Công chức và giao tiếp hành chính công
Giao tiếp là một dạng hoạt động quan trọng của con người, trở thành đối tượng nghiên cứu mà nhiều ngành khoa học quan tâm: Thông tin học xem giao tiếp là một quá trình phát tin – nhận tin và xử lý thông tin qua những hình thức, những phương tiện hay những kênh thông tin khác nhau. Tâm lý học nhìn nhận giao tiếp như quá trình tiếp xúc người – người, là hoạt động hình thành, phát triển và vận hành quan hệ, tâm lý và cả tính cách con người. Xã hội học cho rằng giao tiếp bao giờ cũng mang tính xã hội, dù đó có thể là giao tiếp cá nhân hay giao tiếp nhóm hoặc cộng đồng, giao tiếp trực tiếp, gián tiếp hay trung gian… Triết học văn hóa và Văn hóa học khẳng định rằng giao tiếp là một hoạt động của con người mang tính “Người” nhất, vì đó là một dạng hoạt động của ý thức nhằm góp phần trao đổi, kế thừa, bảo lưu hoặc phát triển các giá trị văn hóa đã được sáng tạo và tích lũy trong lịch sử để qua đó con người có thể thỏa mãn các nhu cầu văn hóa tinh thần của mình, là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển của con người và xã hội.
Và khi xã hội càng phát triển, tiến bộ, văn minh thì giao tiếp trở nên một chuẩn mực trong đánh giá cách xử sự của con người, là một bậc thang trong các thang bậc giá trị con người, nhất là nơi công cộng, đặc biệt nơi công quyền. Vậy, khi đến những cơ quan công quyền, bạn nghĩ gì về công chức và giao tiếp của công chức trong hoạt động hành chính công?
Hoạt động giao tiếp hành chính công diễn ra ở hai mối quan hệ cơ bản thông qua ba dòng giao tiếp: dòng giao tiếp giữa cấp trên với cấp dưới gọi là dòng giao tiếp quyền lực – phục tùng; dòng giao tiếp giữa đồng nghiệp với nhau gọi là dòng giao tiếp vai trò, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ; dòng giao tiếp ra bên ngoài xã hội công dân gọi là giao tiếp phục vụ công dân, cung ứng dịch vụ công bộc phục vụ công dân, cung ứng dịch vụ công tốt nhất đáp ứng nhu cầu xã hội công dân. Hai dòng giao tiếp thứ nhất và thứ hai thể hiện mối quan hệ bên trong tổ chức, dòng giao tiếp thứ ba thể hiện mối quan hệ bên ngoài xã hội công dân. Công chức trong thực hiện hoạt động quản lý nhà nước nói chung và trong cương vị công tác cụ thể nói riêng, đều phải tham gia vào các quan hệ giao tiếp và các dòng giao tiếp này.
Giao tiếp hành chính công là một giao tiếp xã hội đặc biệt, mà thực chất là phần quan trọng trong lễ nghi nhà nước. Lễ nghi nhà nước được hiểu là phương thức giao tiếp trong hoạt động quản lý nhà nước mà mọi người phải thực hiện nghiêm chỉnh.
Giao tiếp hành chính công đến nay trong bất kỳ nhà nước nào vẫn là một giao tiếp xã hội đặc biệt, với những đặc điểm và nguyên tắc rất riêng của giao tiếp hành chính công.
Về đặc điểm, giao tiếp hành chính công là giao tiếp có mục đích phục vụ công chúng; giao tiếp hướng đến hiệu lực và hiệu quả quản lý; giao tiếp có tính chuẩn mực bắt buộc đối với công chức.
Về nguyên tắc, đảm bảo sự hài hòa về mặt lợi ích giữa các bên tham gia giao tiếp trong khuôn khổ pháp luật; bình đẳng trong giao tiếp; tôn trọng các giá trị văn hóa của cộng đồng và của cá nhân người giao tiếp.
