Dân là ai?
Người Việt Nam mới có câu:
Quan nhất thời, dân vạn đại
Nhất thời thì nhất thời, vạn đại thì vạn đại, nhưng làm quan nhất thời vẫn oai hơn là dân vạn đại. Làm quan mới khó chớ làm dân thì ai mà chẳng làm được. Tuy nhiên, chớ có xem thường làm dân, hình như cái gọi là “dân” này càng ngày càng được ưa chuộng. “Nhà nước của vua” xem ra đã quá lỗi thời rồi, bây giờ phải là “Nhà nước của dân”. Nhiều thứ khác cũng thay đổi theo như “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nhà giáo nhân dân”, “Đại học nhân dân”, “Tư bản nhân dân”. Tại sao lại có chuyện “vật đổi sao dời” như vậy?
Hãy bắt đầu từ chữ “dân” vậy. Chữ “dân” ngày nay có nguồn gốc từ chữ triện, đó là hình tượng con mắt bị cái que đâm thủng. Sở dĩ như vậy là vì ngày xưa hai bên đánh nhau, lúc đầu tù binh bị bắt đều bị giết sạch, nhưng về sau được giữ lại để làm nô lệ. Vì sợ đám nô lệ này chống đối nên người ta phải làm cho chúng mù mắt. Như vậy “dân” vốn là nô lệ, là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội. Nhưng bởi vì số lượng đông đảo, lại là nhân tố chủ yếu tạo ra của cải xã hội, cho nên ảnh hưởng lại rất lớn đối với tình hình kinh tế - chính trị. Bởi vậy nên hơn bốn nghìn năm trước đây, từ thời tam đại Hạ, Thương, Chu ở Trung Quốc, sở dĩ nhà Ân thay thế nhà Hạ, nhà Chu thay thế nhà Ân cũng đều do sai lầm về quan hệ của Nhà nước đối với “dân”. Cho nên “dân là gốc” (dân bản) là tư duy chính trị nảy sinh ở thời điểm đó! (1). “Dân là gốc” trở thành bài học quan trọng bậc nhất đối với sự còn mất của chính quyền. Bài học này được Kinh Thư(hay còn gọi là Thượng Thư), kinh sách cổ xưa nhất của Trung Quốc, đồng thời cũng là một trong những kinh điển quan trọng nhất của Nho giáo chép lại như sau:
“Đạo đức chính là ở chỗ chính sự được giải quyết một cách thoả đáng, còn vấn đề cơ bản của chính sự lại là ở chỗ lo cái ăn cái mặc, lo dạy dỗ cho dân” (Đức duy thiện chính, chính tại dưỡng dân. Thiên Đại vũ mô).
“Đối với dân, chỉ có thể gần gũi chứ không thể khinh rẻ họ. Dân mới chính là gốc của nhà nước gốc có vững thì nước nhà mới yên ổn. Ta thấy rằng ngay đến một kẻ đàn ông, đàn bà ngu dốt nhất cũng có thể hơn ta”. (Dân khả cận, bất khả hạ. Dân duy bang bản. Bản cố bang ninh. Dự thị thiên hạ ngu phu ngu phụ nhất năng thắng du. Thiên Ngũ tử chi ca).
“Cái gì mà dân muốn thì Trời cũng phải thuận theo” (Dân chi sở dục, thiên bất tòng chi. Thiên Thái thệ).
Sách Đại họccòn khuyên nhà cầm quyền rằng:
“Cái gì mà dân yêu thích thì cũng tức là cái mà nhà cầm quyền yêu thích, cái gì mà dân ghét bỏ thì cũng là cái mà nhà cầm quyền phải ghét bỏ” (Dân chi sở ái, ái chi, dân chi sở ố, ố chi).
Phan Bội Châu đúc kết như sau:
“Dân vẫn là đại biểu cho trời, mà quyền dân vẫn thay được quyền trời, dân tức là trời, đời xưa vẫn đã có như vậy” (2).
Sở dĩ người ta đặt ngang hàng “dân” với “trời” là bởi vì muốn cảnh tỉnh nhà cầm quyền bớt chủ quan, bớt độc đoán trong các quyết sách. Nếu như cho rằng ý của nhà cầm quyền là lòng dân thì e rằng đó không phải là cách hay để nhắc nhở nhà cầm quyền.
