Con trăn thức ăn ngon, vị thuốc quý hiếm
Làm thức ăn
Lẩu trăn, cháo trăn: đối với món cháo cần ninh nhừ xương trước, thêm tiết trăn, ruột chăn. Huyết trăn có tác dụng bổ can huyết chữa mờ mắt, hoa mắt, thiếu máu, đau nhức cơ khớp. Có ý kiến ruột trăn chữa bệnh tiêu hóa còn tốt hơn dạ dày nhím, dạ dày dê, màng mề gà… Thịt trăn có người cho là nên ướp thêm ngũ vị hương hoặc xào sơ với Hành, Tỏi, Gừng. Người dân Malaysia thì luôn ca ngợi thịt trăn dù nấu món gì cũng ngon thơm. Khi làm thịt trăn, họ tranh nhau mua mật trăn nuốt sống tại chỗ để “giải hạn lấy may”(?). Phải chăng như người Việt Nam có tập quán “ăn thịt chó” giải hạn. Họ còn cho đó là thức ăn bổ dưỡng, tốt cho người lao động nặng nhọc ở vùng nhiệt đới… (công nhân trồng cao su ở Malaysia rất hay có thói quen này).
Làm dược thiện
-Món thịt trăn nấu kỳ hương: thịt trăn 200g, Hoàng kỳ 50g, Gừng tươi 3 lát. Ninh với nước vừa đủ. Cho gia vị ăn nóng.
- Thịt trăn 20g, Dương quy 3g, Nhân sâm 3g, Thục địa 3g, Đại táo 5g, hạt Sen 5g, Ngọc trúc 5g, Ý dĩ 5g, có công dụng bổ khí huyết, chữa đau lưng, cột sống nhức mỏi cơ xương khớp, tuổi già yếu, kém ăn, mất ngủ.
Thuốc chế từ con trăn
Cao trăn toàn tính hoặc cao xương trăn uống cùng mật ong chữa suy nhược, đau nhức xương khớp.
Hiện nay đã có tình trạng tùy tiện không tôn trọng quy trình quy phạm trong nấu cao trăn làm thuốc và trong chỉ định sử dụng thuốc chữa bệnh. Nấu cao trăn làm thuốc là cả một nghệ thuật! Người nấu cao và cô cao phải có kinh nghiệm để đảm bảo các tiêu chuẩn cảm quan của thành phẩm, tính an toàn và hiệu lực của cao trong điều trị mới phát huy được.
Xương trăn – Hoàn cường dương : xương trăn 20, tắc kè 1 cặp bỏ mắt, sừng nai 20g, yếm rùa 12g, cua đinh 20g, dây Ruột gà (tẩm rượu sao vàng) 20g, Tơ hồng xanh 20g, Đậu đen 20g, Thạch hộc 16g, củ Mì tinh 20g, Thuốc cứu 8g.
Yếm rùa nướng lửa than nhúng giấm, nướng tiếp cho giòn, tán cùng các vị khác. Sừng nai bọc cám ướt, nướng lửa than cho nở, tán nhuyễn. Hoàn với mật ong cỡ đầu ngón tay. Mỗi lần 1 hoàn.
Nếu bài trên kém hiệu quả, có thể gia thêm một số vị bổ khí huyết, bổ thận tráng dương khác như Đỗ trọng, Sâm bố chính ngâm với 1 lít rượu trắng và 200 g mật ong.
Rượu mật trăn: chữa tụ huyết giảm đau. Dùng ngoài xoa bóp thì an toàn hơn. Dùng trong để thanh lương giải độc, tiêu hóa trừ đờm chỉ thống (giảm đau nhức). Có ý kiến mật trăn như mật rắn có tính năng thanh lương giải độc giảm căng thẳng thần kinh và cơ bắp khi lao động nặng nhọc trong môi trường nóng nhiệt đới. Người ta còn quảng cáo mật trăn dùng ngâm rượu để “hành bà xã”…
Chữa rắn hổ cắn: theo tài liệu của Dương Văn Cầu (Đồng Nai) dùng bài thuốc có 15 vị trong đó có 3 cái mật trăn ngâm rượu trong uống ngoài tẩm bông đắp.
Nhiệm xà tửu (Bản thảo cương mục): ngừa bệnh dịch giải độc. Chữa phong tê nhức nhiễm khí độc nơi rừng núi, ghẻ lở, ung nhọt. Lấy trăn 1 con vừa dùng nướng chín, Khương họat 30g, đem giã nát cho vào túi vải cùng với men đặt ở đáy kháp phủ cơm nếp lên trên gầy rượu. Dùng sau 10 ngày.
Mỡ trăn dùng cho các bệnh ngoài da, bỏng, vết thương. Mỡ trăn thắng chảy để dành thoa.
Trăn là động vật làm thức ăn và thuốc đang có nguy cơ giảm dần do phá rừng và săn bắt bừa bãi. Phát triển chăn nuôi trăn là một giải pháp hữu ích đối với “những món độc của đại ngàn” này để nghiên cứu có hệ thống về tính năng công dụng của con trăn. Hiểu biết về công năng của trăn hiện nay cũng còn ít so với rắn.