Đã có thiết bị làm sạch nước nhiễm amoni
Kết quả kiểm tra mới nhất của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội khẳng định ba nhà máy nước Pháp Vân, Tương Mai và Hạ Đình bị nhiễm amoni. Nhà máy Nam Dư công suất 30.000 m3/ngàyđêm thuộc dự án cấp nước 1A đang bị kiểm điểm và chậm tiến độ thi công hơn một năm nay cũng nằm trên nguồn nước nhiễm amoni. Chính vì thế, vừa qua, Ban Quản lý Dự án xin bổ sung xây dựng hạng mục công trình xử lý amoni và đã được duyệt. Theo TSKH Trần Văn Nhị, không chỉ khu vực Nam Hà Nội nơi vừa phát hiện 3 nhà máy nước bị nhiễm bẩn hợp chất nitơ (chất sinh ra từ rác thải, chất thải của người và động vật), hiện nay vùng nước ngầm của Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng đều có nguy cơ nhiễm amoni. Các thành phố lớn, những khu vực đông dân cư, các làng nghề chế biến thực phẩm hay chăn nuôi nhiều đều có nguy cơ nước sinh hoạt khai thác từ nước ngầm bị nhiễm các hợp chất nitơ do nguồn nước thải không có đường thoát, tích trữ và thẩm thấu vào nguồn nước ở dưới. Hà Nội có hơn 30.000 giếng do dân tự khoan, tập trung nhiều ở ngoại thành và ven sông. Phần lớn các giếng khoan này không được bịt kín theo tiêu chuẩn khi hết giá trị sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nước bẩn thẩm thấu vào hệ thống nước ngầm. Diện tích nước ngầm bị nhiễm các hợp chất nitơ tăng từ 7-14 km2 với tầng dưới, nặng nhất là mạn Nam thủ đô. Hơn 50% giếng đang khai thác bị nhiễm amoni, chủ yếu ở Pháp Vân, Văn Điển, Yên Sở, Cầu Biêu, Thượng Đình, Mễ Trì. Hơn 53% giếng được... khảo sát nhiễm hợp chất nitrat và 4% nhiễm nitrit. Kết quả đánh giá tác động môi trường do Viện CNSH thực hiện trong năm 2001-2002 cho thấy hầu hết nước giếng khoan tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm của nước ta có hàm lượng amoni lớn, vượt xa tiêu chuẩn cho phép, có nơi tỉ lệ amoni vượt chỉ tiêu cho phép 1000 lần. Khi bơm nước lên sử dụng, qua lọc cặn sắt, thấy nguồn nước giếng này xuất hiện lượng lớn nitrit và nitrat, các hợp chất lấy oxygen của hồng cầu và có thể gây ung thư. Thôn Minh Hoà (Minh Khai, Hoài Đức, Hà Tây), làng bún miến, qua kiểm tra nguồn nước giếng khoan bằng hóa chất thấy nước chuyển sang vàng đục, màu của amoni. Tại làng bún Phú Đô (Từ Liêm), chất thải chăn nuôi và sản xuất không qua xử lý được thải thẳng xuống đất gây ô nhiễm môi trường. Phân tích mẫu nước tại đây thấy mức nhiễm độc nitrit và amoni cao, có hộ độ nhiễm nitrit là 247mg/l (tiêu chuẩn là 0,01mg/l). | |
Việc cần làm ngay Vùng có nguy cơ nhiễm độc nước sinh hoạt cần xét nghiệm mẫu nước, nhất là với các hộ đang sử dụng nước giếng khoan thủ công. "Biện pháp xử lý đã có, điều quan trọng là người dân cần được biết nước mình đang sử dụng hàng ngày có bị nhiễm độc không", TSKH Trần Văn Nhị, Trưởng phòng Quang- Sinh kiêm chủ nhiệm đề tài, nói. Ông cũng cho biết hiện Viện CNSH có khả năng xét nghiệm chất lượng nước theo yêu cầu của mọi đối tượng có nhu cầu. Thời gian xét nghiệm chỉ mất 10 phút. Những người ở Hà Nội có thể mang mẫu nước gia đình đến trực tiếp phòng Quang