Đàn đông cũng không bền
Một nghiên cứu quốc tế đăng trên Science hôm nay đã phân tích dữ liệu của các loài thú, chim, cá và côn trùng để cho ra một phương trình toán học mới, gây kinh ngạc về sự điều chỉnh của các quần thể động vật.
Khi thiết lập mối liên quan giữa mật độ và sự tăng trưởng của quần thể, giáo sư Frank Carrick từ Đại học Queensland và cộng sự đã tìm ra một mối quan hệ "hình lòng chảo" giữa hai yếu tố này: Theo đó, tăng trưởng kém bền vững nhất khi số cá thể trong quần thể ở mức cao nhất và thấp nhất của hình cung. Còn khi số cá thể trong quần thể nhiều ở mức "vừa phải", quần thể đó sẽ tăng trưởng ổn định nhất.
Nghiên cứu này đã làm đảo lộn giả thuyết truyền thống lâu nay: "Theo đó, dù số cá thể trong đàn có tăng lên, thì ảnh hưởng chung tới sự tăng trưởng của quần thể là không đổi. Nói cách khác, dù mật độ cao bao nhiêu đi nữa, thì quần thể vẫn tăng trưởng bình thường". Theo nghiên cứu mới, khi mật độ quá cao, quần thể sẽ phản ứng ngược lại.
Carrick cho biết nghiên cứu mới đã xác nhận điều mà các nhà sinh thái học nghi ngờ từ lâu, rằng các phương pháp hiện tại để dự đoán ảnh hưởng của con người và các nhân tố môi trường lên quần thể động vật là quá đơn giản. Trước mắt, phát hiện này có ứng dụng quan trọng đến những hoạt động như đánh bắt cá voi. Vì chỉ một thay đổi nhỏ trong môi trường có thể có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự bền vững của chúng.
Nguồn: vnexpress.net 25/7/2005