Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 08/07/2005 16:39 (GMT+7)

Công nghệ “hàn” sọ, thay khớp xương của một Việt kiều

- Tôi là Hiếu - Lê Chí Hiếu. Tôi là người Việt, vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam mà... Tôi đến từ Trung tâm Công nghệ chế tạo thuộc Trường ĐH Tổng hợp Cardiff (Xứ Wales, Vương quốc Anh) và cũng là thành viên của Viện Kỹ thuật mô Cardiff.

- Anh đang cầm vật gì... hình như là hộp sọ người?


- À! Đây là mảnh ghép sinh học thay thế xương sọ của một bệnh nhân tại Quân y viện 108 do chính tay tôi thực hiện tại trung tâm nghiên cứu ở Anh. Sẵn dịp về Nha Trang dự cuộc gặp gỡ các nhà khoa học trẻ, mang về giúp bệnh nhân luôn... Đây là công nghệ rất cao - công nghệ lập mô hình y sinh học (Biomedical Modelling). Thật ra công nghệ này chỉ khoảng 10 tuổi thôi, còn ứng dụng chỉ mới được triển khai khoảng sáu năm nay. Còn rất mới mẻ trên thế giới... Có thể nói nhóm nghiên cứu của chúng tôi là một trong những nơi mạnh nhất thế giới về lĩnh vực này. Trung tâm của tôi hiện có 80 nhà khoa học và tôi phụ trách các vấn đề liên quan đến ứng dụng y học, tạo hình và kỹ thuật đo lường.

- Anh có thể cho biết cụ thể hơn về công nghệ này...


- Công nghệ lập mô hình y sinh học - Biomedical Modelling cho phép lập mô hình ba chiều các cấu trúc giải phẫu người dựa trên hình ảnh y học (ảnh chụp cắt lớp CT hoặc MRI) và dữ liệu của công nghệ sao chép và tạo hình lại sản phẩm (Reverse Engineering). Từ đó các mô hình vật lý của các cấu trúc giải phẫu, các mảnh ghép (bộ phận cấy ghép) thay thế, các công cụ trợ giúp phẫu thuật, các mô hình đào tạo phẫu thuật, các thiết bị và dụng cụ y học, các khung giá đỡ cho kỹ thuật mô sẽ được tạo hình và chế tạo...

Hãy hình dung có một bệnh nhân bị chấn thương đầu do tai nạn giao thông, có thể bị vỡ sọ. Công nghệ "lập mô hình y sinh học" cho phép các bác sĩ nhìn thấy được tình trạng hộp sọ bệnh nhân ra sao thông qua xử lý ảnh y học và mô hình ba chiều được tạo dựng từ các ảnh chụp cắt lớp. Với công nghệ này giúp các bác sĩ có thể dễ dàng nhận biết và tính toán chính xác kích thước mảnh vỡ sọ, vị trí và hình dạng vùng chấn thương sọ. Hơn thế nữa, công nghệ tạo mẫu nhanh, hiện đại cho phép chúng ta có thể in ra hình dáng các loại vật thể từ mô hình ba chiều. Như vậy, với các công nghệ nói trên đã cho phép chúng ta tạo ra một mô hình sao chép chính xác sọ của bệnh nhân và mô hình này có thể cầm nắm được.

Thay vì sử dụng các ảnh chụp cắt lớp hai chiều hay ảnh X-quang như trước đây, ngày nay các bác sĩ đã có một mô hình sao chép chính xác tình trạng chấn thương sọ bệnh nhân để phục vụ phẫu thuật và chẩn đoán tình trạng bệnh lý. Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể thực hiện thao tác phẫu thuật trên mô hình sao chép này trước khi đi vào phẫu thuật (thật) trên bệnh nhân. Điều này giúp tăng độ chính xác của các thao tác phẫu thuật và độ an toàn cho bệnh nhân sẽ tăng lên. Đặc biệt, thời gian phẫu thuật được giảm đi rất nhiều, có thể tiết kiệm được 1 - 2 tiếng đồng hồ so với phương pháp cũ...

- Công nghệ này không chỉ giúp hàn gắn những hộp sọ bị vỡ...?


