Đam mê nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ
Phương pháp “Chẩn đoán nhanh hàm lượng đường sucrose trong mủ bằng chỉ thị màu”, phương pháp này là do nhóm tác giả Trần Thanh - Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam nghiên cứu sáng tạo.
Đây là phương pháp hoàn toàn mới tại Việt Nam cũng như trên thế giới với độ tin cậy cao và có thể ứng dụng cho việc chẩn đoán nhanh hàm lượng đường sucrose trong mủ ngay tại vườn cây cao su, hỗ trợ thiết thực cho công tác tuyển chọn giống và chẩn nghiệm khả năng đáp ứng kích thích mủ của vườn cây cao su thông qua hàm lượng đường sucrose trong mủ.
TS Trần Thanh chia sẻ, nguyên lý của phương pháp chẩn đoán nhanh hàm lượng đường sucrose trong mủ cao su thiên nhiên là phản ứng tạo màu giữa thuốc thử đặc hiệu (là hỗn hợp của 1,3-benzenediol và axít clohydric) và đường sucrose có trong mủ cao su (latex) khi được xúc tác nhiệt.
Tương tự như đối với phương pháp phân tích truyền thống trong phòng thí nghiệm, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của phương pháp chẩn đoán nhanh hàm lượng đường sucrose trong mủ cao su thiên nhiên bao gồm: tuổi cây, chế độ cạo và điều kiện thời tiết khí hậu (nhiệt độ, ẩm độ).
Phương pháp chẩn đoán nhanh hàm lượng đường sucrose trong mủ cao su thiên nhiên dựa trên nguyên lý của phản ứng tạo màu giữa thuốc thử đặc hiệu (là hỗn hợp của 1,3-benzenediol và axít clohydric) và đường sucrose có trong mủ cao su (latex) khi được xúc tác nhiệt. Phương pháp chẩn đoán nhanh hàm lượng đường sucrose trong mủ cao su thiên nhiên là phương pháp hoàn toàn mới tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia trồng và phát triển cây cao su trên thế giới.
Phương pháp chẩn đoán nhanh hàm lượng đường sucrose trong mủ cao su thiên nhiên có thể thực hiện ngay tại vườn cao su mà không cần phải mang mẫu mủ nước (latex) về phòng thí nghiệm sinh lý mủ chuyên biệt. Phương pháp này được thực hiện với các bước cụ thể theo thứ tự như sau:
Lấy 1 ml mủ nước cho vào ống nghiệm thủy tinh (mẫu mủ có thể được lấy từ 1 cây đại diện hay mẫu trộn từ nhiều cây khác nhau trên vườn cao su của cùng một giống); Thêm vào ống nghiệm thủy tinh 2 ml thuốc thử BMG-SUC; Đốt nóng ống nghiệm thủy tinh trên ngọn lửa đèn cồn trong 2 phút; Quan sát màu hiển thị của dung dịch bên trong ống nghiệm và so sánh với thang chuẩn màu về hàm lượng đường sucrose trong mủ.
So với phương pháp phân tích hàm lượng đường sucrose trong mủ truyền thống thì phương pháp chẩn đoán nhanh hàm lượng đường sucrose trong mủ cao su thiên nhiên đã khắc phục được những hạn chế với những điểm nổi bật mà ở phương pháp đánh phân tích truyền thống không có được, cụ thể như sau:
-Đặc biệt tiện lợi, dễ thực hiện và hiệu quả với bộ dụng cụ phân tích (bộ kít) đơn giản, dễ sử dụng và không phụ thuộc nhiều vào kỹ năng chuyên môn của người thực hiện.
- Có thể thực hiện phân tích ngay tại vườn cây cao su (không cần phải mang mẫu mủ về phòng thí nghiệm sinh lý mủ của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam).
- Có thể thực hiện phân tích ở tất cả các địa điểm, vùng trồng cao su (không phụ thuộc vào điều kiện giao thông, cách trở địa lý giữa vườn cây cao su và phòng thí nghiệm sinh lý mủ của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam).
- Tiết kiệm chi phí phân tích (giá thành phân tích của phương pháp này chỉ bằng 46,9% so với phương pháp phân tích truyền thống ở phòng thí nghiệm).
- Rút ngắn đáng kể thời gian phân tích và cho kết quả (thời gian lấy mẫu và phân tích chỉ mất khoảng 3 - 4 phút).
- Không phụ thuộc vào thời gian cạo mủ của người công nhân (có thể lấy mẫu mủ và phân tích ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày); Sử dụng ít hóa chất (cả về khối lượng và chủng loại).
- Có thể sử dụng mẫu mủ cô đặc (1 ml) sau khi đã xác định xong hàm lượng đường sucrose trong mủ tại vườn cây để phân tích hàm lượng chất khô tổng số (TSC) và hàm lượng cao su khô (DRC) trong mủ.
Theo chia sẻ của TS Trần Thanh cho hay, phương pháp chẩn đoán nhanh hàm lượng đường sucrose trong mủ cao su thiên nhiên sẽ từng bước được áp dụng diện rộng nhằm xác định thời điểm thích hợp trong tháng để áp dụng chất kích thích mủ tại các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng như các đối tượng trồng và thu hoạch mủ cao su khác.
Phương pháp này sẽ hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và tiết giảm chi phí cho công tác tuyển chọn giống cao su nhằm hướng tới mục tiêu tuyển chọn được những giống có hàm lượng đường sucrose trong mủ cao tương ứng với tiềm năng năng suất mủ cao và ổn định cho cả chu kỳ, đồng thời đáp ứng tốt với chất kích thích mủ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tính ổn định và bền vững trong canh tác cây cao su, giúp gia tăng khả năng cạnh tranh của cây cao su với các loại cây trồng khác.
Ngoài ra, phương pháp này giúp chẩn nghiệm khả năng đáp ứng với chất kích thích mủ của vườn cây cao su, qua đó giúp xác định thời điểm tối ưu trong tháng để áp dụng chất kích thích mủ nhằm khai thác tối đa tiềm năng năng suất của giống mà vẫn đảm bảo “sức khỏe” của vườn cây về lâu dài, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu hụt lao động cạo mủ nên phải giảm nhịp độ cạo (d4, d5, d6) và gia tăng số lần áp dụng chất kích thích mủ trong năm như giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao lợi nhuận, hiệu quả sản xuất kinh doanh cho người trồng cao su; tiết kiệm chi phí, công lao động và thời gian phân tích hàm lượng đường sucrose trong mủ.
Khối lượng và chủng loại hóa chất được sử dụng ở phương pháp chẩn đoán nhanh hàm lượng đường sucrose trong mủ cao su thiên nhiên là ít hơn hẳn so với phương pháp phân tích truyền thống, qua đó góp phần giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe con người và môi trường.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, TS Trần Thanh cho biết: “Tại đơn vị, tôi và các đồng nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo trong công tác chuyên môn. Đặc biệt là ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật sinh học hiện đại trong công tác tạo tuyển giống cao su để có thể tạo tuyển được những giống cao su mới, tiềm năng năng suất “mủ – gỗ”, “gỗ – mủ” cao và ổn định, chống chịu được một số bệnh hại chính, thích hợp với chế độ cạo nhịp độ thấp, thích ứng với từng vùng/tiểu vùng trồng cao su khác nhau cũng như phù hợp với các mục tiêu cụ thể của VRG nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và diễn biến khó lường như hiện nay, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng đất, gia tăng lợi thế cạnh tranh của cây cao su với các loại cây trồng khác, qua đó đóng góp vào sự phát triển ổn định và bền vững Tập đoàn nói chung và Viện nói riêng”.