Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 07/03/2014 20:59 (GMT+7)

Đạm Phương nữ sử với phong trào phụ nữ Việt Nam

Những đóng góp to lớn của bà Đạm Phương Nữ sử đã được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và xã hội đánh giá cao, nhưng mới chỉ là bước đầu. Tôi đề nghị tại cuộc Hội thảo này cần làm sáng tỏ thêm giá trị của những đóng góp của bà, từ đó tiếp tục nghiên cứu những tư tưởng đã được trải nghiệm qua thực tế ở Việt Nam thời kỳ đó, so sánh với cùng vấn đề này hiện nay. Từ đó thấy được những đóng góp của bà cho cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, qua đó thấy rõ hơn tầm nhìn của Đạm Phương Nữ sử về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xã hội và những đóng góp của bà trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ; giáo dục đào tạo; xây dựng xã hội mới, con người mới; báo chí cách mạng Việt Nam… Tại hội thảo này, tôi cũng đề nghị chúng ta nghiên cứu về bà ở một tầm cao hơn, để từ đó có những kết luận khoa học và đề nghị với Nhà nước tuyên dương công trạng của bà, coi đây là một nhân vật lịch sử cần được tôn vinh, noi gương. Từ cách đặt vấn đề như vậy, nhân Hội thảo này, tôi xin nêu một số vấn đề của Hội thảo thảo luận và nghiên cứu tiếp:

Về phụ nữ và bình đẳng giới, xin nêu ba vấn đề

1. Muốn bình đẳng với nam giới, phụ nữ phải tự khẳng định mình: Bà đã sớm nhận ra những hạn chế của xã hội phong kiến trong việc đối xử bất công với phụ nữ (địa vị trong gia đình và xã hội thấp, phải theo tam tòng, không được đi học…). Từ đó bà đã tìm ra con đường đấu tranh đòi bình quyền nam nữ, phụ nữ phải tự khẳng định mình. Muốn vậy, phụ nữ phải tự học, phải có tri thức để sánh ngang cùng nam giới; phụ nữ phải có đức hạnh và tài năng, “nữ học là quan trọng nhất”.

2. Muốn có bình quyền nam nữ phải có đấu tranh giải phóng phụ nữ: Đây là sự nghiệp lâu dài, trong sự nghiệp đó, ngoài việc quan tâm, tạo điều kiện của xã hội, thì chủ yếu và cơ bản là chị em phụ nữ cần tự vươn lên, khẳng định phẩm chất, năng lực, trí tuệ của giới mình, từ đó thay đổi nhận thức và hành động của xã hội đối với phụ nữ. Muốn xã hội phát triển thì cần thiết phải giải phóng phụ nữ. Đến nay, những quan điểm, tư tưởng của bà về phụ nữ và bình quyền nam nữ vẫn còn nguyên giá trị, cần được khẳng định, đề cao.

3. Vai trò của phụ nữ, vai trò của tổ chức phụ nữ “Nữ công học hội” và vấn đề dạy nghề cho phụ nữ: Bà là người có công lớn trong việc thành lập “Nữ công học hội”, một tổ chức phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam, là nơi tập hợp, đoàn kết chị em phụ nữ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đây là một cơ sở giáo dục, đào tạo phụ nữ, không những dạy nghề (giảng dạy về nữ công gia chánh) mà còn giúp chị em nâng cao tri thức và hiểu biết về xã hội, để có vai trò, vị trí xứng đáng hơn trong xã hội.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hiện nay đang thực hiện các dự án đào tạo nghề cho phụ nữ, Hội là nơi tập hợp phụ nữ, đoàn kết thành lực lượng to lớn góp phần xây dựng đất nước…, phải chăng đó cũng là tư tưởng của bà, nó đã có từ rất sớm nhưng hiện đang được thực tế chứng minh tính đúng đắn của chủ trương đó.

Về giáo dục và đào tạo

1. Bà sớm khẳng định vai trò của giáo dục – đào tạo: Bà rất coi trọng học vấn, tri thức, luôn mong làm giàu tri thức của bản thân và làm giàu tri thức cho mọi người. Bà cho rằng, giáo dục là điều kiện tiên quyết để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Hiện nay cạnh tranh giữa các quốc gia chính là cạnh tranh trong phát triển giao dục, thước đo của sự phát triển đất nước là sự phát triển giáo dục. Bà đã sớm nhận ra vai trò của giáo dục đào tạo trong phát triển trọng tâm là phụ nữ và nhi đồng. Chính vì vậy bà đã biên soạn nhiều công trình giáo dục…

2. Bà đã phát hiện ra nguyên lý giáo dục thông qua phương pháp giáo dục: Phương pháp giáo dục của bà là kết hợp giữa giảng dạy (học ở trường), tự học và học ở bạn bè, ở những người trí thức yêu nước. Bà thường giao lưu với nhiều trí thức yêu nước nổi tiếng để trao đổi về học thức và quan điểm Mác xít (Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Khắc Hiếu, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu…). Bà coi trọng vị trí của gia đình trong sự nghiệp giáo dục (giáo dục gia đình là quan trọng). Theo bà, giáo dục tác động và ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của con người (trẻ con khi sinh ra không có gì là thiện và ác, thiện ác là do hoàn cảnh giáo dục sau này tác động vào). Nhà trường cần phối hợp với gia đình trong giáo dục trẻ (Bà được coi là người sáng lập ra ngành giáo dục mầm non ở nước ta). Đây chính thể hiện những khía cạnh quan trọng của nguyên lý giáo dục: Học đi đôi với hành, lý luận kết hợp với thực tiễn, kết hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục. Hiện nay chúng ta đang phấn đấu để thực hiện tốt nguyên lý giáo dục này.

