi trường văn hóa, xã hội và tự nhiên của các đô thị đang phải chịu một sức ép lớn, đặc biệt chất lượng môi trường tại nhiều đô thị đang xuống cấp, suy thoái…

Chính vì vậy, chính quyền các đô thị, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng đô thị, quản lý đô thị đang đối mặt với những thách thức trên. Vấn đề được đặt ra là: Làm thế nào kiểm soát sự phát triển của các đô thị, trong bối cảnh các đô thị phát triển nhanh chóng, trong khi nhiều cán bộ phụ trách công tác đô thị lại chưa được đào tạo về lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị, nhiều nhà chuyên môn ở địa phương, tốt nghiệp đại học khá lâu, chưa được đào tạo lại để bổ sung, cập nhật những kiến thức, thông tin mới phục vụ công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Vì vậy, vấn đề nâng cao năng lực cho chính quyền, các nhà chuyên môn tại địa phương là vấn đề trở nên bức bách. Việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về quy hoạch và quản lý đô thị là giải pháp quan trọng có hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.

Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến những vấn đề chính sau:

* Phân tích, đánh giá và xác định giữa cung và nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực ở các đô thị.

* Xác định nội dung các chủ đề chính mà các đô thị đang có yêu cầu đào tạo.

* Các giải pháp nhằm nâng cao năng lực chính quyền đô thị.

Xác định năng lực đào tạo và nhu cầu nâng cao năng lực cán bộ quản lý đô thị

Năng lực đào tạo và nhu cầu thực tiễn

Việt Nam hiện có tổng số 755 đô thị, trong đó có hai đô thị đặc biệt, mười đô thị loại I, mười hai đô thị loại II, 94 đô thị trung bình (loại III, IV-quy mô dân số 5-25 vạn người) hầu hết là các thành phố, thị xã tỉnh lỵ; 16 đô thị là thị xã thuộc tỉnh, quy mô dân số < 50.000 dân song do tính chất chức năng cũng có thể coi là đô thị trung bình nhỏ và 630 đô thị nhỏ (đô thị loại V hầu hết là thị trấn).

Việc đào tạo chuyên ngành quy hoạch và quản lý đô thị chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Hiện ở Việt Nam , chỉ có 3 trường đại học đào tạo kiến trúc sư quy hoạch: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng và Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. Một số trường đại học dân lập đào tạo kiến trúc sư diện rộng. Và hiện chỉ có trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đào tạo cao học chuyên ngành quản lý đô thị.

Phần lớn các kiến trúc sư quy hoạch hiện công tác tại các đô thị (trừ 2 đô thị đặc biệt), đặc biệt là các đô thị loại vừa và nhỏ ít có điều kiện tham dự các khóa đào tạo sau đại học, các khóa bồi dưỡng ngắn hạn và các khóa đào tạo lại. Từ năm 2005, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đào tạo hệ đại học chính quy chuyên ngành Quản lý xây dựng đô thị với quy mô 100SV/năm, so với nhu cầu còn là quá ít.

Các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại chuyên ngành quy hoạch và quản lý đô thị tổ chức còn ít, chủ yếu các khóa này được tổ chức tại một vài đô thị trong khuôn khổ các dự án, do các tổ chức quốc tế tài trợ. Do điều kiện kinh phí có hạn của dự án, nên số lượng học viên tham gia còn rất hạn chế. Học viên chủ yếu là các cán bộ chuyên môn, đang công tác tại các sở, ban, ngành của các địa phương.

Các cán bộ làm công tác quản lý đô thị như: lãnh đạo các tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường do bận công tác thường ít có điều kiện tham dự các khóa đào tạo. Hiện Nhà nước đã từng bước giao quyền hạn, trách nhiệm quản lý đô thị cho chính quyền các địa phương. Song, tại nhiều đô thị, cán bộ quản lý không được đào tạo chính quy, thiếu những kiến thức cơ bản về quy hoạch và quản lý đô thị. Phần lớn đều mong muốn tổ chức các khóa đào tạo tại địa phương, song do nguồn ngân sách hạn hẹp của địa phương nên không có kinh phí để triển khai.

Việc huy động cộng đồng dân cư đô thị, các tổ chức đoàn thể, khu vực tư nhân tham gia vào quá trình quy hoạch và quản lý đô thị là xu hướng tất yếu và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này còn khá mới mẻ đối với các đô thị Việt Nam . Các đô thị, các cơ quan chuyên môn còn đang lúng túng về cách tiếp cận với xu hướng này, nên cần trang bị những kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Thực tiễn đã chứng minh hiệu quả to lớn của công tác đào tạo với đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các cán bộ chuyên môn càng cần được cập nhật những thông tin mới, bổ sung những kiến thức mới.

