Đảm bảo quyền hưởng dụng của các chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng
Ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, cho biết, hiện nay cả nước có gần 1,5 triệu hộ gia đình, cá nhân (1.481 nghìn) được giao đất giao rừng, cùng với hàng trăm (632) các tổ chức là các ban quản lý rừng đặc đụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp và các tổ chức quản lý các khu rừng nghiên cứu khoa học và đào tạo. Tuy nhiên, các quy định trong luật 2004 và trong Dự thảo luật sửa đổi lại chỉ đề cập chủ yếu đến các chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân, các cộng đồng dân cư được giao đất giao rừng. Như vậy, rất nhiều các hộ gia đình, cá nhân làm rừng hiện nay nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các quy định trong luật, như: những người trồng rừng trên đất của chủ rừng khác theo các quy định về khoán lâu dài (50 năm) theo Nghị định 01của Chính phủ (1992). Trong khi đó, số các hộ gia đình được giao khoán hay những người nhận khoán làm rừng hay bảo vệ rừng theo nghị định 135 sau này là rất nhiều và hiện cả những chủ rừng giao khoán và người nhận khoán đều gặp không ít những khó khăn và bất cập trong quản lý. Ngoài ra, còn phải kể tới những cộng đồng dân cư đã gắn bó với rừng từ nhiều đời nay, nhưng những khu rừng đó hiện đã là rừng của các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng hay của các chủ rừng khác và họ hiện là người ngoài cuộc và trở thành đối tượng xâm hại rừng tiềm tàng của các cơ quan quản lý và chủ rừng.
Đồng quan điểm trên, ông Lương Quang Hùng, Trung tâm Vì con người và Rừng tại Việt Nam, cho rằng, cộng đồng dân cư cần có quyền tương tự như chủ rừng là ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ khi được luật quy định “ Được ngân sách nhà nước đầu tư bảo vệ và phát triển rừng” (Điều 46). Ông Hùng đề nghị bổ sung quy định “được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng” vào khoản đ, Điều 46, bởi theo ông, thực tế ở nhiều địa phương, cộng đồng chỉ được giao những khu rừng nghèo đã bị khai thác cạn kiệt, do đó, để đầu tư sức lao động dài hạn vào rừng cộng đồng trước khi những lợi ích vật chất có thể được khai thác, người dân cần được thế chấp, cho thuê hoặc góp vốn kinh doanh từ rừng được giao.
Hơn nữa, cũng theo ông Hùng, Nhà nước cần có cơ chế tín dụng ưu đãi cũng như chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển thị trường, ứng dụng KHKT và công nghệ cho các cộng đồng và hộ gia đình liên kết trồng rừng theo hướng gỗ lớn và gỗ có chứng chỉ, đặc biệt cho các năm ở cuối chu kỳ (Điều 79) để giúp họ có thể kéo dài chu kỳ sản xuất, vì mặc dù quản lý đến 46,21% diện tích rừng trồng của cả nước nhưng so với các chủ rừng khác, các cộng đồng và hộ gia đình không được đào tạo bài bản, tiềm lực kinh tế hạn chế.
Ở một khía cạnh khác, ông Hoàng Xuân Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đề xuất việc thừa nhận “khu bảo tồn cộng đồng” trong hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên. Đây là khái niệm khá mới nhưng đã được 17 quốc gia trên thế giới thừa nhận, trong đó tại khu vực Đông Nam Á khu bảo tồn cộng đồng đã được thiết lập tại Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Philippin Theo ông Thủy, hiện nay trên thế giới có 209.000 khu bảo tồn – chiếm 15,4% diện tích trên toàn thế giới, trong đó, quản lý cộng đồng chỉ chiếm 1%. Tuy nhiên, cùng với xu hướng đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho bảo tồn thiên nhiên, tỷ lệ các khu bảo tồn và diện tích quản lý bởi cộng đồng đang có xu hướng tăng lên.
Theo ông Thủy, ở Việt Nam, việc thừa nhận các khu bảo tồn cộng đồng quản lý sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu xã hội hóa ngành lâm nghiệp và xã hội hóa về bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo sự tham gia cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp mở rộng diện tích bảo tồn nhưng giảm chi phí đầu tư và quản lý của nhà nước, tạo nên các hành lang xanh, giúp giảm sức ép lên các khu bảo tồn trọng yếu và hỗ trợ chính phủ đạt được các mục tiêu của cam kết quốc tế như mục tiêu Aichi trong khuôn khổ Công ước Đa dạng sinh học CBD và công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC)… Hơn nữa, ông Thủy cho rằng, thừa nhận các khu bảo tồn cộng đồng sẽ giúp đảm bảo lợi ích chính đáng và nâng cao khả năng tiếp cận của người dân với nguồn tài nguyên; cải thiện mối quan hệ trong quản lý tài nguyên giữa các bên, duy trì kiến thức văn hóa bản địa, hài hòa lợi ích giữa bảo vệ rừng với đời sống văn hóa, tinh thần và góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương.
Ngoài những điểm chính trên, các đại biểu dự hội thảo đã có những góp ý cụ thể vào các điều trong dự thảo Luật. Dự thảo này sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp vào tháng 5/2017.