Sách Tả truyềncòn làm một cuộc “đổi mới” quan niệm về chữ “Trung”. Lâu nay người ta thường nói là “trung với vua” (trung quân) chứ có ai nói là “trung với dân” (trung ư dân) đâu. Ấy vậy mà sách Tả truyệnlại chép rằng:
“Cái gọi là Đạo thực ra là trung với dân, tin ở thần. Bề trên suy nghĩ những điều có lợi cho dân, như vậy gọi là trung” (Sở vị đạo, trung ư dân nhi tín ư thần dã. Thượng tư lợi dân, trung dã. Tả truyện, Tương Công lục niên).
Như vậy “trung” được đổi chiều hướng, “dân” thấp kém bỗng nhiên trở thành đối tượng của “trung”. Người ta cho rằng, ông Mạnh Tử rất có thể đã dựa vào cuộc “cách mạng” của Tả truyệnđể thừa thế tuyên bố một câu động trời:
“Dân là quan trọng hơn cả, xã tắc thứ hai, còn vua thì không có gì đáng bận tâm” (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Mạnh Tử, Đằng Văn Công hạ).
Nhiệm Kế Vũ cho rằng Mạnh Tử chẳng thể nào lại có tư tưởng “dân chủ” ở trong một xã hội phong kiến đậm đặc như vậy trước Công nguyên. Theo ông, Mạnh Tử không so sánh “giá trị” mà chỉ so sánh “vấn đề” giữa vua và dân mà thôi:
“Khẩu hiệu này của Mạnh Tử lâu nay đã mê hoặc một số người. Học giả tư sản cận đại còn giải thích “dân vi quý” theo quan điểm “dân chủ” tư sản. Họ cho rằng Mạnh Tử có tư tưởng dân chủ. Thực ra đó chỉ là suy luận chủ quan mà thôi. Kỳ thực Mạnh Tử chỉ đặt vấn đề “trị dân” cấp thiết hơn là vấn đề quản lý đất đai sông núi (xã tắc), vấn đề của vua không lớn lắm (quân vi khinh). Mạnh Tử hoàn toàn không có ý cho rằng dân là cao quý hơn vua. Không những Mạnh Tử không có tư tưởng đó đã đành mà mấy nghìn năm qua cũng chẳng có bất cứ chủ nô nào ở chế độ chiếm hữu nô lệ hoặc địa chủ nào ở chế độ phong kiến lại có tư tưởng đó” (3).
Quan niệm về “dân” của Mạnh Tử vừa bị phê phán từ phía “tả” nhưng đồng thời cũng bị phê phán cả từ phía “hữu” nữa. Nguyễn Trường Tộ là một trong những người kịch liệt chỉ trích quan niệm “dân chủ” này của Mạnh Tử:
Như Mạnh Tử có nói: “Dân là quý rồi mới đến vua”. Câu nói này đã từng mở đường cho vô số bọn hủ Nho sau này lấy cớ mượn việc công để làm việc tư” ( Thiên hạ đại thế luận)
Từ chỗ phê phán quan niệm “dân vi quý” của Mạnh Tử, Nguyễn Trường Tộ cũng phản bác luôn quan niệm xem “dân là gốc”:
“Người xưa có nói: “Dân là gốc của nước”. Nói như vậy cũng chẳng đúng. Tôi cho rằng vua quan mới là gốc của nước. Vì rằng chẳng có vua quan thì chẳng bao lâu dân sẽ nổi loạn tranh chấp quyền lực, cướp đoạt của nhau, tàn sát lẫn nhau, oán thù lẫn nhau. Cho nên nước mà có vua bạc nhược còn hơn là không có vua. Trong Kinh Thánh xưa của Đạo giáo có nói: vua tuy bạo ngược nhưng dân cũng không được có hai lòng. Vì rằng dân mà làm loạn thì trước hết chưa thấy tổn hại đến vua đâu cả mà đã thấy tổn hại đến dân rồi” ( Thiên hạ đại thế luận).
Thực ra quan niệm “vua quan mới là gốc của nước” của Nguyễn Trường Tộ cũng chẳng phải do ông đề xướng đầu tiên. Chính Tuân Tử, người đặt viên gạch cho ngôi nhà Pháp gia, từ lâu đã cho rằng vua mới là nguyên nhân của mọi vấn đề xã hội:
“Đạo thực ra là gì vậy? Xin thưa rằng: Đạo là Đạo của vua”. Cho nên “vua là nguồn gốc của dân, nguồn trong thì nước trong, nguồn đục thì nước đục” ( Đạo giả hà dã? Viết: quân đạo dã. Quân giả; dân chi nguyên dã, nguyên thanh tắc lưu thanh, nguyên trọn tắc lưu trọc, Tuân Tử, Quân đạo).