Chính vì giao tiếp hành chính công chứa đựng cả quy tắc pháp lý và quy tắc đạo đức, phải được công chức nhà nước nhận thức như sau:
Giao tiếp hành chính công với tính quy phạm pháp lý
Hành chính nhà nước bao gồm hệ thống định chế theo thứ bậc chặt chẽ và thông suốt từ trung ương tới địa phương. Hệ thống các cơ quan nhà nước tạo nên bộ máy hình chính nhà nước và thuật ngữ “bộ máy” cho thấy tính liên kết chặt chẽ của các yếu tố cấu thành bộ máy và khi một khâu nào đó vận hành không trôi chảy, không thông suốt có thể làm cho cả bộ máy không vận hành được. Tương tự, trong mỗi cơ quan nhà nước cũng tồn tại hệ thống thứ bậc chặt chẽ. Tổ chức theo hệ thống thứ bậc là cách thức cần thiết để xác định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan và từng công chức. Tất cả các thẩm quyền và trách nhiệm đều được thể chế hóa thành các quy định pháp luật và yêu cầu được tuyệt đối tuân thủ. Như vậy, công chức phải ý thức tính pháp lý trong giao tiếp hành chính công. Đối với dòng giao tiếp thứ nhất giữa cấp trên và cấp dưới, thực hiện theo nguyên tắc mệnh lệnh – phục tùng và trách nhiệm: cấp trên chịu trách nhiệm về mệnh lệnh của mình, cấp dưới có trách nhiệm phục tùng; mọi hành vi lạm quyền và vô kỷ luật phải bị xử lý. Đối với dòng giao tiếp thứ hai giữa các công chức với nhau, thực hiện theo nguyên tắc phân công, phối hợp và trách nhiệm; mọi hành vi thiếu trách nhiệm làm thiệt hại lợi ích nhà nước bị xử lý. Đối với dòng giao tiếp thứ ba giữa công chức với công chúng, thực hiện nguyên tắc phục vụ không vụ lợi; mọi hành vi trái bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trái tinh thần cán bộ công chức là công bộc trung thành của nhân dân bị xử lý.
Giao tiếp hành chính công với tính quy phạm đạo đức xã hội
Hành chính công tồn tại vì xã hội, vì công chúng. Tính xã hội làm cho hành chính công không có mục tiêu riêng của hành chính, không vì tổ chức riêng của mình hay nói cách khác tính riêng của hành chính Nhà nước không tồn tại. Công chức khi đảm nhận nhiệm vụ lợi ích công và lợi ích công dân. Khoác lên mình chiếc áo quyền lực nhà nước, công chức tham gia giao tiếp hành chính công hành động theo bản chất vô tư không vụ lợi của hành chính công. Không có gì tồi tệ hơn khi nhân danh quyền lực nhà nước nhưng không mang lại giá trị phục vụ của Nhà nước. Trong giao tiếp nhằm mục đích phục vụ xã hội, công chức không thể mong muốn đòi hỏi người được phục vụ phải trả “thù lao” cũng không thể mong muốn theo đuổi “danh lợi”. Hơn nữa, giao tiếp hành chính công vốn mang đậm tính nhân văn, luôn luôn hướng đến con người. Công chức trong giao tiếp hành chính công hành động với lương tâm, đạo đức và biết tôn trọng con người với những giá trị con người. Sự ý thức về những giá trị con người, mọi người là bình đẳng, là điều kiện đầu tiên của mọi hoạt động, nhất là hoạt động giao tiếp.
Như một quy trình hết sức phức tạp trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội của con người, công chức trong giao tiếp hành chính công chịu sự tác động và chi phối bởi bối cảnh chung của bức tranh xã hội hiện tại và những quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy, công chức trong giao tiếp hành chính công luôn luôn thực hành những chuẩn mực mang tính quy phạm pháp lý và tính quy phạm đạo đức xã hội. Để thật sự tham gia giao tiếp hành chính công với đầy đủ bản chất của giao tiếp hành chính công, công chức nhà nước rất cần:
Thứ nhất lànhận thức.
