Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 03/03/2023 05:29 (GMT+7)

Đắk Lắk: Một số giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn của đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Đắk Lắk có dân số hơn 1,8 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống. Dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số của tỉnh. Trong đó, đông nhất là dân tộc Êđê với hơn 350.000 người, dân tộc Nùng hơn 75.000 người, dân tộc Tày hơn 53.000 người, dân tộc Mnông hơn 48.000 người, dân tộc HMông hơn 39.000 người, dân tộc Gia Rai hơn 20.000 người,...

Dân tộc Êđê, dân tộc Mnông và dân tộc Gia Rai là những dân tộc sinh sống lâu đời nhất tại Đắk Lắk.

tm-img-alt

Nghiên cứu của Liên hiệp hội Đắk Lắk (DAKUSTA) và Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng (CHD) tại Dự án “Tăng cường năng lực truyền thông thay đổi hành vi và sức khỏe sinh sản cho vị thành niên nhằm giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số” cho thấy: Trong những năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Về tảo hôn: Đắk Lắk có 1.753 cặp, tập trung tại các huyện như: Ea Súp, Krông Búk, Ea H’leo, Krông Bông, M’Drắk, Lắk, Cư M’gar… Các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao là: Êđê, M’nông và HMông ở các xã vùng III. Các thôn, buôn đặc biệt khó khăn có tỷ lệ tảo hôn cao hơn so với những khu vực khác.

Về hôn nhân cận huyết thống: Đắk Lắk có 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh tuy đã có chiều hướng giảm so với những năm trước song tình trạng này vẫn đang tồn tại trong đồng bào các dân tộc thiểu số, phổ biến là kết hôn giữa con cô với con cậu, con dì, con chú với con bác.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành Y tế thì số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thực tế cao hơn nhiều so với số liệu các địa phương báo cáo. Các địa phương không tổng hợp được đầy đủ các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là do: Các cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không thực hiện đăng ký kết hôn, không tổ chức đám cưới, sinh con tại nhà; rất nhiều trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống rơi vào các hộ dân tộc thiểu số di cư tự do, không có hộ khẩu, các địa phương không thể thực hiện được công tác quản lý hành chính về dân cư; các trường hợp kết hôn cận huyết thống thường không chung sổ hộ khẩu; một số dân tộc lại theo họ mẹ nên chính quyền địa phương không xác định được huyết thống của người đi đăng ký kết hôn.

Việc kết hôn sớm làm mất đi cơ hội về học tập, cơ hội về cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của người trẻ tuổi, bà mẹ và trẻ em. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con đã ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỉ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Những trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ mắc các bệnh dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, tử vong sơ sinh cao hơn so với những trẻ em bình thường khác. Những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống thì có tới 25% có khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh di truyền Thalassemia.

Thực tế cho thấy, các huyện nghèo, các xã vùng sâu vùng xa, những nơi có tỷ lệ đói nghèo cao thì tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng gia tăng. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của đói nghèo, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là: Do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Việc kết hôn ở đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán. Việc lấy vợ, lấy chồng chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong làng hoặc của cha mẹ hai bên nam nữ và sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm. Quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy; quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản trong gia đình không mang của cải sang họ khác. Tục lệ bắt vợ của người HMông di cư tự do, tục “nối dây” ở người Êđê, M‘Nông, hủ tục hứa hôn, cưỡng ép hôn mang tính gả bán... một số người có tâm lý muốn sớm có con đàn cháu đống, có người nối dõi. Kết hôn sớm để có thêm lao động cho gia đình, có người làm nương rẫy...

Để khắc phục tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đối với việc lãnh đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hai là, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch và đề ra biện pháp cụ thể để tập trung thực hiện có hiệu quả Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025, và Kế hoạch thực hiện đề án của UBND tỉnh.

Ba là, các địa phương đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên. Chú trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên các cấp, cán bộ xã, thôn; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động, sân khấu hóa.

Bốn là, thiết kế và sản xuất các tài liệu, giáo cụ trực quan, tài liệu truyền thông online, các banner, poster truyền thông điệp tại các trường học bằng hình và chữ. Xây dựng nội dung truyền thông phù hợp riêng cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước. Kết hợp và nâng cao hiệu quả giữa công tác chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm với thi đua khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay trong tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.