Chống sập nhà số 6 Nguyễn Hữu Huân (đầu cầu Chương Dương, Hà Nội) Thạc sĩ Đỗ Quốc Khánh, giám đốc công ty cho biết, trong các loại sự cố xây dựng, sự cố lún - nghiêng - sập cục bộ vẫn là vấn đề nan giải nhất ngay cả với các nước tiên tiến. Tại Việt Nam, trước kia các tài liệu nghiên cứu về loại sự cố này chỉ nằm rải rác ở vài báo cáo lẻ tẻ, chủ yếu mang tính cảnh báo chứ chưa hề có các nghiên cứu lớn. Chẳng hạn, một số chuyên gia của Đại học Xây dựng đã áp dụng thành công việc gây lún cưỡng bức bằng bao tải cát đặt lên công trình, hay như ông Cẩm Lũy đã dùng các biện pháp thủ công để chỉnh nghiêng và di dời nhà. Cũng chưa có tổ chức cá nhân nào đăng ký bảo hộ trong lĩnh vực này. Công ty xử lý lún nghiêng Việt Nam là công ty đầu tiên trong cả nước hoàn thiện hệ thống công nghệ và chính thức biến việc xử lý lún - nghiêng - sập cục bộ thành một ngành nghề kinh doanh.
Công nghệ này nói một cách hình ảnh là “phương pháp chữa bệnh mang màu sắc đông y”. Nếu như “tây y” hoàn toàn dựa trên các số liệu đo độ nghiêng, lún, các yếu tố tác động… để đưa ra giải pháp xử lý, thì đông y còn dùng đến những khảo sát bằng mắt để phát hiện các dấu hiệu lâm sàng, dùng các nhân chứng, vật chứng để chẩn đoán bệnh trạng của công trình.
Công nghệ gồm 3 bước. Đầu tiên, các kỹ sư chẩn đoán bệnh và sơ cứu công trình. Việc chẩn đoán có thể dựa trên những vết nứt, biến dạng, tư thế đứng, độ tuổi, kích thước, độ cứng hay sự rung lắc của công trình khi có ô tô đi qua. Giai đoạn 2 được gọi là điều khiển nhà. Thực chất đây là việc chuyển công trình sang dạng cân bằng động, sau đó, chỉ cần dùng một năng lượng nhỏ để căn chỉnh độ nghiêng, lún của nó. Khi đã chỉnh xong, người ta sẽ khóa cân bằng động này lại để đảm bảo công trình đứng vững (cân bằng bền). Bước cuối cùng là phân tích kết cấu, chạy mô hình trên máy tính để kiểm định chất lượng công trình. Sau công đoạn này, nếu cần sẽ gia cố bổ sung.
Trong bước 2, ông Khánh đã đưa thêm vào những khái niệm mới như khởi động, tăng tốc, giảm tốc, phanh nhà và điều khiển nhà, hay kích tiến công, kích yểm trợ, kích điều chỉnh (trong mảng thiết bị). Bước này hiện được công ty thực hiện thủ công, song ông Khánh cho biết họ sẽ cố gắng để tự động hóa vào năm tới và tiến xa hơn là điều khiển nhà bằng vi tính.
Công nghệ không những áp dụng được cho việc xử lý các sự cố lún - nghiêng - sập cục bộ, mà còn có thể áp dụng cho việc nâng, di dời hay dỡ bỏ nhà. Từ năm 1995 tới nay, công nghệ này đã giúp ông Khánh khắc phục được gần 30 công trình lún đều và hơn 20 công trình lún - nghiêng- sập. Trong đó, lớn nhất là căn nhà cao 8 tầng (7 lầu, 1 tầng hầm) tại thị xã Hà Giang, cao 28 mét và nặng 1.200 tấn. Căn nhà bị lún 60 cm, nghiêng 1,2 mét, sập vỡ 6 chân cột trong vòng 6 tiếng, đã được Chủ tịch tỉnh Hà Giang hạ lệnh phá dỡ. Các kỹ sư của Công ty xử lý lún nghiêng đã dùng phương pháp kích nâng trên đỉnh cọc nhồi (lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam) nâng bổng tòa nhà lên 70 cm, thay móng cọc đơn bằng móng cọc nhồi và cọc BT ống thép, đồng thời thay 6 cột gẫy.
Còn trong công trình nhà 3 tầng (ngõ 203, Kim Ngưu, Hà Nội), các kỹ sư đã thực hiện nâng đồng bộ cả nhà và bể phốt lên 15 cm trong vòng 8 tiếng mà không bị nứt vỡ. Với ngôi nhà 5 tầng (số 60, ngõ 191, Minh Khai, Hà Nội) bị lún và nghiêng 48 cm, công ty đã cho nhà quay theo trục móng dọc, đạt 48 cm trong vòng 5 ngày. Đây là công trình có tốc độ quay nhanh nhất ở Việt Nam.
Ông Khánh cho biết các công trình lún - nghiêng - sập khi được xử lý thường tốn 10-30% kinh phí so với việc tháo dỡ và xây mới. Việc thi công không nhất thiết cần đến mặt bằng nên không cần giải tỏa các công trình lân cận. Khác với công nghệ cắt móng, công nghệ này dẫn đến việc có thể di dời công trình mà không cần cắt móng, ở cả những vùng đất yếu. Tuy nhiên, công trình sẽ không xử lý được nếu chung tường, chung móng với nhà xung quanh.
Nguồn: http://vnexpress.net ngày 26/12/2003 |