Đã rõ mối liên hệ giữa chất độc da cam, dioxin, và bệnh tiểu đường
Ngày 15/7/2005 Bộ quốc phòng Mỹ ra thông cáo báo chí cho biết họ đã xem xét qua bằng chứng nghiên cứu khoa học và đi đến kết luận rằng phơi nhiễm độc chất dioxin là một nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường. Theo thông cáo, các cựu chiến binh bị phơi nhiễm dioxin ở mức độ cao nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp 2,6 lần so với những cựu chiến binh không bị phơi nhiễm dioxin hay bị phơi nhiễm ở mức độ thấp. Các nhóm cựu chiến binh dựa vào phát hiện này yêu cầu chính phủ Mỹ trợ cấp cho các cựu chiến binh nào bị phơi nhiễm dioxin và mắc bệnh tiểu đường. Thực ra, đây không phải là một phát hiện mới.
Bệnh tiểu đường
Hàng ngày qua thức ăn, cơ thể chúng ta thu nhận một lượng đường glucoza. Khi glucoza vào cơ thể, nó sẽ được oxy hóa (tức là nghiền ra từng mảnh nhỏ hay thành chất lỏng) và được chứa trong gan hay trong các tế bào cơ bắp. Glucoza là một nguồn năng lượng lớn cho não và cơ bắp. Có thể nói ví von rằng glucoza trong cơ thể con người như là xăng dầu cho một chiếc xe máy.
Quá trình chuyển hóa glucoza là một cơ chế sinh học tinh vi nhằm cân bằng lượng glucoza thu nhập vào và lượng glucoza tiêu thụ. Insulin là một kích thích tố do tuyến tụy tiết ra. Isulin đóng vai trò điều chỉnh trong quá trình chuyển hóa này: nó ra tín hiệu cho thận và cho gan để quản lý glucoza. Nếu vì một lí do nào đó, lượng insulin không được sản xuất đầy đủ thì đường sẽ lưu lại trong máu, và hàm lượng glucoza trong máu sẽ tăng cao. Nếu lượng insulin trong cơ thể không đủ, sẽ sản sinh ra bệnh tiểu đường loại I. Nếu độ đề kháng của insulin quá yếu và lượng glucoza tăng sẽ sản sinh ra bệnh tiểu đường loại II.
Khi lượng glucoza trong máu vượt nồng độ an toàn, thận sẽ phải hoạt động với cường độ cao và không đủ khả năng chuyển hóa, dẫn tới việc glucoza sẽ được thải ra bằng nước tiểu (glucosuria), vì thế người ta gọi đó là bệnh đái đường.
Một đặc tính rất phổ biến ở những người bị tiểu đường là quá cân hay béo phì tức là những người có lượng chất béo trong người cao. ( Nhưng không phải tất cả mọi người quá cân hay béo phì đều mắc bệnh tiểu đường).Lý do là khi lượng glucoza không đủ, cơ thể phải lấy chất béo làm năng lượng và do đó dẫn đến rối loạn cân bằng axit và kiềm.
Dioxin và bệnh tiểu đường
Dioxin là tên gọi cho một nhóm hóa chất poly-chlori-nated dibenzo-p-dioxins và poly-chlorinated dibenzo-pfurans. Hợp chất độc hại nhất là 2,3,7,8-tetrachloro dibenzo-p-dioxin ( viết tắt là 2,3,7,8-TCDD, hay dioxin). Dioxin thường hòa tan trong chất béo và sữa mẹ. Một khi hấp thụ dioxin, nó tồn tại trong con người khá lâu. Thời gian trung bình cần thiết để con người có thể bài tiết 50% dioxin là 7 đến 10 năm.
Trong vài thập niên gần đây, có nhiều bằng chứng nghiên cứu cơ bản cho thấy dioxin có liên hệ với bệnh tiểu đường. Khi chuột bị nhiễm dioxin, khả năng vận chuyển glucoza trong cơ thể chúng suy giảm một cách đáng kể. Do đó, có thể suy luận rằng nhiễm dioxin, dù ở mức độ thấp, trong một thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường. Các công nhân trong các xưởng sản xuất hóa chât dioxin hay các chất giống dioxin cũng có nguy cơ bị bệnh tiểu đường cao hơn trung bình.
Chất độc da cam và bệnh tiểu đường
Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã phun xuống Việt Nam khoảng 77 triệu lít hóa chất, phần lớn là chất độc da cam. Dioxin là một thành phần hóa học chủ yếu trong chất độc da cam. Chiến dịch phun độc chất này có tên là Operation Ranch Hand (Bàn tay nông dân). Khoảng 1000 lính Mỹ từng luân phiên tham gia vào chiến dịch này.
Sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, Mỹ tiến hành một nghiên cứu y khoa quy mô lấy tên của chiến dịch làm tên của công trình nghiên cứu. Trong công trình này, các nhà nghiên cứu theo dõi tình trạng sức khỏe của hai nhóm cựu chiến binh từng tham gia vào chiến dịch này trong thời gian chiến tranh: nhóm I gồm khoảng 1000 người từng trực tiếp phun hóa chất xuống Việt Nam; và nhóm II có khoảng 1300 người không trực tiếp rải phun hóa chất, nhưng có mặt trong nhà kho, bảo quản hóa chất trong thời gian chiến tranh. Trong thời gian từ 1982, 1985, 1987, 1992, 1997, 2002 và 2004, mỗi cựu chiến binh (nếu còn sống) được khám để thu thập số liệu liên quan đến độ tích tụ dioxin và quá trình phát triển bệnh tật. Một loạt báo cáo khoa học đã được công bố trên các tập san y khoa danh tiếng.
Một trong những phát hiện của công trình nghiên cứu này là những cựu chiến binh từng tham gia vào chiến dịch phun hóa chất xuống Việt Nam có nồng độ dioxin trong máu cao hơn và tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường cũng cao hơn (so với nhóm không phun hóa chất). Trong các cựu chiến binh có nồng độ dioxin cao hơn 90ppt có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn 50% so với những cựu chiến binh với nồng độ dioxin dưới 10ppt.
Trong một công trình nghiên cứu khác, Michalek và đồng nghiệp cũng dựa theo phương pháp phân loại nồng độ dioxin theo nhóm chuẩn, nhóm nhiễm thấp và nhóm nhiễm cao như trên để tiến hành một nghiên cứu trên 871 cựu chiến binh Mỹ tham gia trong Chiến dịch Ranch Hand va so sánh với 1121 cựu chiến binh khác (nhưng không nhiễm dioxin). Họ ghi nhận rằng các đối tượng thuộc nhóm nhiễm dioxin cao có biểu hiện bất thường về nồng độ insulin (kể cả trên bệnh nhân tiểu đường hoặc không mắc tiểu đường), bất thường về nồng độ glucoza khi nhịn ăn (người bị tiểu đường) và bất thường về nồng độ globulin gắn với nội tiết tố dạng steroid trong số những bệnh nhân bị tiểu đường, so với nhóm người đối chứng.
Ngoài ra, một nghiên cứu tại Seveso (Italia) trong 45.000 cư dân từng bị phơi nhiễm dioxin qua một tại nạn kỹ nghệ vào năm 1976 cho thấy trong những cư dân có nồng độ dioxin cao, nguy cơ chết vì bệnh tiểu đường tăng khoảng 30% so với những cư dân có nồng độ dioxin thấp.
Nói tóm lại, các bằng chứng nghiên cứu cơ bản, lâm sàng và dịch tễ học cho thấy phơi nhiễm dioxin là một trong những yếu tố gây ra bệnh tiểu đường. Trong các báo cáo trước đây của Viện Y khoa thuộc Viện hàn lâm khoa học Mỹ xếp mối liên hệ này vào nhóm 1, tức là những bệnh mà “bằng chứng chưa mấy rõ ràng” để kết luận rằng dioxin là một nguyên nhân gây bệnh. Nhưng nay, qua các dữ kiện mới nhất này, mối liên hệ giữa dioxin và bệnh tiểu đường sẽ phải nâng thành bằng chứng thuộc vào nhóm 1. Phát hiện mới nhất về tác hại của dioxin đến bệnh tiểu đường cung cấp thêm một bằng chứng cho thấy dioxin quả là một độc chất nguy hiểm số một.
Phát hiện mới này cũng đặt một câu hỏi cấp bách cho giới khoa học trong nước là Việt Nam cũng cần có một công trình nghiên cứu tương tự trên người Việt. Tác hại của dioxin đòi hỏi một sự cập nhật hóa kiến thức và dữ kiện một cách liên tục. Đã đến lúc Việt Nam cần phải tiến hành một nghiên cứu quy mô về dioxin và chất độc da cam. Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp vào việc ghi nhận những tác hại của chất dộc da cam ở nước ta do đế quốc Mỹ rải xuống trong chiến tranh, làm bằng chứng khoa học cho vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam đòi phía Mỹ phải bồi thường. Mặt khác, các nghiên cứu đó còn góp phần vào việc bồi đắp kho tàng tri thức cho thế giới.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 61(1779)