Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 03/06/2005 21:25 (GMT+7)

Công nghệ mới xử lý nước nhiễm dầu triệt để

Thống kê của Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho thấy, bình quân mỗi năm nước ta xảy ra 5-6 vụ tai nạn tàu chở dầu, nhiều vụ làm tràn hàng nghìn tấn dầu DO, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đó là chưa kể các tàu thuyền vận tải, đánh cá... cũng xả trực tiếp nước rửa sàn lẫn dầu nhớt xuống sông, biển, gây chết các loài động thực vật thuỷ sinh. Cho tới nay, Việt Nam mới chỉ có một trung tâm ứng cứu sự cố tràn dầu tại miền Trung, do doanh nghiệp Sông Thu của Tổng cục kinh tế và công nghệ quốc phòng đảm nhiệm. Hai trung tâm khác tại miền Nam và miền Bắc đang ở giai đoạn xây dựng, do vậy, việc xử lý các tai nạn tràn dầu như tại TP HCM vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, thường muộn màng và để lại hậu quả nghiêm trọng.

Trước thực tế này, kỹ sư Lê Ngọc Khánh (TP HCM) đã sáng chế ra vật liệu hút dầu petro-abs và máy tách dầu SOW có khả năng nhanh chóng tách nước khỏi dầu. Cả hai được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cục sáng chế Nhật Bản cấp bằng sáng chế.

Từ các sáng chế trên, nhóm nghiên cứu gồm TS Nguyễn Trần Dương, Kỹ sư Lê Ngọc Khánh, TS Trần Trí Luân và Giáo sư Nguyễn Hữu Niếu đã tiến hành dự án độc lập cấp nhà nước 2002-2004, hoàn thiện quy trình sản xuất thử các vật liệu petro-abs, các tấm hút dầu từ vật liệu này và các hệ thống thu gom, tách dầu khỏi nước. Trên cơ sở các công nghệ này, nhóm nghiên cứu đã thành lập một trung tâm đóng các tàu chuyên dụng phục vụ xử lý tràn dầu, dành cho 2 khu vực sát nhau, với 2 hệ thống công nghệ khác nhau:

- Khu vực sát bờ: Hiện nay trên thế giới hoàn toàn bỏ trống khu vực này, mà chỉ làm thủ công. Đó là vì các tàu lớn với hệ thống phao lớn không thể vào được. Thiết bị của nhóm nghiên cứu là thuyền nhỏ chuyên dụng, có thể vào sát bờ, trên thuyền có trang bị hệ thống phao chắn, tấm hút dầu và máy tách dầu - nước tại chỗ. Dầu gom được xử lý ngay tại hiện trường mà không phải chuyển về đến đất liền, bỏ qua rất nhiều khâu tốn kém như quy trình hiện nay của thế giới.

- Với tai nạn tràn dầu ở khu vực ven bờ (cách bờ 20-30 hải lý) và ngoài khơi: Nhóm nghiên cứu đã thiết kế loại tàu SOW-Skimmer từ vật liệu composite, trang bị hệ thống liên hoàn đa năng, có thể hút và tách dầu ngay tại chỗ, đạt 1.000 m3/ngày, ra nước sạch nhỏ hơn 5 ppm dầu.


Các phao chắn có thể hút dầu và các tấm hút dầu

Các phao chắn có thể
hút dầu và các tấm hút dầu

TS Dương (Viện Kinh tế TP HCM), Chủ nhiệm dự án, cho biết khi có sóng cấp lớn, hệ thống hút thu này có thể được ghép vào hệ thống ứng cứu tai nạn tràn dầu của thế giới hiện nay, giúp tănghiệu quả xử lý lên 5-7 lần. Người ta sẽ thả vật liệu hút dầu của nhóm nghiên cứu vào giữa phao chắn dầu thông thường để hút sạch dầu, rồi đưa lên thuyền xử lý. Với mỗi kg vật liệu có thể hút từ 30đến 60 kg dầu (tuỳ loại dầu nổi hay dầu đặc như FO), lại có khả năng tái sử dụng từ 400 đến 600 lần, các tấm hút dầu này được xem là hiệu quả hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Máy tách nhanh dầu nước SOW cũng được xem là thiết bị mới nhất trong lĩnh vực này. Nó có khả năng xử lý nước thải chứa dầu tới độ sạch dưới 1 ppm, mà ngay cả các nước tiên tiến cũng chưa đạt hiệu quả như vậy. Chỉ cần cho dầu pha nước, đổ vào máy, lập tức máy sẽ tách ra nước sạch không gợn chút váng, và hoàn toàn có thể dùng trên quy mô công nghiệp. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thiết bị có thể xử lý 200 m 3nước thải nhiễm dầu/ngày và có thể ghép 10 máy lại với nhau, cho tổng công suất xử lý lên đến 2.000 m 3/ngày, nghĩa là gấp đôi khả năng tối đa của hệ thống ly tâm siêu tốc, được dùng phổ biến hiện nay. Phương pháp ly tâm siêu tốc cho phép tách ở mức độ 15 ppm, không sạch bằng, nhưng lại tốn kém hơn nhiều. Xử lý bằng phương pháp này tốn 30-36 đôla cho 1 khối, trong khi bằng máy tách SOW chỉ mất không quá 2 đôla. Diện tích và khối lượng của máy tách SOW cũng chỉ nhỏ bằng 1/10 hệ thống thiết bị ly tâm siêu tốc.

Không những tách được dầu khỏi nước (nghĩa là xử lý nước thải hoặc nước biển có lẫn dầu), một loại máy SOW khác còn có thể tách gần như triệt để nước khỏi dầu, dùng trong việc làm sạch dầu hút lên từ giàn khoan.

Nhóm nghiên cứu cho biết, các hệ thống trên rất hữu hiệu với các tỉnh có nguy cơ như Hải phòng, Quảng Ninh, Quy Nhơn, Nha Trang, Cần Thơ, khu vực sông Đồng Nai, là những nơi có thể xảy ra các vụ tràn dầu nhỏ.

Giá tàu lớn SOW-Skimmer là 3 tỷ đồng và thuyền nhỏ là 300 triệu đồng.

Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống công nghệ trên hiện tại, có thể nói là sáng chế độc quyền của Việt Nam. "Những vụ tràn dầu hàng nghìn tấn mà thế giới lúng túng thì chúng ta có thể xử lý được, nếu được chuẩn bị đầy đủ phao, thiết bị, tàu... Do đó nếu đầu tư sản xuất trong vòng 5 năm, chúng ta hoàn toàn có thể có vị trí quốc gia trên nền công nghệ này, và từ đó thế giới phải công nhận. Nói cách khác, khi đó ta có thể chuyển một thế mạnh khoa học thành thế mạnh kinh tế, thị trường", ông Dương nói. Trước mắt, các nhà khoa học mong muốn được Chính phủ quan tâm đầu tư, ứng dụng các hệ thống này tại các trung tâm cứu hộ tràn dầu của Việt Nam, đặc biệt trong xử lý tràn dầu gần bờ.  

Liên hệ: Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế TP HCM. ĐT: 08.9321.339. Fax: 08.9321.370.


Thuận An


Nguồn: VNExpress ngày 2/6/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.