Đạo đức trong khoa học và công nghệ
Khía cạnh đạo đức trong khoa học và công nghệ trước đây đã được nhiều nhà khoa học và hội nghị quốc tế đề cập. Tháng 6/1950, nhà vật lý học người Đan Mạch Niels Bohr đã viết bức thư ngỏ gửi Liên Hợp Quốc bày tỏ sự quan ngại ngày càng tăng trước việc sử dụng tiềm năng khoa học hiện đại vào mục đích hủy diệt loài người. Năm 1957, Hội nghị Pugwash về khoa học khởi xướng việc xây dựng bộ luật về đạo đức của nhà khoa học. Đến năm 1984, dự thảo bộ luật này được biên soạn nhằm đáp ứng sự quan tâm đối với các ứng dụng và hậu quả của công tác nghiên cứu khoa học. Gần đây, UNESCO1 đã thành lập Ủy ban thế giới về đạo đức tri thức khoa học và công nghệ (COMEST). Hiệp hội khoa học Trung Quốc đã ban bố một bản “Quy phạm đạo đức khoa học của người làm công tác khoa học” ngày 23/3/2007 và Mỹ vừa công bố “Chính sách toàn vẹn khoa học liên bang” do Phòng chính sách khoa học và công nghệ Nhà Trắng (OSTP) đưa ra ngày 17/12/2010 sau 18 tháng trì hoãn, được đánh giá là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ khoa học khỏi sự can thiệp chính trị.
Khoa học và nghiên cứu khoa học
Khoa học:Có rất nhiều cách hiểu và khái niệm về khoa học xuất phát từ nhiều cách tiếp cận từ các nguồn tư liệu khác nhau. Tuy nhiên, có 4 định nghĩa về khoa học dựa trên 4 cách tiếp cận sau: (1) Khoa học là một hệ thống tri thức (tri thức kinh nghiệm, tri thức khoa học); (2) Khoa học là một hoạt động sản xuất tri thức; (3) Khoa học là một hình thái ý thức xã hội và (4) Khoa học là một thiết chế xã hội. Cả 4 khái niệm này đều có chỗ đứng trong tư duy và hành động của cộng đồng những người làm nghiên cứu và quản lý khoa học. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chọn khoa học là một hình thái ý thức xã hội để phân tích vì trong lịch sử phát triển của mình, mối quan hệ giữa khoa học với các hình thái ý thức xã hội khác (đạo đức, tôn giáo, ý thức pháp quyền và ý thức hệ chính trị) luôn là một vấn đề nhức nhối và xuyên suốt của khoa học.
Nghiên cứu khoa học:Theo Luật Khoa học và Công nghệ: “Nghiên cứu khoa học là hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo các giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn”. Các giai đoạn nghiên cứu khoa học gồm các hoạt động: (1) Nghiên cứu cơ bản: Nghiên cứu cơ bản thuần túy và Nghiên cứu cơ bản định hướng (nghiên cứu tổng thể, nghiên cứu chuyên đề); (2) Nghiên cứu ứng dụng và (3) Triển khai thực nghiệm: tạo vật mẫu (prototype), tạo quy trình sản xuất vật mẫu và sản xuất thử (Serie N o0). Các đặc điểm của nghiên cứu khoa học là: (1) Tính mới; (2) Tính tin cậy; (3) Tính thông tin; (4) Tính khác quan; (5) Tính rủi ro; (6) Tính kế thừa; (7) Tính cá nhân (thể hiện trong luận điểm khoa học của từng cá nhân) và (8) Tính trễ trong áp dụng. Theo GS. Vũ Cao Đàm: “Một kết quả nghiên cứu thường không được áp dụng ngay, mà phải qua một thời gian nhất định. Thời gian giãn cách từ khi kết quả nghiên cứu thành công đến khi áp dụng được gọi là độ trễ”.
Công nghệ:Công nghệ là sản phẩm do con người tạo ra, sử dụng làm công cụ để sản xuất ra của cải vật chất. Cũng giống khoa học, có rất nhiều cách hiểu và khái niệm công nghệ xuất phát từ nhiều cách tiếp cận từ các nguồn tư liệu khác nhau theo quan điểm của Các Mác (trong bộ Tư bản), của UNIDO, của Hội đồng kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên Hiệp Quốc (ESCAP), của Ngân hàng thế giới (WB -1985) của Sharif (1986), của Gaynor G… Theo Luật Khoa học và Công nghệ thì “Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm”. Theo Luật Chuyển giao công nghệ: “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”.