Sau đó, Hàn Phi còn “bổ sung” thêm rằng vua là điểm tựa đã đành mà kể cả quan lại nữa, phải “lấy quan lại làm thầy” (Dĩ lại vi sư. Hàn Phi Tử, Ngũ đố), có nghĩa là toàn bộ bộ máy nhà nước mới là điểm tựa duy nhất chứ không phải là dân.
Phan Bội Châu lại không nghĩ như vậy. Ông đánh giá rất cao quan niệm “dân vi quý” của Mạnh Tử:
“Học thuyết từ đời thầy Mạnh Tử trở về trước, thiệt chưa có ai đề xuất dân quý hơn vua, ngay đến đức Khổng Tử cũng chưa thấy nói tới. Chỉ duy đến thầy Mạnh, thoạt đầu tiên nói một câu rằng: Dân vi quý, quân vi khinh”… Xen ý tứ đoạn này thì thầy Mạnh xem chủ quyền ở trong nước thuộc về nhân dân, tinh ý cũng không khác gì J.J. Rousseau ở bên Pháp, Học giả đời bây giờ quý trọng Rousseau mà bỏ quên Mạnh Tử, thật không biết suy nghĩ như thế nào” (4).
Chẳng trách Phan Bội Châu đã xem Khổng học như là một ngọn đèn soi sáng của nhân loại (Khổng học đăng).
Phan Bội Châu đánh giá cao Mạnh Tử nhưng cũng chẳng đánh giá thấp Tuân Tử. Tuân Tử chẳng đã từng cho rằng: “Vua là thuyền, dân là nước, nước có thể chở thuyền, nước cũng có thể lật thuyền” ( Quân giả, chu dã; thứ nhân (5)” giả, thuỷ dã. Thuỷ tắc tải chu tắc phúc chu. Tuân Tử, Vương chế). Nguyễn Trãi là người nổi tiếng “lo cho dân”, lúc nào cũng đặt “an dân” ( việc nhân nghĩa cốt ở an dân) lên hàng đầu, ngay sau khi chiến tranh vừa chấm dứt, ông đã nhắc lại câu nói trên của Tuân Tử trong Chiếu về việc làm bài Hậu tự huấnđể răn bảo thái tử. Nhưng hình như sau này tưởng chừng ngai vàng đã vững cho nên Minh Mạng tỏ ra chẳng hứng thú gì mấy với thứ “thuốc đắng dã tật” đó. Khi đi tuần du đến Quảng Nam, thư sinh Nguyễn Tiến Chương đã “chú thích” thêm cho câu nói của Tuân Tử rằng nước có thể lật thuyền chứ thuyền thì chẳng làm gì được nước. Kết quả là thư sinh Chương đã phải chết vì “chú thích” không đúng thời điểm này, thời điểm mà nhà Nguyễn đâu còn xem dân là Trời nữa. Điểm tựa đã từ Trời chuyển sang vua quan từ lâu rồi còn đâu!
Như vậy bài học về “dân” đã được cảm nhận sâu sắc cách ngày nay những hơn ba nghìn năm, cho dầu điểm tựa đó là “dân” hay là “vua quan”, cho dầu nhà cầm quyền là “cha mẹ” của dân hay là “công bộc” của dân, thực ra “dân” trong xã hội phong kiến cuối cùng cũng chỉ là phương tiện mà thôi.
Trong những ngày đầu sau khi nước Việt Nam ra đời, Hồ Chí Minh vẫn luôn chú ý đến quan niệm “dân là gốc” (dân vi bản) truyền thống. Một đất nước vừa thoát khỏi chế độ phong kiến, tuy đã quá quen với khẩu hiệu “dân là gốc” nhưng có bao giờ thực hiện được điều đó đâu. Cho nên nhắc lại “dân là gốc” không phải để nói mà chính là để làm, không những để làm mà còn cần phải chuyển đổi “dân bản” sang “dân chủ” trong xã hội mới trên nền tảng xã hội cũ. Khi trả lời phóng viên báo nước ngoài, khi đề cập đến Nhà nước, đến chính đảng, Hồ Chí Minh cũng không quên thống nhất điều đó:
“Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài…” (6).
