“Cú huých” phát huy tư duy sáng tạo
Cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ là một “sân chơi” trí tuệ dành cho lứa tuổi từ 6 đến 19 tuổi trong toàn quốc. Đối với Phú Yên “sân chơi” này đã thu hút được khá đông sự tham gia của các em học sinh trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Cuộc thi đã tạo cho các em có môi trường rèn luyện tư duy, kỹ năng sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
Nhớ lại Cuộc thi lần thứ 1 (2014-2015) Ban Tổ chức Cuộc thi phát động từ tháng 4/2016 đến cuối tháng 7/2016, khoảng thời gian ngắn nhưng lợi thế là thời gian nghỉ hè nên học sinh có thời gian thực hiện và tham gia. Qua chọn lọc sơ khảo, Ban tổ chức dã chấm điểm đã trao thưởng 34 giải pháp gồm: 04 giải Nhì, 17 giải Ba, 13 giải Khuyến khích và chọn 3 giải pháp tham gia dự thi cấp toàn quốc, trong đó giải pháp “Mô hình máy diệt muỗi đa năng” đạt giải Ba Cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ toàn quốc.lần thứ 12 (2015-2016)
Và Cuộc thi lần thứ 2 (2016-2017) Liên hiệp Hội Phú Yên (Cơ quan thường trực Cuộc thi) tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh Đoàn Phú Yên, chọn huyện Sông Hinh, Đồng Xuân 2 trong 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên và huyện Đông Hòa, đơn vị mới thành lập chia tách từ huyện Tuy Hòa (Đông Hòa và Tây Hòa) để tổ chức lễ phát động Cuộc thi.
Cuộc thi lần thứ 2 (2016-2017) qua tuyển chọn từ cơ sở có 31 giải pháp vào vòng chung khảo chấm điểm tổng kết trao giải, gồm 02 giải Nhất; 05 giải Nhì; 10 giải Ba và 14 giải Khuyến Khích và lựa chọn 10 mô hình sản phẩm tiêu biểu đạt giải cao tại gửi tham dự Cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ toàn quốc lần thứ 13 (2016-2017). Kết quả, giải pháp “Máy vớt rác tự động trên kênh mương” của nhóm tác giả: Võ Trần Minh Phúc, Huỳnh Bảo Hân, đạt giải Khuyến khích.
Qua các giải pháp dự thi cho thấy từ những ước mơ, khát vọng của các học sinh, các em đã tận dụng những vật liệu có sẵn tại địa phương hoặc vật liệu phế thải làm ra các mô hình và hầu hết các giải pháp được các tác giả quan tâm đến môi trường sống, môi trường học tập của học sinh...
Học sinh Nguyễn Lê Sang và Lê Nguyên Trí ở thành phố Tuy Hòa, đạt giải Nhất với giải pháp “Thiết bị dạy học cho người khiếm thị của cấp Tỉnh” bày tỏ rất nhân văn: “Giải pháp này nhằm giúp người khiếm thị thuận tiện trong sinh hoạt cũng như học tập hằng ngày” Và một điều hết sức nhân văn đó là giải pháp này lóe lên niềm tin cho những người mắt không nhìn thấy ánh sáng biết đọc, viết và hòa nhập cuộc sống cộng đồng.
Hai học sinh Võ Ngọc Quỳnh Như, Hồ Nguyễn Trung Kiên ở Trường THCS Trần Cao Vân, Tp. Tuy Hòa đạt giải Nhất với Giải pháp “Đèn bàn học đa năng” một mô hình được làm nhỏ gọn, có nhiều chức năng tiện ích như: đuổi muỗi, thắp sáng, nghe nhạc, nghe đài, có độ sáng không gây đau mắt, thân thiện với lứa tuổi học sinh. Theo 2 học sinh cho biết: “Vật liệu dùng để chế tạo đèn bàn học đa năng có sẵn tại địa phương nên dễ thực hiện và chi phí đầu tư rất thấp”
Còn Giải pháp “ Robot quản lý căn hộ qua internet” của tác giả Nguyễn Văn Tú, ở phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa đã sử dụng kết hợp mềm dẻo các thiết bị ứng dụng công nghệ về Internet of things thật tiện lợi. Tác giả cho chúng tôi biết: Ý tưởng xuất phát từ nhu cầu của gia đình, mỗi khi đi làm xa rất muốn biết được điều gì đang xảy ra trong căn hộ của mình. Muốn biết được cửa đã đóng hay chưa, điện đã tắt hết hay chưa, hay việc theo dõi những diễn biến khác tại gia đình để kịp thời xử lí, giảm được những tổn thất không mong muốn.
Nhóm tác giả Nguyễn Lê Tiến Huy và Nguyễn Lê Quang Huy ở Huyện miền núi Đông Xuân tham gia với giải pháp “Máy bơm nước tự động ”đạt giải Nhì, theo thuyết minh của tác giả tại buổi chung khảo “Hệ thống máy bơm nước tự động giúp chúng ta điều khiển mở máy bơm nước, tắt máy bơm nước từ xa. Thiết bị có thể báo động khi có sự cố xảy ra như lượng nước bơm bị hụt hoặc bị nghẹt nước do rác...Kịp thời tắt máy bơm nước, không gây ra các sự cố về điện”
Giải pháp “Phần mềm FLBB” của nhóm tác giả Phạm Phúc Thuần, Trương Hải Anh Thắng và Thái Chí Vỹ ở huyện Phú Hòa Sử dụng phần mềm scrath 2.0. Cấu hình cài đặt: Hệ điều hành Window. Là giải pháp game giải trí trong quá trình học tập có giao diện dễ sử dụng và mức độ game không khó cho người sử dụng.
Giải pháp “Diễn đàn học tập và giải trí” của tác giả Nguyễn Thảo Quỳnh, huyện Tây Hòa là website hỗ trợ học tập, giúp mọi người dễ dàng sẻ chia kiến thức mới, tốt nhất là các cuộc thi trên Internet được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thường xuyên trên Internet,... Phần mềm được thiết kế dưới dạng website nên dễ dàng phục vụ việc truy cập; bất kì nơi nào có kết nối internet.
Tại buổi lễ Tổng kết trao giải Cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ lần thứ 2 (2016-2017) ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị đồng tổ chức Cuộc thi, trong đó có vai trò quan trọng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của các sở, ban ngành đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị tham gia. Vầ ông chúc mừng và biểu dương những thành tích của các học sinh, những nhà sáng tạo trẻ, đã đạt các giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ tỉnh Phú Yên lần thứ 2.
ThS. Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp Hội Phú Yên, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi, khẳng định: Tuy những mô hình sản phẩm tham gia Cuộc thi vẫn còn ít so với tiềm năng của học sinh, nhưng một số giải pháp của các học sinh đêm đến Cuộc thi đã phản ánh sự phát triển của tư duy sáng tạo khoa học kỹ thuật trong môi trường học tập và trong đời sống hàng ngày. Một số mô hình sản phẩm có tính sáng tạo được ứng dụng trong giảng dạy, học tập tại các nhà trường, trong đời sống. Các mô hình sản phẩm đạt giải đã thể hiện rõ tính ham học hỏi, tư duy nghiên cứu của lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng và là niềm tự hào của tuổi trẻ tỉnh nhà; là cơ sở để hình thành những nhà sáng tạo trẻ, các nhà khoa học tương lai góp phần thiết thực xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng phát triển./.