- Công nghệ lập mô hình y sinh học cho phép phát triển nhiều ứng dụng y học. Trong tương lai gần, việc thay thế các bộ phận hay cấu trúc giải phẫu bị mất đi hay bị hư hại do bệnh lý sẽ được thực hiện một cách chính xác, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về y học và kỹ thuật cho bệnh nhân. Như vậy bệnh nhân không phải sử dụng các bộ phận thay thế nhân tạo chuẩn, có kích thước đôi khi không phù hợp với bệnh nhân, ví dụ như các khớp gối và khớp háng nhân tạo.


(A): Mảnh ghép sọ và mô hình vật lý có thể cầm nắm được in ra từ mô hình ba chiều

(A): Mảnh ghép sọ và mô hình vật lý có thể cầm nắm được in ra từ mô hình ba chiều ( B).
(B): Mô hình ba chiều của bệnh nhân có khuyết sọ
do tai nạn giao thông.
(C): Mô hình cấu trúc xương xốp Trabecular.
(D): Mô hình khớp gối có các cấu trúc ba chiều của xương và phần mô mềm được tạo hình từ ảnh chụp cắt lớp.


Ngày nay, khoa học cho phép lấy mô của bệnh nhân, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để tạo hình các cấu trúc giải phẫu bị mất đi rồi sau đó cấy ghép lại cho bệnh nhân. Ví dụ nếu bệnh nhân mất một phần xương hàm, người ta sẽ lấy mô của xương hàm, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để tạo hình phần xương hàm đã mất rồi cấy ghép lại cho bệnh nhân.

- Anh quan tâm đến việc phát triển công nghệ y sinh học tại Việt Nam?


- Cho đến thời điểm này nguồn lực về lĩnh vực công nghệ y sinh học (Biomedical Engineering - BME) đã được tạo dựng ở Việt Nam và Thái-lan. Đã có ít nhất 12 luận văn thạc sĩ và tiến sĩ, nghiên cứu về các lĩnh vực ứng dụng công nghệ y sinh học cho khu vực. Cũng đã có ít nhất 25 ứng dụng cụ thể về công nghệ y sinh học được thực hiện tại các bệnh viện ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực tạo hình và phẫu thuật khuyết hộp sọ, phục hồi chức năng và chấn thương chỉnh hình...

Với sự trợ giúp về tài chính và công nghệ của Chính phủ Bỉ và Thái-lan, dự án công nghệ y học (Medtech) đã được thực hiện ở khu vực ASEAN từ năm 1999 nhằm tạo nguồn lực về công nghệ y sinh học cho khu vực đặc biệt là Thái-lan và Việt Nam. Dự án này hiện đã kết thúc. Mục tiêu cuối cùng của dự án là làm sao cho các sản phẩm y học đắt tiền và công nghệ y học cao cấp ở các nước tiên tiến có thể được triển khai và ứng dụng ở các nước đang phát triển. Và những công nghệ này sẽ được chuyển giao từ châu Âu và sẽ được thực hiện bằng chính nguồn nhân lực tại các nước đang phát triển. Từ đó sẽ giảm được giá thành điều trị bệnh và điều quan trọng hơn nữa là nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

Ở Việt Nam có các bệnh viện và trường đại học tham gia hoặc là đối tác tin cậy của Medtech trong việc chuyển giao công nghệ y sinh học từ châu Âu về Việt Nam: Quân y viện 108, Quân y viện 103, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm Nacentech thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân Dân 175, Bệnh viện Tiền Giang, Trung tâm Y tế Vietsovpetro.


Các đồ gá dẫn hướng khoan được dùng trong phẫu thuật thay thế răng giả.

Các đồ gá dẫn hướng khoan được dùng trong phẫu thuật thay thế răng giả. Những sơ đồ hoạch định phẫu thuật được thực hiện một cách chính xác trên máy tính dựa trên kỹ thuật xử lý ảnh y học ba chiều. Dựa vào các sơ đồ hoạch định phẫu thuật, các công cụ trợ giúp
phẫu thuật được thiết kế và chế tạo.


- Nhưng các ứng dụng của công nghệ này chỉ có thế dành cho người giàu?

