Đã đến lúc cần nói đến lãng phí trong nghiên cứu khoa học
Tuyệt đại (nói là hầu hết cũng đúng) nội dung các đề tài mà chúng ta tiến hành nghiên cứu là ứng dụng những thành tựu của thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam . Những vấn đề mà chúng ta chọn làm mục tiêu nghiên cứu đối với thế giới thường là quá cũ, có khi cũ đến hai, ba hoặc cũng có thể tới bốn chục năm. Tên đề tài thường chung chung (Các chi tiết lớn; Các chi tiết quan trọng...) không có giới hạn cụ thể. Tỷ lệ kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất có lẽ (theo tôi) chỉ khoảng vài ba phần trăm. Đề cương nghiên cứu của đề tài thường “rộng”, nhiều nội dung nhưng kết quả đạt được thì quá khiêm tốn, lặp đi lặp lại, bảo vệ đạt “xuất sắc” nhưng không để làm gì ngoài việc nộp cho Bộ Khoa học và Công nghệ và gấp bỏ tủ.
Trước đây, chúng ta thường nói KH-CN của nước ta kém phát triển là do kinh phí hạn hẹp (Nhà nước thường cấp không quá một tỷ đồng cho mỗi đề tài) nhưng mấy năm gần đây kinh phí cho mỗi đề tài đã gấp 2-4 lần so với mấy năm trước song kết quả đạt được thì vẫn thế, không khác là mấy. Tỷ lệ ngân sách Nhà nước dành cho nghiên cứu KH-CN đã tăng đáng kể so với 10-15 năm trước và chắc chắn mấy năm tới còn tiếp tục tăng nhưng “thành tựu” đạt được có lẽ chỉ là nâng cao thêm trình độ cán bộ chứ không mang lại gì đáng kể cho nền kinh tế quốc dân.
Mấy năm qua, chúng ta bàn và lo lắng nhiều cho giáo dục và đào tạo và gần như đều thống nhất rằng nền giáo dục ĐH của ta quá lạc hậu và bắt buộc phải đổi mới. Tôi cũng nghĩ rằng nền giáo dục ĐH của ta lạc hậu so với thế giới hàng mấy chục năm, nhưng phải khẳng định rằng kết quả mà nó đạt được không phải là nhỏ. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của chúng ta ngày một đông và phải nói rằng ở một mức độ nào đó đã đáp ứng được nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Chúng ta cũng nói nhiều đến thất thoát trong xây dựng. Tuy nhiên, xét cho cùng, với chế độ đãi ngộ thấp như hiện nay thì dù có thất thoát một tỷ lệ nào đó trong xây dựng thì so với thuê nước ngoài, giá thành công trình vẫn còn hiệu quả lớn. Tôi nghĩ đã đến lúc cần nói đến lãng phí trong nghiên cứu KH-CN.
Hàng năm, Nhà nước chi ra hàng nghìn tỷ đồng cho KH-CN nhưng kết quả thu được là không rõ ràng. Tôi thấy sản phẩm KH-CN của chúng ta trong nhiều năm vừa qua là thứ không định lượng được, không thành hàng hoá để bán và nếu có bán thì cũng rất ít người mua. Đọc bài đề dẫn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trong buổi Thủ tướng gặp mặt các nhà khoa học, ta thấy quá nửa các thành tựu KH-CN mà Bộ trưởng dẫn chứng ra đều không phải là thành tựu của các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước. Vì thế, rất ít người (kể cả người bán lẫn người mua) quan tâm tới các chợ công nghệ.
Có một thực tế hơi lạ: Tổng công ty nào chưa có viện nghiên cứu thì tìm mọi cách để thành lập viện, coi đó như một chỗ dựa tinh thần, một bộ phận không thể thiếu cho sự phát triển của Tổng công ty, còn ngược lại các tổng công ty có viện thì “sống chết mặc bay”, tổng công ty không quan tâm tới các viện và viện cũng không “nhờ vả” gì được ở tổng công ty.
Trên thực tế, các viện của chúng ta hiện nay đang hoạt động như một công ty, kiếm việc làm và cạnh tranh với các công ty khác để tồn tại. Sắp tới các viện nghiên cứu ứng dụng sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình “doanh nghiệp khoa học”. Điều này đã thành Nghị định của Chính phủ và ai cũng cho là rất đúng, là đổi mới trong KH-CN. Nhưng riêng tôi thì lại lo hơn là mừng.
