Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 09/10/2019 10:39 (GMT+7)

Đạo đức học sinh: Nguyên nhân và giải pháp

Đạo đức lối sống của học sinh sinh viên hiện nay đang là vấn đề nhức nhối lo ngại cho toàn xã hội. Các vụ việc liên quan đến các biểu hiện hành vi vô đạo đức của giới trẻ trong một số năm gần đây đã gia tăng đáng kể với nhiều tình tiết hết sức nghiêm trọng.


GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam (Ảnh internet)

Tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Bằng chứng là các phương tiện truyền thông đã đăng tải các bài viết phản ánh về thực trạng này. Chúng lôi bè kéo cánh để đánh nhau (cả trai lẫn gái), thậm chí hành hung cả thâỳ cô giáo, con giết cha, anh giết em, trẻ vị thành niên cũng gây ra nhiều vụ án mạng. Những hành vi tàn bạo này được đăng trên mặt báo chỉ là những tảng băng nổi, thực tế còn nhiều hơn nữa. Cách đây không lâu người ta choáng váng vì một đoạn video clip nữ sinh đánh bạn đăng tải trên Internet. Trong clip này một cô bé đang bị nữ sinh tóc ngắn vừa đánh tới tấp vào mặt vừa chửi tục với kiểu “dạy dỗ” rất anh chị. Trong khi đó nhiều học sinh khác ngồi chễm chệ ở ghế đá và thản nhiên nhìn vụ đánh hội đồng này. Một thái độ vô cảm không thể ngờ được! Sau đó, dư luận lại đau lòng trước tình trạng gia tăng bạo lực học đường của nữ sinh Việt Nam được phản ánh liên tục trên các phương tiện truyền thông.

Đáng báo động hơn nữa hiện tượng sinh viên, học sinh đánh giáo viên cũng gia tăng. Có những giáo viên đang giảng bài, bất ngờ bị học trò lấy mã tấu trong cặp xông lên bục giảng chém trọng thương. Bên cạnh đó, tình trạng sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng cao. 

Hơn nữa, một số đông bạn trẻ đang chạy theo vòng xoáy của “văn hóa tốc độ”. Từ những sách báo không lành mạnh, đến những băng đĩa phim sex được trao cho nhau cách dễ dàng, từ những quán Karaoke buổi tối đến những vũ trường, quán bar thâu đêm, rồi vào những ngôi nhà nghỉ. Mặt khác, tình trạng  đua xe cũng là một trong những vấn đề nổi cộm đang được diễn ra ở nhiều nơi.

Nguyên nhân của các sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống của giới trẻ

Chia sẻ với vusta.vn, GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam cho biết, trước hết, nguyên nhân xảy ra các sa sút về đạo đức, lối sống của giới trẻ hiện nay,  phải khẳng định là do từ chính giới trẻ, chính các em - chủ thể của các hành vi vô đạo đức đã chưa được giáo dục đầy đủ, kém phát triển về phẩm chất đạo đức, nhân cách. Trong những tình huống nảy sinh, những học sinh này đã không đủ sức phân biệt được điều hay, lẽ phải và đó là nguyên cớ dẫn đến những hành vi lệch lạc.

Tiếp đến là nguyên nhân từ phía gia đình các em học sinh này với nhiều lý do khác nhau. Gia đình đã thiếu quan tâm đến con cái, thả lỏng, buông trôi việc giáo dục đạo đức con cái mình, phó mặc cho nhà trường. Cũng có gia đình, khi biết con mắc các khuyết điểm về đạo đức, nhân cách đã chỉ biết xử phạt mà không biết chỉ bảo một cách tâm tình để con nhận ra điều hay, lẽ phải và tự sửa. Có gia đình, bố mẹ lục đục, cãi cọ nhau, mạt sát nhau, anh chị em mâu thuẫn đánh chửi nhau, con cái vì thế ít nhiều đã bị ảnh hưởng, mang cái không khí “vô đạo đức” của chính gia đình mình vào lớp học, vào trường học và thực hiện với các bạn bè của mình.

Rồi nguyên nhân từ tập thể lớp học, nhà trường đã chưa đủ sức trở thành tấm gương, nguồn sức mạnh giáo dục răn đe con trẻ. Tập thể lớp học không mạnh, chưa đủ sức định hướng các giá trị đạo đức tốt đẹp cho các em. Bầu không khí tâm lý lớp học thiếu lành mạnh. Kỷ luật, kỷ cương lớp học không nghiêm. Cái sai không được phân tích phê phán. Những điều tốt đẹp không được biểu dương. Các vụ việc xảy ra lại bị xử lý thiếu khách quan, công bằng. Liên quan đến điều này phải kể đến đội ngũ thầy, cô giáo. Nhiều thầy, cô đã tạo nên những áp lực  học tập quá mức, không cần thiết, thiếu minh bạch, công tâm, đôi lúc chưa thực sự gương mẫu trước các em. Trong giáo dục chưa coi trọng tình người, còn nể nang, trù úm học sinh có những biểu hiện đạo đức yếu kém.