Sinh. Với các địa phương khác, Sở KHCN có thể cử người lên Viện để chuyển giao kỹ thuật, mua hoá chất, giống vi sinh về lọc nước tại địa phương. Nhiều bạn đọc băn khoăn làm thế nào để xử lý được các hợp chất nitơ độc hại trên quy mô gia đình trước khi các cơ sở lọc nước của nhà nước làm việc đó. Rất may, các nhà khoa học trong nước đã đáp ứng phần nào đòi hỏi bức xúc ấy. Trước hết, xin lưu ý các thiết bị lọc nước bán trên thị trường hiện nay không có chức năng khử nitơ liên kết ở trong nước (amoni, nitrat, nitrit). Chúng chỉ có tác dụng lọc khuẩn hay một số kim loại nặng. Thiết bị lọc nước duy nhất ở Việt Nam hiện nay có thể làm sạch nước bị nhiễm amoni và các hợp chất của nitơ là máy khử nitơ liên kết (NIREF) của Viện Công nghệ Sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam).? Máy có cấu tạo như một bình lọc nước, hoạt động theo nguyên lý lọc sinh học với vi khuẩn thuộc nhóm Nitrosomonase, Nitrobacter và vi khuẩn khử nitrat trên vật mang có độ bền cao. Đây là sản phẩm ứng dụng thuộc đề tài nghiên cứu của Phòng Quang- Sinh học (Viện CNSH) được đưa vào sử dụng trong Chương trình Quốc gia Nước sạch &Vệ sinh Môi trường. TSKH Nhị cho biết máy có khả năng làm sạch nước nhiễm amoni và nitrit bằng cách sử dụng vi sinh chuyển hóa amoni, nitrit trong nước thành nitrat. Sau đó một loại vi sinh khác sẽ chuyển hóa nitrat thành khí nitơ bay vào không khí, một loại khí trơ không gây ô nhiễm môi trường. Loại 50-100 lít giá 1-1,5 triệu đồng/chiếc, thích hợp nhất cho quy mô gia đình. Loại bình dung tích lớn hơn phù hợp với nhu cầu sử dụng nước của tập thể. Thiết bị lọc nước được bảo hành 1 năm. Nếu thấy không đạt tiêu chuẩn khách hàng được trả lại. Bình lọc NIREF chỉ bán duy nhất tại phòng Quang Sinh, Viện CNSH. Mỗi ngày xưởng thí nghiệm tại đây sản xuất tối đa 10 bình do thiếu nhân công và diện tích nhà xưởng, người đứng đầu cơ sở thí nghiệm và triển khai ứng dụng NIREF trần tình. Muốn nâng công suất không khó vì điều quan trọng nhất là giống vi sinh thì Viện tự lo được với số lượng không hạn chế. Ngoài sử dụng bình lọc khử nitơ liên kết của Viện CNSH, còn có một số phương pháp khác có thể làm sạch nước bị nhiễm độc. TS Nguyễn Văn Khải, người vừa mang nước ozone đi cứu thành công mận Bắc Hà về, cho biết có thể dùng nước ozone để làm sạch amoni và nitrit trong nước. Hỏi về khả năng dùng nước ozone để lọc nước sinh hoạt nhiễm hợp chất nitơ, TS Nhị cho biết nước ozone lọc được amoni. Tuy nhiên hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc vào việc người dân biết sử dụng liều lượng nước ozone hợp lý theo hàm lượng amoni trong nước sinh hoạt hay không. Thiết bị lọc khử được các hợp chất nitơ trong nước sinh hoạt chỉ là giải pháp tình thế cho nhu cầu sử dụng nước sạch của người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Quan trọng hơn, đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến chất lượng nguồn nước, của trời cho không phải vô tận và luôn luôn trong sạch. Giữ gìn sự trong sạch tài nguyên nước đồng nghĩa với việc phải có biện pháp xử lý chất thải đúng cách.
|