Hoạt động khoa học và công nghệ:Theo Luật Khoa học và Công nghệ thì “Hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và các hoạt động khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ” Trong đó, nghiên cứu khoa học là một mảng quan trọng đã được tác giả đề cập ở phần trước. Theo UNESCO, hoạt động khoa học và công nghệ được định nghĩa là: “Các hoạt động có hệ thống liên quan chặt chẽ với việc sản xuất, nâng cao, truyền bá và ứng dụng các tri thức khoa học và công nghệ, là các khoa học tự nhiên và công nghệ, các khoa học y học và nông nghiệp cũng như các khoa học xã hội và nhân văn”. Trong thực tế ở nhiều quốc gia và ngay cả ở Việt Nam , hoạt động sản xuất các prototype (vật mẫu) trong các xưởng pilot (tạo công nghệ) vẫn được xếp trong phạm trù của giai đoạn cuối cùng của nghiên cứu và triển khai.
Đạo đức của khoa học, chuẩn mực và các kiểu lệch chuẩn trong hoạt động khoa học
Đạo đức và chuẩn mực của cộng đồng khoa học:Theo các giáo trình và tài liệu tham khảo của các trường Đại học ở Việt Nam hiện nay thường hiểu đạo đức là một lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội, có yếu tố tinh thần cốt lõi là ý thức đạo đức, một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội, bao gồm những nguyên lý (đạo lý), quy tắc, chuẩn mực điều tiết hành vi của con người trong quan hệ với người khác và với cộng đồng. Các thành tố của đạo đức là: ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức. Đạo đức cá nhân là phần góp về đạo đức của mỗi người, các sự góp đó tạo thành đặc điểm cộng đồng. Nếu nó tương tác với nhau tạo ra một giá trị tương đối đồng nhất trong cộng đồng thì đó gọi là đạo đức của cộng đồng. Chuẩn mực đạo đức không phải là luật pháp, mà là những quy ước hay điều lệ về hành xử được các thành viên trong ngành nghề chuyên môn chấp nhận. Mỗi nhóm xã hội có những chuẩn mực riêng biệt. Cộng đồng những người làm khoa học, với tư cách là một nhóm xã hội, cũng có những chuẩn mực riêng biệt. Theo Robert K. Merton, người Mỹ, năm 1942 đã khái quát hóa thành 5 chuẩn mực là: (1) Tính cộng đồng; (2) Tính phổ biến; (3) Tính không thiên kiến; (4) Tính độc đáo và (5) Tính hoài nghi.
Các kiểu lệch chuẩn trong hoạt động khoa học: Có nhiều kiểu sai lệch chuẩn mực (gọi tắt là lệch chuẩn). Người làm khoa học có thể lệch chuẩn do vô tình hoặc cố ý, cũng có thể do trình độ của phương tiện và phương pháp nghiên cứu. Có bốn loại lệch chuẩn: (1) Lệch chuẩn nhận thức; (2) Lệch chuẩn kỹ thuật; (3) Lệch chuẩn xã hội và (4) Lệch chuẩn đạo đức. Mỗi kết luận sai lệch về khoa học có thể xuất hiện chỉ do một dạng lệch chuẩn, song có những kết luận sai lệch xuất hiện là do một số dạng lệch chuẩn. Lệch chuẩn nào cũng có thể dẫn đến những thiệt hại ở các mức độ rất khác nhau và có thể lượng thứ hoặc không thể lượng thứ.
Một vài dạng lệch chuẩn trong hoạt động khoa học
Điển hình có hai dạng lệch chuẩn:gian lận và ăn cắp. Theo Zuckerman, một nhà xã hội cho rằng, cả hai tội này “cần phải trừng phạt nghiêm khắc đến mức độ phải dẫn đến phá hoại toàn bộ sự nghiệp của đương sự”.