Nữ sinh đánh nhau (Ảnh internet)

Hành vi vô đạo đức của một số em nào đó có chịu tác động xúi bẩy của một số người hoặc nhóm bạn xấu trong lớp mà nhà trường, thầy cô giáo chưa biết cách ngăn chặn kịp thời.

Một nguyên nhân nữa phải kể đến là tác động củavăn hóa đạo đức thiếu lành mạnh từ các Game vô luân đang lan tràn hiện nay đã là một trong những nguyên nhân gợi ý các em có những hành vi thiếu chuẩn mực.

Về phía xã hội, phải nhìn nhận thẳng thắn là trong nhiều năm qua, chúng ta đã buông lỏng giáo dục đạo đức cho người dân nói chung, cho con trẻ nói riêng. Phim ảnh bạo lực, chém giết lẫn nhau, các hành vi vô văn hóa từ cuộc sống, từ đối nhân xử thế giữa người với người được trình, chiếu tràn lan. Đồ chơi bạo lực được bầy bán công khai ở nhiều nơi. Kỷ cương xã hội thì lỏng lẻo, cái tốt không được ủng hộ khuyếch trương kịp thời. Nhiều người sống chân chính thì bị thua thiệt, bị hãm hại. Phải, trái trong xã hội bị lẫn lộn, đầy rẫy những điều chướng tai gai mắt làm các em mất lòng tin. Mặt đạo đức sai trái đã tiêm nhiễm vào lứa tuổi mới lớn này, vô tình khuyến khích các hành vi vô luân của chúng.

Tình trạng sinh viên đánh nhau ngày càng tăng lên (Ảnh internet)

Theo GS Phú cho hay, để phân tích các vụ việc xảy ra đặc biệt là các vụ việc gây những hậu quả đau lòng, theo tôi nhận thấy đa số các em là các đối tượng gây bạo lực đã bị quá căng thẳng về tinh thần, tâm lý, niềm tin, dẫn đến khủng hoảng, không kiềm chế được cảm xúc, rối loạn về hành vi. Các khủng hoảng này bắt nguồn từ chính trong gia đình của mình mà nguyên nhân là từ những bế tắc trong các vụ việc xảy ra trong gia đình, nhưng chính các gia đình đã không giải quyết nổi, bố mẹ và các thành viên trong gia đình đã không định hướng được cho các em các hành vi đạo đức đúng mực cần có. Các em đã mang theo các bức xúc này vào trong trường, trong lớp của mình và đó là khởi nguồn của các vi phạm. Một điều nữa, cũng chính các em này đã bị khủng hoảng về tinh thần, tâm lý ngay trong chính nhà trường, trong lớp học mà mình đang học. Các em đã bị mất niềm tin về đạo đức con người. Mất niềm tin về sự công bằng, bình đẳng đạo lý ngay trong trường, trong lớp. Các em tự cho mình đã có những hành xử đúng nhưng các thày, cô, các bạn đã không công bằng, đã cho rằng mình đã bị xử ép, bị trù dập, bởi thế mình phải biết tự bảo vệ mình, dồn “cơn tức giận” vừa xảy ra vào đối tượng đã có “vướng mắc” với mình để thỏa cơn tức giận.

Tìm kiếm giải pháp tháo gỡ

Khi PV hỏi: Muốn tháo gỡ chấm dứt được hiện trạng tha hóa về đạo đức lối sống của giới trẻ hiện nay, theo GS cần phải có những giải pháp nào? GS Phú trả lời: Giải pháp quan trọng thứ nhất liên quan đến trách nhiệm của gia đình. Tôi phải nhấn mạnh điều này trước tiên, chứ không phải trước tiên là trách nhiệm nhà trường, mặc dầu yếu tố Nhà trường rất quan trọng, và theo thói quen, từ xưa tới nay ta vẫn hay nói theo thứ tự mang tính truyền thống: Nhà trường- Gia đình – Xã hội. Vai trò Nhà trường rất lớn, nhưng trong chuyện giáo dục con trẻ, trước tiên phải nói đến gia đình. Con cái chúng ta, hàng ngày, nếu không tính thời gian ngủ (là lúc các em ở trong gia đình của mình rồi), thì 2/3 thời gian trong ngày còn lại là các em ở, sinh hoạt, tiếp xúc với các thành viên trong gia đình. Gia đình bỏ trách nhiệm giáo dục con, giáo phó hoàn toàn giáo dục con cho Nhà trường sao được.

