Con người, tác nhân vụ tuyệt chủng lớn thứ 6 lịch sử
Dân số tăng nhanh, Khí hậu ấm lên và sự suy giảm môi trường báo hiệu vụ tuyệt chủng lớn thứ sáu trong lịch sử địa chất Trái đất, theo các nhà khoa học.
Khoảng 170 nhà cổ sinh vật học từ 21 quốc gia đã bày tỏ lo ngại của mình về việc suy giảm tính đa dạng sinh học tại hội nghị chuyên đề quốc tế lần thứ tư về hệ cambri. Hội nghị kéo dài 5 ngày này đã kết thúc ngày 23/8/2005 tại tỉnh Giang Tô của Trung Quốc.
Họ tin rằng cuộc cách mạng công nghiệp đã dẫn tới sự biến mất của nhiều loài tương tự như 5 đợt tuyệt chủng trong lịch sử địa chất của Trái đất. Năm vụ tuyệt chủng này được cho là do sự thay đổi mạnh mẽ của thiên nhiên. Vụ tuyệt chủng lớn nhất xảy ra cách đây 250 triệu năm, đã loại trừ khoảng 95% sự sống trên Trái đất lúc đó. Vụ tuyệt chủng được biết đến nhiều nhất là của loài khủng long, xảy ra khoảng 65 triệu năm trước.
Theo một cuộc khảo sát về các loài trên toàn cầu vào năm 2004 được Hội bảo tồn môi trường thiên nhiên thế giới công bố, có khoảng 15.000 loài đang biến mất, nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử và có khoảng 1 triệu loài sinh vật mặt đất sẽ biến mất trong nửa thế kỷ tới.
Hoạt động của con người đang gây ra sự tuyệt chủng lớn cho các loài nhanh hơn các vụ tuyệt chủng do yếu tố tự nhiên gây ra. Tốc độ tuyệt chủng trung bình của một loài hiện nay là 1 giờ. Trong các loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng gần đây nhất có cả chim hét ở Hawai.
"Mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tính đa dạng sinh học, con người vẫn đang tiếp tục tác động đến các loài, khiến cho nguy cơ tuyệt chủng của chúng là điều không thể tránh khỏi", Chia-Wei Li, một nhà cổ sinh vật học từ Trường ĐH Tsing Hua tại Đài Loan cho biết.
Ví dụ như, con người đang tăng cường phun các chất tẩy uế khi bị đe dọa bởi các dịch bệnh như sốt xuất huyết và cúm gia cầm, đẩy nhanh hơn sự tuyệt chủng của các loài chỉ trong thời gian ngắn.
Palmer Allison, Chủ tịch Viện nghiên cứu Cambri tại Mỹ, cho biết, dân số tăng nhanh cũng chắc chắn sẽ đem đến hậu quả tai hại, và dù cho loài người có thể sống sót, các loài khác cũng sẽ không còn.
Các nhà khoa học đồng ý rằng quá trình tuyệt chủng các loài hiện nay có thể phá vỡ mối liên hệ giữa các quần thể sinh vật, và chắc chắn sẽ tác động đến loài người. Do đó, con người cần học cách bảo vệ môi trường và chung sống hài hòa với các loài khác.
Nguồn: tuoitre.com.vn 24/8/2005