Gian lận:là sự cố ý lừa dối, thể hiện dưới ba hình thức: Giả mạo, xuyên tạc, nhào nặn. Gian lận dẫn đến một hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, là cung cấp một bức tranh sai lệch về thực thể nhận thức. Giả mạo, tức là bịa đặt dữ kiện để đạt được một thành tích khoa học nhằm giành lợi thế trong cộng đồng khoa học; Xuyên tạc, tức làm biến dạng dữ kiện, để mô tả bức tranh khoa học theo ý muốn chủ quan của mình; Nhào nặn, tức là tô hồng hoặc bôi đen sự kiện theo ý muốn chủ quan.
Ăn cắpcũng là một hành vi cố ý lừa dối trong khoa học, tức chiếm đoạt cái mà họ không có. Ăn cắp tuy là một hành vi phi đạo đức nhưng nó chỉ gây ra sự bất công, chứ không làm biến dạng và hủy hoại thực thể tri thức khoa học. Theo Nguyễn Văn Tuấn – Chuyên gia nghiên cứu y khoa cao cấp Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia; Phó giáo sư trường y, Đại học New South Wales, Australia liệt kê những thủ đoạn lừa dối thường thấy trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học là: (1) Gian lận; (2) Ngụy tạo dữ kiện; (3) Đạo văn; (4) Gian lận trong quá trình duyệt bài; (5) “Lờ” trích dẫn tài liệu và (6) Lợi dụng người khác để nghiên cứu… cho mình!
Một vài vụ vi phạm đạo đức khoa học.
Ở Đức:Hai nhà sinh học phân tử người Đức, Fridhelm Hermann và Marion Brach, bị tố cáo ngụy tạo số liệu trong 47 bài báo mà họ công bố trên các tập san danh tiếng trong ngành như Blood và Journal of Experimental medicine. Ở Mỹ: Stephen J.Breuning, người bị tòa án Mỹ kết tội là đã ngụy tạo số liệu để gây ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân tâm thần. Trong một nghiên cứu trên 4.000 sinh viên bậc tiến sĩ trong 99 trường đại học ở Mỹ, Giáo sư Judith P.Swazey cho biết, có đến 44% sinh viên và 50% giáo sư đại học từng biết tí nhất một hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu khoa học. Ở Nga: Nhà sinh học Trofim Lysenko cũng từng chi phối nền nông nghiệp Xô-viết trong suốt 25 năm với những quan điểm và tuyên bố mà sau này được xem là phản khoa học, phi lí và lố bịch. Ở Hàn Quốc:Tháng 2 năm 2004, Tiến sĩ Hwang tuyên bố ông đã thành công tạo ra những phôi từ các tế bào da của 11 bệnh nhân hiến tặng. Thành công này có thể dẫn đến phương pháp chữa trị các bệnh hiểm nghèo (như ung thư não, võng mạc mắt, buồng trứng, ung thư tinh hoàn, ung thư máu, thấp khớp…) bằng kỹ thuật tạo sinh vô tính. Thế nhưng đến tháng 11 năm 2005 thì một số nhà khoa học Mỹ và đồng nghiệp Hàn Quốc của Tiến sĩ Hwang tố cáo ông đã ngụy tạo kết quả và vi phạm y đức. Một hội đồng khoa học thuộc Đại học Quốc gia Seoul được thành lập để điều tra sự việc. Đến cuối năm 2005 và đầu năm 2006, sau 3 tháng điều tra, hội đồng đi đến kết luận rằng những kết quả mà tiến sĩ Hwang công bố là giả tạo và cho rằng việc làm của Tiến sĩ Hwang “chỉ có thể mô tả là sự lừa bịp”. Ở Trung Quốc:hàng loạt các vụ việc suy đồi trong giới khoa học Trung Quốc như sao chép luận văn, giả tạo thành quả nghiên cứu, lừa rút kinh phí nghiên cứu, móc ngoặc với Hội đồng thẩm định… được tiết lộ từ nội bộ giới khoa học đã khiến xã hội công phẫn. Ngày 23/3/2007, Hiệp hội Khoa học Trung Quốc đã ban bố một bản “Quy phạm đạo đức Khoa học của người làm công tác khoa học”.