Gia đình, đặc biệt là các bậc bố, mẹ phải biết giáo dục trẻ, phải quan tâm đến giáo dục con, em của mình. Rộng hơn, trong gia đình, các thành viên trong gia đình phải biết giáo dục lẫn nhau. Phải có ý thức chung về chuyện này. Phải có kế hoạch và phải biết sắp đặt việc này phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của gia đình mình.

Cần phải ý thức rõ, gia đình là một xã hội thu nhỏ. Gia đình không phát triển được thì xã hội cũng không phát triển được. Thất bại của gia đình cũng chính là thất bại của xã hội.

Giải pháp quan trọng thứ hai liên quan đến vai trò và trách nhiệm của nhà trường Nhà trường phải tăng cường chăm lo giáo dục đạo đức cho các em thông qua các nội dung học tập và sinh hoạt hàng ngày, hướng suy nghĩ và hành động của các em vào các hành vi mẫu mực lành mạnh, tốt đẹp, có đạo đức, có văn hóa, chí tiến thủ, hướng tới tương lai . Thày, cô và nhà trường phải biết kiến tạo bầu không khí tâm lý trong sạch, thoải mái, hạnh phúc, mọi người biết thương yêu nhau, biết quan tâm giúp đỡ nhau và lồng vào các nội dung này vào các bài học ngay trên lớp một cách tự nhiên nhằm trang bị cho các em những hành vi đạo đức cần có, giúp các em có các kỹ năng kiểm soát hành vi, đặc biệt là kỹ năng kiểm soát giận dữ (nếu có) và giải quyết xung đột nếu gặp phải. Nhà trường phải dạy các em sống có kỷ luật, biết kịp thời lên án mạnh mẽ các hành vi vô kỷ luật, phi đạo đức cả bằng lời nói và hành động cụ thể chứ không phải chỉ biết đứng ngoài chứng kiến các hành vi vô đạo đức tự do diễn ra mà mình thì vô can, đứng ngoài cuộc. Nhà trường cần tạo điều kiện tốt nhất cho tổ tư vấn tâm lý học đường phát huy hiệu quả hoạt động của tổ này trong việc định hướng, khuyến khích, khen thưởng các hành vi đạo đức mẫu mực. Giáo viên chủ nhiệm lớp cần đặc biệt nắm chắc tâm tư nguyện vọng của học sinh, những mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ nội bộ học sinh và chủ động lường trước các phương án khác nhau giải quyết các mâu thuẫn này. Cần xây dựng tốt và tổ chức hoạt động có hiệu quả cơ chế phối hợp giáo dục giữa Gia đình -Nhà trường - Xã hội. Những người tham gia trong guồng quay này phải thực sự là những người có tâm huyết, đầy trách nhiệm trong việc giáo dục các chuẩn mực đạo đức cần có cho con, em mình.

Và cuối cùng, xã hội phải là một xã hội kỷ cương, luật pháp phải được thực thi nghiêm minh, cái tốt phải được bảo vệ, tuyên dương, cái xấu phải bị lên án, ngăn chặn và phải được xử lý nghiêm khắc… Đảng, Nhà nước và các cơ quan chuyên trách về luật pháp phải thực sự kiên quyết mạnh tay với mức độ xử phạt cao nhất không châm trước với các hành vi tham nhũng, lừa gạt, dối trá, vô kỷ luật, vô nhân tính giữa các con người, có thế mới có tác dụng răn đe người khác và hy vọng dẹp bỏ được các hành vi phi đạo đức nói chung, các hành vi bạo lực học đường nói riêng ra khỏi đời sống nhà trường hiện nay, GS Phú cho biết.

Những bạn sinh viên tụ tập nhau đua xe, không tuân theo luật giao thông vẫn xuất hiện nhan nhản (Ảnh internet)

Tác giả bài viết: HT

Xem Thêm

Cao Bằng: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, đồng thời tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi kết quả tư vấn, phản biện được áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô phải minh bạch phương án tài chính
Khẳng định đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP) đối với dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc thuộc DA Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là cần thiết, chuyên gia lưu ý, Nhà nước phải minh bạch phương án tài chính, có phương án tổ chức giao thông rõ ràng, nhất là đối với các phương tiện liên tỉnh bắt buộc phải đi qua Vành đai 4 để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư.
Các nhà khoa học góp ý cho Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Ngày 12/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Khoa học và kỹ thuật Cầu đường Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tác động của việc xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội".
Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn phản biện của Liên hiệp hội Việt Nam
Thời gian qua Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB &GĐXH) rất sôi nổi. Rất nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo đã được tổ chức, các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc đã đóng góp được những ý kiến rất phong phú, bổ ích.
Phát huy hiệu quả hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội
Hoạt động TVPB&GĐ XH là hoạt động mang tính xã hội, độc lập, khách quan, do trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về KH&CN, GD&ĐT và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.
Liên hiệp Hội Sơn La: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phản biện
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Phát triển nhà ở xã hội: Cần bổ sung cụ thể vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Trong tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin mới