Ông Vũ Đình Hoè trong tạp chí Xưa và Nay, mới đây cho rằng Hồ Chí Minh đã xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà theo những nguyên tắc “dân chủ đặc sắc” chưa từng thấy ở đâu, đó là Đảng toàn dân, Nhà nước toàn quyền, Pháp quyền toàn dân” (7).
Nhận định trên đúng hay sai có lẽ cũng cần phải bàn thêm. Tuy nhiên không ai không thừa nhận rằng “dân” quả đã có vị trí cực kỳ quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Dân ở một nước vừa thoát thai khỏi xã hội phong kiến tiến lên chủ nghĩa xã hội, không khỏi nảy sinh những vước mắc cần phải khắc phục. Nếu Đảng là toàn dân, Nhà nước là toàn dân thì phân chia thành ba ngôi một cách cứng nhắc như xưa nay liệu có gì mâu thuẫn hay không? Bởi vì Đảng và Nhà nước là của dân cho nên không thể ở ngoài dân được. Nếu cho rằng Dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, vậy không biết liệu có ai làm chủ mà không lãnh đạo và không quản lý chưa? Càng không thể có ông chủ nào mà không có quyền quyết định cả. Đảng và Nhà nước cũng là Dân, cho nên Dân làm chủ, đồng thời cũng là lãnh đạo và quản lý. Những khái niệm như “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” hình như vẫn đặt “dân” ở vị trí thụ động hơn là chủ động. “Dân chủ” không phải là “được” mà phải là “là”, “dân” không phải là “khách thể” mà phải là “chủ thể”. Dân không còn thuộc về một đẳng cấp cố định thấp nhất như ở xã hội phong kiến.
Nhà nước Việt Nam vừa thoát thai từ xã hội phong kiến cho nên cách phân chia “siêu hình” Dân, Đảng, Nhà nước cũng như quan hệ giữa chúng chưa thực sự hợp lý cũng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên vấn đề chủ yếu nhất, khó nhất vẫn là quyền làm chủ thực sự của dân. Triết lý sống “ai cần ai” hình như đang làm thay đổi vị trí xã hội. Trước đây “Ta” cần dân cho nên dân là “trời”, bây giờ dân cần “Ta” bởi vì “Ta” có chức, có quyền, cho nên “Ta” mới là “trời”. Hiện tượng “hành dân”, “xa dân”, “vô cảm” với dân đang trở thành không khó thấy lắm. Làm sao để “dân” không phải chỉ là thứ thời trang trình diễn ở những dạ hội sang trọng mà còn phải để nó trở thành thường phục ở khắp nẻo đường kể cả những nơi thôn cùng xóm vắng. Những nơi mà ngay cả người dân ở đó, trước đây được gọi là “trời”, nay gọi là “ông chủ”, có khi cũng còn chưa biết mình là ai. Nhưng cho dù thế nào đi nữa, cuối cùng lịch sử cũng sẽ chỉ cho họ biết họ là ai, bởi vì họ chính là lịch sử. Bởi vì họ chính là mục đích suốt cả cuộc đời cách mạng của vị anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh.
(1) Xem Trần Kim Sinh, Nho học và thế kỷ XXI, NXB Hoa Hạ, 1996, t.2, tr. 1145.
(2) Phan Bội Châu, Khổng học đăng, NXB Anh Minh, Huế, 1957, tr. 467.
(3) Nhiệm Kế Dũ, Trung Quốc triết học sử giản biên, Nhân dân xuất bản xã, 1973, tr. 110.
(4) Phan Bội Châu , Khổng học đăng, NXB Anh Minh, Huế, tr. 463 – 467.
(5) “Thứ dân”: là người dân bình thường, không có tước trật phẩm hàm. “Thứ dân”: là nhân dân, “Thứ”ở đây là số đông. (Xem Từ hải, Lễ ký thiên Khúc lễ, Đại truyện). Tuy nhiên, từ thời cổ đại ranh giới được xem là một trong “tứ dân) ( Cốc Lương truyệnchép: ngày xưa “dân” có bốn loại: sĩ dân, thương dân, nông dân, công dân).
(6) Trích theo tạp chí Văn hiến Việt Nam, số 5 (49)/2005.
(7) Tạp chí Xưa và Nay, số 242/6/2005.
Nguồn: Xưa và Nay, số 246, tháng 10/2005, trang 42