Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các Hội nghề nghiệp
Ngày 14/8, tại Hà Nội, Viện Công nhân và Công đoàn Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam và Văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Hội viên trong các Hội nghề nghiệp và Hội khoa học kỹ thuật”. Ông Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam); ông Lê Đình Quảng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó trưởng ban Quan hệ Lao động; ông Philip Graovac - Phó trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Ông Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cho các hội nghề nghiệp tham gia nhiệm vụ công; Nhà nước cho thể chế, tạo điều kiện cho các hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội tham gia nhiệm vụ công, đóng góp vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là làm sao để phát huy vai trò, trách nhiệm của hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các hội viên nhằm nâng cao đóng góp cho xã hội?
Ông Philip Graovac - Phó trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, ông Philip Graovac - Phó trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp khiến công nhân, người lao động ở nhiều ngành khác nhau nghỉ việc, mất việc làm, giảm thu nhập. Vì vậy, Hội nghề nghiệp và Hội KHKT Việt Nam cần khẳng định vai trò của công tác Hội và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các hội viên, thành viên.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tháng 8/2019, cả nước có 70.419 Hội, trong đó có 530 Hội có phạm vi hoạt động cả nước và 69.961 Hội hoạt động trong phạm vi địa phương. Các Hội đã có những đóng góp rất quan trọng ở hầu hết các lĩnh vực, từ xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống HIV – AIDS; bình đắng giới – công bằng xã hội đến lĩnh vực nhân đạo, từ hiện… Giá trị của Hội mang lại thông qua các hoạt động như tư vấn; chuyển giao công nghệ; đào tạo, phổ biến kiến thức; vận động chính sách; huy động nguồn lực; giám sát việc thực thi chính sách; nghiên cứu khoa học và hỗ trợ sinh kế.
PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết, Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tập hợp những người làm nghề kế toán và kiểm toán trong cả nước, được thành lập từ năm 1994 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đội ngũ những người làm công tác kế toán, kiểm toán ở nước ta rất đông đảo, đến nay đã có hơn 10.000 người trở thành Hội viên của Hội.
Chia sẻ về kết quả hoạt động của Hội, PGS.TS Đặng Văn Thanh cũng cho biết, qua 26 năm hoạt động, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Muốn Hội phát triển, nhà nước cần chuyển giao các chức năng nhiệm vụ về quản lý nghề nghiệp, từ việc cập nhật kiến thức đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đến tổ chức chương trình đào tạo, thi tuyển và cấp chứng chỉ hành nghề, quản lý đăng ký hành nghề, kiểm soát chất lượng và đạo đức hành nghề… Bên cạnh đóng góp của các Hội, các đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh phối hợp hoạt động giữa trung ương hội với các đơn vị thành viên, hội viên nhằm tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin, tạo sự gắn kết giữa các tổ chức hội để đóng góp được nhân lên nhiều hơn nữa cho xã hội.
Tham luận về một số biện pháp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của hội viên Hội Luật gia Việt Nam, đáp ứng yếu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, một trong những giải pháp mà Phó Chánh Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam Đàm Thanh Tuấn đề xuất là đào tạo, bồi dưỡng hội viên vừa có phẩm chất đạo đức trong sáng, hết lòng vì nước, vì dân, có đầy đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội.
Ngoài những nội dung nêu trên, các đại biểu tham Hội thảo cũng trao đổi một số nội dung liên quan đến nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Lấy ví dụ về sự bất cập trong ký hợp đồng và sa thải giáo viên mầm non xảy ra ở một số tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua, một số đại biểu cho rằng tổ chức Công đoàn Việt Nam nhiều khi chưa có tiếng nói kịp thời và mạnh mẽ… Do đó, thời gian tới cần có sự phối hợp của công đoàn trong vấn đề này.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu nêu những khó khăn bất cập cũng như hướng tháo gỡ để sức mạnh của các hội được giải phóng. BS Đỗ Thị Vân - Giám đốc Trung tâm Thông tin tổ chức phi Chính phủ cho biết, khó khăn bất cập trong việc thành lập và hoạt động của tổ chức xã hội là thủ tục thành lập rườm rà, thời gian thành lập, công nhận điều lệ hội còn kéo dài; việc quy định không trùng lắp lĩnh vực hoạt động làm hạn chế quyền lập hội; chưa có hướng dẫn về thuế riêng cho các tổ chức KH&CN (hiện vẫn áp dụng như doanh nghiệp có thu), chưa có chính sách ưu đãi thuế, khó khăn trong hoàn thuế…
Tin, ảnh: HT