- Các ứng dụng của công nghệ y sinh học còn khá đắt so với điều kiện sống ở Việt Nam. Tuynhiên, nếu được triển khai bằng chính nguồn lực tại chỗ, giá thành sẽ giảm nhiều. Ví dụ, một mảnh ghép bằng vật liệu sinh học Bone Cement cho điều trị khuyết sọ, giá thành ở châu Âu là 1.000 - 2.500USD. Nhưng nếu được chế tạo ở Việt Nam có thể giảm tới 400 - 600 USD. Hiện nay, để thực hiện các ứng dụng này, nhóm các chuyên gia về công nghệ y sinh học và các bác sĩ đã phải trợ giá rất nhiều chocác bệnh nhân ở Việt Nam. Những mảnh ghép bằng titanium hay các bộ phận thay thế nhân tạo cho khớp gối và khớp háng có giá thành 2.000 - 4.000 USD.

Hiện tôi vẫn thường tạo mô hình miễn phí tại nơi tôi đang làm việc và gửi về Việt Nam, nên chi phí phẫu thuật cho các bệnh nhân bị chấn thương sọ cũng giảm khá nhiều. Trong tương lai, tôi nghĩ cần có tổ chức hỗ trợ bệnh nhân nghèo sử dụng công nghệ này. Để giảm giá thành điều trị các chấn thương sọ, tôi đã có một nghiên cứu nhỏ, phân tích hình ảnh của khoảng 120-150 sọ người Việt Nam để đưa ra các hình học chuẩn cho hộp sọ của người Việt Nam. Từ đó tôi thiết kế các mảnh ghép sọ chuẩn dành cho người Việt Nam. Cách này có thể giúp giảm chi phí cho bệnh nhân cần điều trị... Tuy nhiên, so với Thái-lan, việc chuyển giao và phát triển công nghệ y sinh học ở Việt Nam lại rất chậm.

- Tại sao lại chậm?


- Tôi nghĩ có mấy lý do: đội ngũ nhân lực chuyên ngành sâu trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ y sinh học ở Việt Nam còn rất thiếu. Trong khi đó việc phối hợp giữa các ngành rất chậm so với Thái-lan.

Chính phủ Thái-lan hiện đã đầu tư đến bốn dự án và đã thành lập trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực này rồi. Nhưng tại Việt Nam, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy nơi nào có thể đầu tư chuyển giao công nghệ một cách hoàn chỉnh. Đây là điều mà chúng tôi trăn trở nhất. Tôi hoàn toàn có thể chuyển giao công nghệ này cho Việt Nam với vinh dự "tôi là người Việt", chứ không chú trọng đến tính thương mại, mặc dù đây là công nghệ có tính thương mại rất cao.

(A, C): Bệnh nhân bị khuyết sọ bên phải do tai nạn giao thông.

(A, C): Bệnh nhân bị khuyết sọ bên phải do tai nạn giao thông.
(B): Mảnh ghép nhân tạo được thiết kế chính xác cho bệnh nhân.
(C, D): Bệnh nhân trước và sau phẫu thuật; ca phẫu thuật được thực hiện tại Quân y viện 108, VN. (E, F): Tấm mỏng titanium dùng trong việc điều trị khối u xương ở xương đùi.
(G, H): Công cụ trợ giúp phẫu thuật dùng trong phẫu thuật cột sống.


Theo tôi, để thực hiện thành công việc chuyển giao công nghệ y sinh học ở Việt Nam, các bác sĩ và nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực vật liệu sinh học, thiết kế chế tạo, xử lý ảnh yhọc... cần phải hợp tác một cách chặt chẽ. Ngoài ra, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về quản lý công nghệ cần được nâng cao, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học trong và ngoàinước có thể hợp tác với nhau thực hiện các nghiên cứu ứng dụng cho Việt Nam ở cấp quốc gia. Nên chăng Chính phủ cũng cần phải có các chương trình khoa học và nghiên cứu trọng điểm, nhằm đầu tư bềnvững vào các lĩnh vực và các sản phẩm ứng dụng có giá trị công nghệ cao (High Added Value Products) để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh. Hiện tại có nhiều nhà khoa học Việt Nam có thể làm chủnhiều công nghệ cao, có giá trị thực tiễn lớn và khả thi ở Việt Nam. Những tổ chức như câu lạc bộ các nhà khoa học và công nghệ Việt kiều do giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (vương quốc Bỉ) đang thành lập sẽlà những cầu nối và liên kết rất tốt cho việc chuyển giao công nghệ cao về Việt Nam.