Nhớ lại năm 1997, chúng ta đã chuyển một số viện sang trực thuộc các Tổng công ty với hy vọng sẽ gắn nghiên cứu với sản xuất nhưng thực tế thì tuyệt đại bộ phận các viện này không được các Tổng công ty trọng dụng, các viện mai một dần và hậu quả là các bộ vẫn phải ngó tới như một đứa “con nuôi”. Sắp tới sau khi trở thành doanh nghiệp (viện hoạt động theo mô hình doanh nghiệp) dù là doanh nghiệp khoa học thì vấn đề số một của họ là tìm kiếm để có công ăn việc làm, có thu nhập cho cán bộ công nhân viên và điều tất yếu phải đến là nghiên cứu khoa học sẽ tiếp tục không còn là trọng tâm số 1 của viện nữa. Đến lúc đó, viện có lẽ sẽ càng không thể góp phần “Đưa KH-CN trở thành động lực” như mong muốn của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Bản thân tôi không có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu KH-CN nhưng tôi cũng muốn có một vài ý kiến nhỏ đóng góp trong vấn đề này. Trước tiên, tôi xin nêu vài kinh nghiệm của Trung Quốc và Đài Loan mà tôi được biết:
Khi đến Bắc Kinh công tác, tôi có nói chuyện với một giáo sư Trung Quốc thì được biết bên cạnh Quốc vụ viện có một hội đồng các nhà khoa học. Hội đồng này làm nhiệm vụ tư vấn thẩm kế lại toàn bộ các dự án do các bộ, ngành trình lên trước khi đưa ra thông qua ở Quốc hội. Nhờ có ý kiến tư vấn của hội đồng khoa học này mà nhiều công trình tiết kiệm được 20-30%. Nhà nước trích một phần lợi nhuận này để trả lương cho thành viên của hội đồng và đã có những thành viên hội đồng nhận mức thù lao gấp cả trăm lần mức lương bình thường.
Trung Quốc quan tâm nhiều đến việc làm ra các sản phẩm hoàn chỉnh cho thị trường, đặc biệt là việc mua công nghệ, mua bản quyền và mời gọi chuyên gia có trình độ chuyên môn giỏi từ nước ngoài về để làm ra các sản phẩm đạt chất lượng cao.
Tôi đã đến tham quan và làm việc với Khoa cơ điện tử của Viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp Đài Loan (Industrial Technology Reseach Institute). Viện này có trên 6.000 người, trong đó gần 5.000 người chuyên làm công tác nghiên cứu. Khuôn viên của viện rộng 65 ha. Viện hoạt động bằng hai nguồn kinh phí: Kinh phí của Chính phủ cấp và kinh phí từ các hợp đồng kinh tế, trong đó kinh phí của Chính phủ cấp chiếm 70-75%. Những đề tài mà họ nghiên cứu là những đề tài mới không chỉ với Đài Loan mà mới cả so với thế giới. Ví dụ, họ tập trung nhân lực và tài chính nghiên cứu về công nghệ nano, hệ thống lái xe tự động, cải tiến một số chi tiết trên máy bay của hãng Boeing theo đơn đặt hàng , cải tiến nâng cấp điện thoại di động thế hệ mới nhất...
Họ nói với tôi rằng công nghiệp của Đài Loan phát triển được chính là nhờ những công trình nghiên cứu của viện này. Tháng 6 năm 2005, tôi đến thăm viện thì cũng là lúc họ chuẩn bị khai trương một trường đại học, điều đó nói lên rằng gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo ĐH không phải là vấn đề quá tiên quyết. Tôi không có điều kiện và cũng không có nhiệm vụ tìm hiểu sâu về phương thức hoạt động của họ nhưng cảm nhận của tôi là viện của họ mới đúng là viện nghiên cứu, mới đúng là động lực thúc đẩy xã hội phát triển còn viện của ta đang là một công ty và sắp tới phải hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thì chắc chắn mãi mãi vẫn chỉ là một công ty, thậm chí là một công ty nhỏ thiếu thốn, chắp vá về trang thiết bị.
Mấy năm vừa qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc chọn lựa, tổ chức thực hiện, tổ chức giám sát các đề tài nghiên cứu nhưng rõ ràng rằng nếu cứ tiếp tục làm “đều đều” thế này thì chẳng biết đến ngày nào KH-CN mới trở thành động lực như lãnh đạo Đảng và Nhà nước mong muốn.
Nguyên nhân chủ yếu (theo thiển nghĩ của tôi) là:
1. Nhà nước cấp kinh phí cho nghiên cứu khoa học nhưng lại không nêu lên mục tiêu, yêu cầu cụ thể và đặc biệt là kết quả cần đạt được cho từng giai đoạn nghiên cứu. Chẳng hạn tại sao trong 5-6 nhiệm kỳ (từ 1980 đến 2005) nghiên cứu khoa học vừa qua Nhà nước không đặt ra thời hạn (với một khoản kinh phí được cấp nào đó) thì Việt Nam sẽ chế tạo được hoàn chỉnh xe gắn máy, chế tạo được thiết bị toàn bộ cho một trạm thuỷ điện 10, 15MW, chế tạo được thiết bị toàn bộ cho một nhà máy chế biến lương thực, chế biến thức ăn thuỷ sản, chế biến thức ăn cho gia súc, chế tạo được ô tô, chế tạo được tàu thuỷ cỡ lớn, chế tạo được điện thoại di động...