Ở Việt Nam :Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào có hệ thống về những gian lận trong nghiên cứu khoa học. Vài năm gần đây, không ít các vụ đạo văn đã được đưa ra ánh sáng. Riêng cuốn sách Bàn phím và Cây búa của Nguyễn Hòa (NXB. Văn học, 2007) đã chỉ ra được 6 trường hợp đạo văn, đạo công trình nghiên cứu để làm giáo trình, chuyên khảo. Những thợ đạo được chỉ mặt, nêu tên toàn là bậc danh giá. Nào là PGS.TS.TNT (đạo của GS Trần Quốc Vượng), TS HXL (đạo của TS Trần Hữu Sơn), TS.TND (đạo của PGS.TS Vũ Tuấn Anh), PGS.TS NCB (đạo của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh), nhà văn VNT (đạo của PGS.TS Trần Ngọc Vương), TS.CNTT và Thạc sĩ TTA (đạo của GS Trần Ngọc Thêm). Rồi GS.TS PL đạo của GS Trương Lập Văn (Trung Quốc)… Trường hợp đầu tiên và duy nhất chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước Việt Nam đã ký quyết định tước bỏ chức danh Phó giáo sư đối với ông Trịnh Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội, vì đã không trung thực (lấy công trình của người làm của mình), vi phạm tiêu chuẩn đạo đức của nhà giáo.
Trong bài báo “Chất lượng giáo dục đang ở đâu”, Tuổi trẻ ngày 22/9/2004 có vài đoạn đáng chú ý: “Trong lịch sử giáo dục nước nhà, chưa bao giờ các dịch vụ làm luận văn, luận án lại được quảng cáo công khai xung quanh các trường đại học như hiện nay” và “Trong những năm gần đây, sự gian dối trong học tập ngày càng gia tăng, ở các lớp trên xảy ra nặng và nhiều hơn lớp dưới, ở người lớn nghiêm trọng hơn thanh thiếu niên. Sự gian dối tuy chỉ ở một bộ phận người học, nhưng lại có tính phổ biến mà địa phương nào cũng có từ giáo dục chính qui, tại chức, đến giáo dục thường xuyên đều xảy ra. Các hiện tượng chạy điểm, chạy thầy, quay cóp, mua bán sử dụng phao thi… trước đây rất ít và người học cảm thấy xấu hổ khi bị phát hiện thì bây giờ không ít người học cho rằng đó là chuyện bình thường”.
Ở nước ta, tội ăn cắp tài sản trí tuệ đã có những chế tài được đề cập trong Luật Dân sự (Bản quyền tác giả, Sở hữu công nghiệp và Chuyển giao công nghệ) nhưng tội gian lận trong hoạt động khoa ọc và công nghệ thì hiện nay, về cơ bản, chưa có chế tài hữu hiệu để điều chỉnh. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động tốn kém vì thế, khoa học không thể nào dung túng tình trạng thiếu chân thực và vô liêm chính. Các cơ quan quản lý khoa học cũng cần một chính sách hay cơ chế bảo vệ an ninh cho các nhà khoa học dám công khai tố cáo các trường hợp gian lận trong khoa học.
Kết luận
Sân chơi khoa học là một sân chơi dân chủ. Tất cả các nhà khoa học cần cam kết về các tiêu chuẩn đạo đức và bộ luật về đạo đức cần được thiết lập đối với nghề nghiệp khoa học. Trong một môi trường tri thức lành mạnh, tất cả những tác giả và lừa gạt thường bị lật tẩy và sửa đổi. Ngược lại, những nghiên cứu lương thiện và chân thật thường tồn tại lâu dài với thời gian như là những chân lí khoa học.
Chú thích:
1/ Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization, viết tắt UNESCO), thành lập ngày 16/11/1946 với 20 quốc gia thành viên ban đầu đến nay đã phát triển lên tới 191 quốc gia thành viên. Trụ sở chính đặt tại Paris , Pháp, với hơn 50 văn phòng và vài viện hay trung tâm trực thuộc đặt khắp nơi trên thế giới. Là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên hiệp quốc, hoạt động với mục đích “thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo”.
2/ Từ tháng 3-2009, Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu đưa ra chính sách này sau nhiều tranh cãi về các vụ can thiệp của chính trị gia đối với các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ… dưới thời cựu tổng thống George Bush. Chẳng hạn năm 2006, Viện nghiên cứu Goddard ngăn cản viện này công bố nghiên cứu về mối liên hệ giữa CO 2và sự ấm lên toàn cầu.
Lý Văn Dưỡng