- Anh sẽ trở về Việt Nam?


- Hiện tại tôi vẫn mang quốc tịch Việt Nam và chắc chắn tôi sẽ mãi là người Việt Nam. Tôi rất muốn trở về Việt Nam và chắc chắn sau này tôi sẽ trở về Việt Nam. Có lẽ ngày đó sẽ không xa.

Tôi lúc nào cũng rất tự hào mình là người Việt Nam. Tôi gặp nhiều giáo sư là người Việt Nam rất giỏi như giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (Bỉ), giáo sư Võ Văn Tới (ĐH Tổng hợp Tuff, Hoa Kỳ)... Và một người nữa có lẽ ở Việt Nam ít biết đến nhưng tôi nghĩ mọi người nên biết, đó là giáo sư DT Phạm. Ông hiện là giáo sư ĐH Tổng hợp Cardiff và cũng là Giám đốc Trung tâm Công nghệ chế tạo thuộc đại học này. Ông đã có hai bằng tiến sĩ và đã công bố trên 200 công trình khoa học...

- Những giá trị một ngày làm việc của anh tại Anh đến hàng trăm USD, thì về Việt Nam...


- Vật chất cũng quan trọng thật, nhưng chúng tôi có đủ khả năng làm việc để có cuộc sống đàng hoàng ở Việt Nam. Nếu các khu công nghệ cao thành công, tôi sẽ trở về để nghiên cứu và giảng dạy tại đó.

TS Lê Chí Hiếu khẳng định:

Nhóm Biomedical Engineering của chúng tôi đã sở hữu những công nghệ hàng đầu của thế giới hiện nay, đặc biệt là các lĩnh vực:

1. Công nghệ tạo hình và sao chép lại sản phẩm(Reverse Engineering): với công nghệ này, chúng ta có thể tạo hình ba chiều tất cả những vật thể từ mức vi mô khoảng 5 micron) tới vĩ mô như nhà cửa, ô-tô. Công nghệ RE cho phép "sao chép" những sản phẩm sẵn có trên thị trường như ô-tô, diện thoại di động trên cơ sở tái tạo lại các mô hình ba chiều (3D) những mô hình 3D này sẽ được sử dụng để chế tạo hay phát triển các sản phẩm mới.

Ứng dụng y học của công nghệ này là cho phép tạo hình bên ngoài của bệnh nhân như khuôn mặt, chân tay, khớp gối... từ đó phát triển các công cụ phục hồi chức năng.

2. Công nghệ thiết kế và chế tạo nhanh:đây là một loạt công nghệ cao cho phép tạo hình, thiết kế, tính toán thiết kế và chế tạo các sản phẩm từ mô hình thiết kế 3D trên máy tính như công nghệ thay bằng tia laser, công nghệ tạo mẫu và công cụ nhanh các máy gia công cắt gọt đa trục...

3. Thiết kế và chế tạo các mô hình y học,các công cụ trợ giúp phẫu thuật, các mảnh ghép và bộ phận thay thế nhân tạo cho con người và phát triển các thiết bị y học.

4. Đồ họa và tạo hình ba chiều:với sự kết hợp công nghệ RE và xử lý ảnh các mô hình ba chiều ở bất kỳ hình dạng nào cũng được tạo hình. Những lĩnh vực ứng dụng cần sự trợ giúp của công nghệ này gồm có: phim hoạt hình, tạo hình, xử lý ảnh y học.

Hiệp hội Công nghệ y sinh học Việt Nam cũng đang được thành lập nhằm làm cầu nối giữa các nhà khoa học ứng dụng để phát triển các ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ trong lĩnh vực y học, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh cho bệnh nhân. Rất mong Chính phủ Việt Nam các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ các hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y sinh học nói riêng và khoa học ứng dụng nói chung tại Việt Nam.

Nguồnwww.nhandan.com.vn  25/06/2005

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).