Tôi nhớ khi nước ta bắt đầu làm đường điện 500KV. Lúc đó, chúng ta chưa biết mạ kẽm nóng cột điện là gì thế mà chỉ trong vòng mấy tháng chúng ta (Viện Nghiên cứu cơ khí) đã nghiên cứu thành công mạ kẽm nóng cột điện và việc làm đó có hiệu quả cho đến hôm nay. Chỉ có điều kết quả nghiên cứu này chẳng nằm trong chương trình nghiên cứu KHCN nào mà nó làm theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ.
2. Các nhà khoa học thường chọn những vấn đề thuộc thế mạnh của mình để đề xuất đề tài nghiên cứu. Hình như các nhà khoa học Việt Nam chỉ muốn tiếp tục nghiên cứu những cái mình có chứ không tập trung sản xuất ra những cái xã hội cần, chỉ tập trung nghiên cứu công nghệ mà rất ít nghiên cứu về sản phẩm hoàn chỉnh. Giải thích thế nào khi chúng ta có cả chục đề tài nghiên cứu về công nghệ chế tạo các chi tiết của xe gắn máy mà sau gần 20 năm nghiên cứu nước ta vẫn chỉ nội địa hoá được vài ba chục %.
3. Chúng ta tập trung quá nhiều tiền của, sức lực vào việc nghiên cứu những vấn đề mà thế giới đã thành thục từ lâu. Lẽ ra (theo tôi) với số kinh phí đó hoặc nhiều hơn chút ít chúng ta mua luôn công nghệ của nước ngoài vừa nhanh vừa bảo đảm thành công, áp dụng ngay được vào sản xuất đồng thời buộc các nhà khoa học phải tập trung thời gian nghiên cứu những vấn đề khác khốc liệt hơn nhưng cũng thời sự hơn.
Vừa qua, Viện Nghiên cứu cơ khí (nơi tôi đang công tác) được Bộ Công nghiệp giao nhiệm vụ thiết kế một số hạng mục cơ khí thuỷ công (cửa van phẳng, cửa van cung, lưới chắn rác, đường ống áp lực, cổng trục...) cho một số trạm thuỷ điện lớn. Nếu công việc này được giao dưới dạng đề tài theo chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp nhà nước thì có lẽ 10 năm không làm xong. Nhưng vì là đề tài phục vụ sản xuất do Bộ Công nghiệp giao nên Viện đã mời một số chuyên gia của Ucraina sang làm tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật. Kết quả sau hơn một năm, Viện đã làm xong thiết kế cho 5 trạm thuỷ điện và đang tiếp tục nhận thiết kế các trạm khác. Nhiều cán bộ của Viện đã trở thành các chuyên gia giỏi mặc dù trước đó họ không được đào tạo về lĩnh vực công trình thuỷ điện. Có lẽ cách làm này hiệu quả hơn so với lập ra các đề tài nghiên cứu khoa học theo kiểu định kỳ như hiện nay.
Từ những ví dụ trên, tôi xin có kiến nghị:
1. Nhà nước tập trung kinh phí cấp cho các công trình nghiên cứu, trong đó ưu tiên cho phép mua công nghệ để làm ra các sản phẩm hoàn chỉnh đồng bộ có thể bán ra trên thị trường hoặc chuyển giao cho sản xuất.
2. Song song với việc chuyển các viện nghiên cứu thành các doanh nghiệp khoa học như Nghị định của Chính phủ, cần liên kết một số viện có tiềm lực, có nhiều chuyên gia giỏi thành (hoặc thành lập mới) một viện lớn, trọng điểm (như Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp của Đài Loan hoặc Binh đoàn chủ lực trong quân đội) trực thuộc Chính phủ hoặc Bộ Công nghiệp, nghiên cứu tập trung những vấn đề bức xúc của sản xuất, những vấn đề giúp cho khoa học của Việt Nam tiến dần lên ngang tầm với các nền khoa học tiên tiến của khu vực và thế giới, những vấn đề phục vụ đắc lực mang tính chiến lược cho nền kinh tế quốc dân, thật sự góp phần làm ra của cải vật chất cho đất nước.
3. Xem lại tính hiệu quả hoạt động của các ban chủ nhiệm chương trình KH-CN cấp Nhà nước. Theo tôi nên chọn các chuyên gia giỏi để lập ra Ban chủ nhiệm đề tài cho từng nhiệm vụ (sản phẩm) cụ thể. Ban chủ nhiệm đề tài có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng Bộ KH-CN hoặc cho Bộ chủ quản chọn lựa các đề tài nhằm hoàn thành một nhiệm vụ (một sản phẩm) cụ thể.
Nguồn: VietNamNet 7/10/2005