Công tác điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên ở nước ta
Vì sao phải tiếp tục điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiên thiên nhiên của nước ta. Các tài nguyên và điều kiện thiên nhiên là nguồn vốn cơ bản của mỗi nước. Khả năng kinh tế và mức sống của nhân dân từng nước nói chung, gắn liền với sự giàu có và mức độ khai thác, sử dụng tài nguyên và điều kiện thiên nhiên của nước đó. Một trong số những vấn đề trọng yếu đối với mỗi nước là phải hiểu biết càng đầy đủ càng tốt về đất nước mình. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, điều này chỉ có thể đạt được khi chúng ta thực sự quan tâm đầu tư trang thiết bị và con người cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên. Xin được lưu ý, ở đây sẽ không đề cập toàn diện, đầy đủ đến các dạng điều tra cơ bản khác về kinh tế, xã hội.
Do vậy, điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên của nước ta là một công tác phải làm thường xuyên, liên tục. Các kết luận khoa học đã rút ra cho dù có chính xác và đầy đủ đến đâu, cũng có giá trị trong những khoảng thời gian lịch sử nhất định. Thêm vào đó, rõ ràng công tác điều tra cơ bản ở nước ta trong thời gian qua còn nhiều tồn tại đáng kể, cần được bổ sung, khắc phục bằng các chương trình điều tra cơ bản mới ở các cấp độ quy mô khác nhau, càng sớm, càng tốt.
Nhìn lại việc tổ chức các chương trình điều tra cơ bản thời gian qua. Trong nhiều thập kỷ qua, nước ta đã tiến hành khá nhiều chương trình điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên. Có thể nhận thấy, nội dung cơ bản của công tác điều tra tài nguyên và điều kiện thiên nhiên bao gồm 2 mặt có liên quan mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau, không thể xem nhẹ mặt này hoặc coi trọng mặt kia, đó là điều tra chuyên đề và diều tra tổng hợp. Điều tra chuyên đề là điều tra từng yếu tố của thiên nhiên, cụ thể là điều tra một số dạng tài nguyên như: tài nguyên khoáng sản đất, nước mặt, nước ngầm,… và điều kiện thiên nhiên như khí tượng thủy văn, các trường vật lý, điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình,… Điều tra tổng hợp các khu vực tự nhiên là điều tra toàn bộ thiên nhiên trong một không gian cố định, nghiên cứu mối quan hệ hữu cơ giữa các yếu tố .
Có thể nêu ra một số công trình mang tính chất điều tra tổng hợp đã được hoàn thành như: Phân vùng địa lý tự nhiên miền Bắc Việt Nam, Điều tra tổng hợp vịnh Bắc Bộ, Chương trình điều tra nghiên cứu tổng hợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình điều tra tổng hợp vùng Tây Bắc, Chương trình điều tra cơ bản tổng hợp lãnh thổ Tây Nguyên... Các chương trình này đã huy động được hầu hết các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các Viện chuyên ngành,... trong cả nước tham gia.
Vào thập niên đầu của thế kỷ XXI, trên phạm vi cả nước, công tác điều tra cơ bản có vẻ lắng xuống, nhưng riêng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thì lĩnh vực điều tra cơ bản vẫn được quan tâm. Có thể nêu ra một số đề tài về hướng nghiên cứu này như: “Điều tra, đánh giá đất trống, đồi núi trọc các tỉnh miền núi phía Bắc”. “Điều tra đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Xuân Sơn”, “Điều tra, đánh giá nguy cơ hoang mạc hóa ở tỉnh Điện Biên”,…
Bài học rút ta từ việc thực hiện các chương trình điều tra nghiên cứu tổng hợp các vùng, miền trong cả nước thời gian qua như Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra tổng hợp về mặt tự nhiên, cũng như điều tra tổng hợp nói chung các vùng lãnh thổ và lãnh hải của nước ta; Tiếp tục hướng điều tra chuyên đề, trong đó có điều tra đa dạng sinh học bởi lẽ hàng năm vẫn tiếp tục phát hiện được các loài mới cho khoa học, loài mới cho hệ thực vật, hệ động vật Việt Nam. Vào thập niên 90 của thế kỷ XX phát hiện một chi mới cho khoa học là chi Bách vàng ở khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn. Năm 2011 phát hiện được 1 loài Thông 5 lá mới ở khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, Sơn La trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 loài thông 5 lá là Thông Pà cò và Thông Xuân Nha.
Công tác điều tra tổng hợp đã góp phần cùng công tác điều tra cơ bản nói chung, một mặt hoàn chỉnh và nâng cao hiểu biết của chúng ta về các tài nguyên của đất nước, những thế mạnh và những hạn chế về điều kiện thiên nhiên, từ đó đề xuất chiến lược phát triển kinh tế, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Thực tiễn công tác điều tra cơ bản đã giúp một số đơn vị có các lĩnh vực chuyên môn thuộc hoạt động điều tra cơ bản tự xác định được những vị trí cần thiết, xứng đáng trong lĩnh vực điều tra cơ bản. Tuy nhiên đấy chỉ mới là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để có điều kiện đủ rất cần có sự giúp đỡ, quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành và đấy cũng chính là cơ hội để cao hơn vị này đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.