3. Quan điểm giáo dục toàn diện đã được bà đưa ra rất sớm: Quan điểm giáo dục của bà rất tiến bộ và toàn diện, đó là phải quan tâm giáo dục cả về thể chất (phát nở cơ thể), giáo dục tri thức (phát nở tri thức) và giáo dục tâm hồn (phát nở đạo đức). Đây chính là quan điểm phát triển giáo dục toàn diện mà bà đã sớm nhận ra cách đây hơn một thế kỷ.

Sau hơn một thế kỷ, đến nay quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị, phát triển giáo dục toàn diện đối với học sinh là chủ trương của Đảng ta, đã được nêu tại Nghị quyết Trung ương 2, khoá VIII. Song, để đạt được mục tiêu đó, trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thách thức đối với chúng ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Về xây dựng xã hội mới, con người mới, gia đình mới

1. Muốn xây dựng xã hội mới phải thực hiện tốt sự nghiệp giáo dục – đào tạo, bà lấy phụ nữ và trẻ em là nhân vật trung tâm trong xây dựng xã hội mới, tốt đẹp: Những tư tưởng tiến bộ đó, đã xuất hiện ở một phụ nữ - bà Đạm Phương từ đầu thế kỷ XX và đến nay còn nguyên giá trị, điều này cần được làm sáng tỏ.

2. Bà chủ trương và ủng hộ việc tiếp thu những cái mới, tiên tiến của phương Tây (hướng tới phương Tây); bài trừ cái cũ, lạc hậu nhưng không phủ nhận phương Đông, vẫn giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây chính là một trong những khía cạnh trong chủ trương xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII và nó cũng phù hợp với đường lối hội nhập của chúng ta ngày nay: đó là hội nhập nhưng không hoà tan

3. Trong xã hội mà bà mong muốn, phụ nữ được bình đẳng với nam giới, trẻ em được chăm lo giáo dục. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đang nỗ lực phấn đấu đạt được vào năm 2015, trong đó có Việt Nam.

4. Quan điểm xây dựng con người mới của bà được thể hiện thông qua việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tiến bộ: công dung ngôn hạnh, ứng xử trong gia đình và xã hội có văn hoá, giỏi nữ công gia chánh, thực hiện đúng thiên chức làm vợ, làm mẹ, có tri thức, có hiểu biết xã hội, tích cực tiếp thu cái mới… Những quan điểm này lại trùng hợp với nhiều nội dung trong định hướng xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mới, được xác định trong nội dung người phụ nữ mới chúng ta đang phấn đấu để đạt được.

Bà còn là nhà báo, nhà văn, nhà thơ… có rất nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng báo chí Việt Nam.

Vấn đề văn hoá, tâm linh được bà nghiên cứu và đề cập từ rất sớm. Dưới góc độ Phật giáo, chính từ lòng thành kính, “Mộ thích” mà tâm hồn bà lúc nào cũng hướng thiện, làm nhiều việc thiện, đặc biệt luôn quan tâm đến phụ nữ và trẻ em, những đối tượng yếu thế trong xã hội. Bà là hiện thân của phụ nữ Việt Nam giàu lòng nhân ái, luôn luôn làm việc thiện, thể hiện truyền thống rất quý báu của dân tộc Việt Nam.

Tư tưởng của bà về các lĩnh vực nêu trên thật độc đáo, đi trước thời đại, lại được đưa ra từ thời cận đại Việt Nam. Đây là một hiện tượng đặc biệt của lịch sử Việt Nam, nhất là đối với một công nương – cháu nội của vua Minh Mạng, nhưng tiếc rằng những tư tưởng đó, chưa được nghiên cứu sâu để khẳng định. Do đó, tôi đánh giá cao cuộc Hội thảo hôm nay. Việc tổ chức Hội thảo khoa học để làm rõ hơn những đóng góp to lớn của bà Đạm Phương Nữ sử trên nhiều lĩnh vực khác nhau là rất có ý nghĩa và cần thiết.

Chúng ta có trách nhiệm ngihên cứu, khẳng giá trị của các vấn đề đó. Đặc biệt nó được phát triển như thế nào theo dòng lịch sử. Tuy đến nay, có lẽ chưa có sách nào viết rằng: tư tưởng tiến bộ của bà đã được truyền bá, vận dụng và phát triển trong sự nghiệp Cách mạng Việt Nam. Nhưng chúng ta cần chứng minh là những tư tưởng đó phù hợp với các quan điểm phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta và đã đóng góp cho Cách mạng Việt Nam.

Tôi mong muốn UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Văn học Việt Nam, các cơ quan có liên quan và gia đình, con cháu bà tiếp tục công tác nghiên cứu, có những đề xuất với Đảng, Nhà nước ghi nhận những công lao, cống hiến của bà, để không phải chỉ có các nhà nghiên cứu khẳng định giá trị của những đóng góp đó tại Hội thảo hôm nay, mà cần được lịch sử ghi nhận, Nhà nước ghi nhận (Ví dụ như công nhận Danh nhân Văn hoá nước nhà, như đề nghị của các nhà nghiên cứu…), để tránh thiệt thòi cho bà, cho dòng tộc của bà, đặc biệt là cho lịch sử phụ nữ Việt Nam. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, tư tưởng của bà Đạm Phương Nữ sử đến với đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Thông qua chương trình giáo dục đào tạo, các thế hệ người Việt Nam sau này, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam biết đến bà, học tập, noi theo bà.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.