Công tác bảo vệ môi trường tại các di sản
Cùng với tác động của biến đổi khí hậu và con người, Venice đang đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại. Hằng năm, với khoảng 60.000 du khách ghé thăm các công trình kiến trúc ở Venice (Italia) đang bị xâm hại nghiêm trọng do các con tàu du lịch neo đậu khắp nơi khiến thủy triều dâng cao hơn nền móng. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa cũng đang bị mai một do lượng du khách tăng lên với số lượng chóng mặt.
Cũng trong tình trạng tương tự, quần thể đền đài Angkor tại Campuchia cũng bị tác động nghiêm trọng từ du lịch. Sự gia tăng số lượng khách du lịch đã gây sức ép về dân số sống trong các khu vực công viên khảo cổ ở Angkor. Sau 8 năm, dân số sống trong khu vực di sản đã tăng từ 120.000 người năm 1992 lên 22.000 người năm 2010. Dân số và lượng khách du lịch tăng đã dẫn tới sức ép về việc sử dụng nguồn nước. Vào những tháng cao điểm, đặc biệt là mùa khô, việc khai thác quá mức mực nước ngầm và các hồ chứa dưới lòng đất dẫn tới sụt lút đất dưới chân các ngôi đền làm gia tăng nguy cơ các di tích có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Hiện tượng đáng buồn trên cũng đang là thực trạng diễn ra ngay tại các di sản của Việt Nam. Với hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đa dạng ,phong phú trong đó có nhiều di sản văn hóa và di sản thiên nhiên mang tầm vóc thế giới được vinh danh như: Quần thể di tích Huế, Vịnh Hạ Long, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Chăm Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Cao nguyên đá Đồng Văn….công tác bảo vệ môi trường tại các di sản này cũng đang hết sức lo ngại. Có thể dễ dàng nhận thấy môi trường cảnh quan trong và ngoài di sản đang gặp phải những vấn đề nổi cộm như: Môi trường thiên nhiên truyền thống của một số di sản bị biến dạng một phần do các công trình xây dựng bao quanh khu di sản không phù hợp với quy hoạch của khu di sản về vị trí, màu sắc, kiểu dáng, kích cỡ phá vỡ kiến trúc, cảnh quan của di sản; Môi trường, cảnh quan thiên nhiên bị ô nhiễm do sự phát triển quá nóng của du lịch, sự tập trung quá đông người trong mùa lễ hội đã gây sức ép đối với hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống nước thải, môi trường đất, khói bụi, tiếng ồn….; Không gian của di sản bị ô nhiễm, biến dạng do việc phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ, phát triển sản xuất một cách ồ ạt, không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường cả trong khu vực di sản và vùng đệm; Tốc độ đô thị hóa nông thôn diễn ra nhanh chóng không theo quy hoạch đang xóa sổ các làng cổ, các không gian văn hóa nông thôn. . .
Mới đây, ngày 25/7/2014, ông Kishore Rao, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới đã gửi thư tới Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đồng thời gửi Ủy ban Quốc gia UNESCO (UBQG) Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội đề nghị giải trình về sai phạm ở Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Trong thư có đoạn: “Trung tâm Di sản thế giới gần đây nhận được thông tin liên quan việc xây dựng Nhà Quốc hội và một bức tường bao quanh bên cạnh Hoàng thành Thăng Long-được ghi danh vào Danh sách Di sản thế giới năm 2010. Theo thông tin đó, việc xây dựng Nhà Quốc hội và tường bao quanh có thể gây ra những tổn hại không thể sửa chữa đối với di sản.
Cũng theo ông Kishore Rao: “Những tổn hại này có thể đe dọa tính nguyên gốc và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này. Hơn thế nữa, nó cũng nêu bật lên những vấn đề liên quan đến việc quản lý di sản- những vấn đề có thể ảnh hưởng việc gìn giữ di sản”.
Trước đó, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã kiến nghị khẩn cấp lên Chính phủ cùng các cơ quan liên quan về việc bảo vệ Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Thực trạng đáng lo ngại về công tác bảo vệ môi trường cũng đang diễn ra tại khu vực Chùa Cầu nằm trong quần thể khu di sản Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Với sự gia tăng lượng khách du lịch đổ về đây đã gây lên sự xâm thực chân Chùa Cầu và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng trăm hộ dân, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dọc các tuyến đường Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo... xả thẳng nước thải xuống dòng kênh Chùa Cầu, khiến dòng nước đen ngòm, sủi bọt trắng xoá, bốc mùi tanh hôi nồng nặc, gây bức xúc cho người dân và du khách. Đây là nơi xả thải của hơn 12.000 người dân và gần 30 khách sạn, 3 nhà hàng lớn cùng nhiều nhà hàng nhỏ với khối lượng trên 2.000 m 3nước thải từ hệ thống mương thoát nước thải của 3 phường Minh An, Cẩm Phô, Tân An (Hội An) khiến tình hình ô nhiễm ở đây càng trở nên nghiêm trọng.
Trên đây chỉ là thực trạng của hai trong số nhiều di sản đang bị xâm hại về môi trường, cảnh quan. Để bảo đảm cho việc quản lý và bảo vệ môi trường tại các di sản được tốt hơn, hiệu quả hơn cần tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường với những nguồn lực đủ mạnh để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng xâm phạm môi trường, cảnh quan xung quanh di sản. Bên cạnh đó, cần đảm bảo hài hòa giữa việc phát triển kinh tế-xã hội với việc bảo tồn, phát triển các di sản.