Chính vì vậy, nhiều đối tượng có nhu cầu đào tạo như:

Các nhà lãnh đạo (chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường); các nhà chuyên môn đang công tác tại các cơ quan có chức năng quản lý và phát triển đô thị (quản lý, tư vấn…); Các kiến trúc sư công tác tại Viện nghiên cứu, thiết kế; các cán bộ chuyên môn tại các cơ quan quản lý tài nguyên (Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường…).

Nội dung và chương trình đào tạo

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên, trong thời gian tới có thể tổ chức hai loại khóa đào tạo:

* Khóa đào tạo ngắn hạn: “Quản lý Nhà nước vê đô thị” cho cán bộ lãnh đạo cấp thành phố thuộc tỉnh.

* Khóa đào tạo ngắn hạn: “Quản lý Nhà nước về đô thị” cho lãnh đạo cấp phường, thị trấn.

Đối với khóa đào tạo dành cho cán bộ lãnh đạo cấp thành phố, thị xã thuộc tỉnh, tập trung vào các nội dung chính sau:

- Quản lý hành chính Nhà nước về đô thị.

- Chiến lược phát triển đô thị quốc gia.

- Quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị.

- Quản lý đất đai và bất động sản đô thị.

- Quản lý di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị.

- Quản lý cơ sở hạ tầng xã hội.

- Quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị.

- Quản lý môi trường đô thị.

Đối với khóa đào tạo dành cho cán bộ lãnh đạo cấp phường, thị trấn cần tập trung vào các nội dung chính sau:

- Hệ thống quản lý hành chính Nhà nước.

- Giới thiệu văn bản, pháp quy Nhà nước về quản lý đô thị.

- Quản lý quy hoạch xây dựng đô thị.

- Quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng và đất đai, nhà ở đô thị.

- Quản lý vệ sinh môi trường đô thị.

- Giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn về quản lý đô thị của một số đô thị Việt Nam .

Giải pháp nâng cao năng lực chính quyền đô thị trong quy hoạch và quản lý đô thị

Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy có nhiều loại hình nâng cao năng lực chính quyền đô thị trong quá trình kiểm soát, phát triển đô thị như:

* Đào tạo một cách hệ thống, chính quy tại các trường đại học.

* Đào tạo ngay tại nơi làm việc và các Hội nghề nghiệp.

* Đào tạo theo mạng lưới đô thị, đào tạo kép.

* Các Tổ chức Phi Chính phủ hỗ trợ đào tạo.

* Nghiên cứu và đào tạo theo phương pháp truyền thông (internet và thu đĩa CD.CDROM).

* Đào tạo cho các cơ quan, địa phương, quốc gia và quốc tế.

* Đào tạo những người làm công tác đào tạo.

Việc nâng cao năng lực cho chính quyền đô thị là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đặc biệt trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay. Quy hoạch và quản lý đô thị là một chuyên ngành tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành khác nhau. Do vậy nhu cầu đào tạo rất lớn, trong khi các cơ quan đào tạo lại chưa nhiều. Hơn nữa, các cán bộ quản lý và chuyên môn rất khó có điều kiện tham gia các khóa đào tạo dài ngày, kinh phí để tổ chức các khóa đào tạo lại rất hạn chế.

Vì vậy, để nâng cao năng lực cho chính quyền đô thị cần tập trung vào 3 nội dung chính, đó là: Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng phát triển tổ chức; Thể chế và khung pháp lý.

Phát triển nguồn nhân lực: đó là việc cung cấp và nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, khả năng tư duy sáng tạo và nhân lực cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn tại các đô thị. Cần lưu ý công tác quản lý nguồn nhân lực cũng như các hoạt động trước và sau đào tạo cũng hết sức quan trọng và cần thiết.

Xây dựng và phát triển tổ chức: Bao gồm nhiều hoạt động như cơ cấu tổ chức, các luật lệ, quy trình thực hiện và giới thiệu các kỹ thuật mới… Mặt khác, cần tạo ra mạng lưới tổ chức giữa các đơn vị liên quan nhằm phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, đồng thời cung cấp và trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện và tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động.

Thể chế và khung pháp lý: Khía cạnh này bao gồm các chính sách, luật lệ hiện hành, vai trò của Nhà nước và nguồn tài chính, các quy chế thực hiện… Sự thay đổi thể chế và các luật lệ chính sách do Nhà nước thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các cơ quan quản lý tại các đô thị.

Ngoài ra cần chú ý đến môi trường bên ngoài, bao gồm các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường văn hóa bên trong mỗi cơ quan quản lý, các ban, ngành. Có nhiều tác động từ bên ngoài vào như tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động, các sự trợ giúp tạo điều kiện phát triển…

Và xây dựng năng lực: dựa trên 2 yếu tố cung và cầu, đó là xem xét các nhu cầu cần được đào tạo và khả năng đáp ứng của các cơ quan đào tạo.