Nhận thức định hướng cho hành động. Hành động đạt kết quả tích cực phần lớn do sự nhận thức ban đầu đúng đắn và đầy đủ. Rất cần thiết công chức nhận thức được giao tiếp hành chính công theo văn hóa giao tiếp hành chính công mang lại nhiều giá trị: cho xã hội, cho Nhà nước và cho bản thân công chức. Đó là giá trị cho xã hội khi giao tiếp hành chính công cho thấy thực hiện vì mục tiêu xã hội và vì lý tưởng xã hội, phục vụ trở thành sứ mệnh cao cả của hành chính công mà công chức không thể chuyển giao cho bất kỳ ai khác. Đó là giá trị cho Nhà nước khi uy tín của Nhà nước được nâng cao và niềm tin vào Nhà nước được khẳng định, trong đó hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước có sự góp phần từ văn hóa giao tiếp hành chính của công chức. Đó là giá trị cho công chức khi họ có cơ hội nhận định lại bản thân mình trong mỗi lần tham gia giao tiếp hành chính công và cũng là thêm một lần nữa hoàn thiện nhân cách, ở đó, công chúng là “chiếc gương thần” để công chức soi mình.
Thứ hailà kỹ năng.
Trong giao tiếp, mục đích của hành chính công có thể đạt được hoặc có thể không đạt được. Để mục đích trở thành hiện thực, phải có kỹ năng. Trước hết, đó là những kỹ năng cơ bản vốn cần thiết cho mọi loại giao tiếp là “nghe, nói, đọc, viết”. Tuy nhiên, đó phải là những kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo kiểu hành chính công. Công chức biết cách nghe được cả những điều công dân không thể nói ra, hay nói cách khác là kỹ năng lắng nghe. Công chức biết cách nói để thu phục nhân tâm, lôi cuốn công dân đồng thuận và tự nguyện với Nhà nước. Công chức biết cách đọc để truyền cả ý tưởng, cảm xúc và niềm tin đến công dân đang nghe. Công chức biết cách viết thuyết phục để công dân hiểu như đang trao đổi trực tiếp. Như vậy, công chức trong thực hành các kỹ năng giao tiếp hành chính công không chỉ đơn thuần thực hành kỹ năng mà thực hành kỹ năng có khoa học và nghệ thuật, có tri thức và nhân văn. Kỹ năng không thể thiếu trong giao tiếp hành chính công là kỹ năng định vị, biết mình là ai trong giao tiếp và ai đang giao tiếp với mình. Theo góc nhìn từ xã hội, Nhà nước thực hiện công việc quản lý toàn xã hội, nên thể hiện uy quyền khắp nơi và xã hội phải phục tùng. Theo góc nhìn từ pháp luật, mỗi cơ quan nhà nước, mỗi công chức nhà nước đều được quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thể hiện thẩm quyền trong quản lý hành chính nhà nước. Theo góc nhìn từ đạo đức công chức, Nhà nước phục vụ xã hội, công chức phục vụ công dân. Như vậy, nhìn công chức và công việc của họ bằng cái nhìn đạo đức công chức và công việc của họ bằng cái nhìn đạo đức công chức là cái nhìn bao trùm tất cả mọi góc nhìn – công chức là công bộc của công dân và xã hội! Kỹ năng định vị trong giao tiếp hành chính công không những là “biết người, biết ta” mà còn tạo nên ở công chức lòng tự trọng và biết tôn trọng con người.
Những nhận thức và kỹ năng nêu trên trong giao tiếp hành chính công không phải tự nhiên “từ trên trời rơi xuống”, hãy cố tâm cố chí rèn luyện như Hồ Chí Minh nói “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”! Càng sáng, càng trong, công chức càng đạt đến những giá trị cao nhất của con người mà ở đó, con người vươn lên giá trị chân, thiện, mỹ. Hình ảnh công chức trong giao tiếp hành chính công không chỉ với tư cách cá nhân tham gia giao tiếp xã hội mà còn với tư cách đại diện cho nền hành chính của một quốc gia. Vì lẽ trên, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức với văn hóa trong giao tiếp hành chính công là một tất yếu trong công cuộc cải cách, xây dựng nền hành chính công ngày càng nghiêm minh và vững mạnh, trong sạch và dân chủ, thân thiện và văn hóa.