Giải pháp thực hiện

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong quá trình kiểm soát và phát triển đô thị cần nâng cao chất lượng cũng như số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị, cụ thể cần tập trung vào 5 lĩnh vực chính sau:

* Xây dựng chiến lược phát triển, nâng cao năng lực.

* Nâng cao chất lượng cũng như số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị.

* Tăng cường năng lực và chất lượng tại các cơ quan đào tạo.

* Khai thác và sử dụng các khả năng khác nhau của công tác truyền thông.

* Nâng cao hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ đào tạo.

Xây dựng chiến lược phát triển, nâng cao năng lực: Ở cấp quốc gia, cấp vùng và cấp địa phương. Dựa trên cơ sở nhu cầu đào tạo và năng lực của cơ quan đào tạo, các cơ quan tổ chức cần xây dựng chiến lược phát triển của ngành, của trường trong thời gian tới nhằm đáp ứng mục tiêu và nhu cầu đào tạo. Để phục vụ công tác kiểm soát phát triển đô thị, cơ quan đào tạo cần bám sát các mục tiêu phát triển của các đô thị, trong đó lưu ý đến việc xây dựng, nâng cao năng lực cho từng đô thị thông qua xây dựng các chương trình đào tạo bao gồm trợ giúp kỹ thuật. Chương trình đào tạo kéo dài 5 năm và chia thành nhiều giai đoạn, với các mục tiêu và nhiệm vụ thích hợp với từng hoàn cảnh của từng đô thị. Tổ chức các khóa đào tạo cho các cán bộ kỹ thuật công tác tại các ban, ngành, thành phố là một nhiệm vụ quan trọng.

Nâng cao chất lượng và số lượng cán bộ quy hoạch và quản lý đô thị, bao gồm:

* Nâng cao chất lượng đào tạo ở đầu ra các trường đại học.

* Thiết lập mạng lưới đào tạo ở các trường đại học chuyên ngành.

* Tổ chức các khóa đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn tại các trường đại học và các địa phương.

* Phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan đào tạo tại nước ngoài tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn (trong khuôn khổ các dự án trong và ngoài nước).

* Nâng cao năng lực và trách nhiệm hiệu quả ngay ở các cơ quan đào tạo.

* Tăng cường năng lực và chất lượng tại các cơ quan đào tạo.

* Nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên.

* Cải tiến, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo.

* Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.

* Đẩy mạnh hoạt động của các Hội nghề nghiệp trong đào tạo, tư vấn đào tạo.

* Xây dựng mạng lưới đào tạo trong từng đô thị (kết hợp với các trường đại học, Hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế…).

* Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đào tạo, tư vấn.

* Nghiên cứu phát triển và sử dụng khả năng truyền thông trong đào tạo.

* Nghiên cứu, đánh giá thực tiễn.

* Giới thiệu thông tin, kiến thức kỹ thuật mới.

* Hỗ trợ khả năng nghiên cứu cho các địa phương.

* Phát triển công tác truyền thông trong quy hoạch và quản lý đô thị thông qua in ấn các tài liệu, tờ rơi, video, đài truyền thanh, TIVI, CD.ROM, internet…

* Nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nâng cao trình độ cho chính quyền đô thị.

* Hợp nhất chiến lược nâng cao năng lực với chiến lược phát triển đô thị.

* Xây dựng bộ máy chính quyền đô thị mạng cùng với xây dựng khung pháp lý thích hợp.

* Tăng cường năng lực với cơ quan đào tạo thông qua việc đào tạo giáo viên, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, xây dựng mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xây dựng năng lực đào tạo cùng với thực tiễn quản lý đô thị, biên soạn và xuất bản các tài liệu.

* Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao năng lực và chính quyền đô thị.

Thách thức của quản lý đô thị là một trong những thách thức lớn nhất mà con người phải đối mặt trong thế kỷ 21. Nếu các đô thị được quan tâm tốt, chúng sẽ là trung tâm của sự phát triển cả về kinh tế và xã hội. Đô thị sẽ là trung tâm của cuộc cách mạng tạo nên môi trường mạnh khỏe và hứng thú. Nếu không giải quyết các thách thức trong quản lý đô thị thì cái giá phải trả cho môi trường, kinh tế và xã hội sẽ rất lớn. Vì vậy, việc nâng cao năng lực cho chính quyền các đô thị nhằm kiểm soát tốt quá trình phát triển đô thị là công việc hết sức cấp thiết, trong đó việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho chính quyền các đô thị và các nhà chuyên môn đang làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị có vai trò hết sức quan trọng./.

Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Hà Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm
Ngày 13/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hộivà các chuyên gia TVPB.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tin mới

Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.